Tiềm năng vượt trội
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, từ năm 1975 đến nay, lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn An Giang cũ đã từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực khẳng định vị thế trong cơ cấu kinh tế địa phương. Trong từng giai đoạn, ngành nông nghiệp chuyển đổi từ cơ chế tập trung sang “đổi mới” để tiến tới hội nhập và phát triển.
Từ canh tác 1 vụ lúa sang 2 vụ tập trung trong thời kỳ 1975 - 1986, ngành nông nghiệp đã hướng tới việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2025. Cùng với đó là quá trình đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái - xanh - tuần hoàn. Năm 2024, tổng diện tích xuống giống lúa của tỉnh khoảng 618.600ha, sản lượng ước đạt gần 4,072 triệu tấn, xuất khẩu gạo ước đạt 510.000 tấn, tương đương 295 triệu USD. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò “bệ đỡ” kinh tế của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế địa phương.
An Giang đang hướng đến mục tiêu đưa hạt gạo chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới. Việc tích cực đổi mới phương thức sản xuất, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các giải pháp tổng hợp trong sản xuất lúa song song với cấp mã số vùng trồng, cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong việc “chuẩn hóa” chất lượng hạt gạo xuất khẩu. Hiện, trên địa bàn tỉnh An Giang đã cấp 193 mã số vùng trồng lúa với tổng diện tích 11.862ha, chiếm khoảng 5,6% tổng diện tích trồng lúa. Trong đó, có 131/193 mã số vùng trồng xuất khẩu, với diện tích 7.922ha.

Nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận, xã Mỹ Thuận canh tác lúa theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: THÙY TRANG
Tại địa bàn Kiên Giang cũ, thời gian qua đã tập trung khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại và bền vững. Hàng năm, tỉnh cũ duy trì diện tích gieo trồng lúa ổn định khoảng 725.680ha, tổng sản lượng lúa thu hoạch trên 4,7 triệu tấn, đứng đầu cả nước về sản lượng. Năng suất thu hoạch bình quân đạt 6,5 tấn/ha. Trong đó, lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm trên 95% diện tích gieo trồng.
Đặc biệt, ngành chuyên môn chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo vào sản xuất. Trong đó, đã sử dụng công nghệ cảm biến môi trường, drone (thiết bị bay không người lái) để canh tác trên 83% diện tích gieo trồng. Thiết lập và sử dụng hệ thống dự báo sớm về hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng cực đoan để lên kế hoạch sản xuất phù hợp. Tăng cường cơ giới hóa vào đồng ruộng, áp dụng các quy trình canh tác hiện đại đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SRP, hữu cơ… giúp năng suất lúa của tỉnh, chất lượng gạo được nâng lên, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Hướng đến tương lai
Hợp nhất thành tỉnh An Giang, sẽ mở nhiều cơ hội và lợi thế vượt trội cho ngành lúa gạo, gắn liền vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường: “Tỉnh An Giang sẽ tạo ra vùng sản xuất lúa gạo tập trung, có quy mô lớn nhất cả nước, hỗ trợ kinh tế lẫn nhau trong chuỗi giá trị lúa gạo. Sản lượng lúa chất lượng cao của tỉnh khi đó sẽ đạt hơn 9 triệu tấn, giúp địa phương dẫn đầu xuất khẩu gạo, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, là “trụ đỡ” của nền kinh tế”.
Tỉnh mới sẽ thuận lợi hơn trong việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo lớn và bền vững, giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo. Bên cạnh, hạ tầng thủy lợi, logistics, hệ thống kho chứa, chế biến… có điều kiện đầu tư đồng bộ và kết nối vùng, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo. Việc hợp nhất tỉnh kỳ vọng sẽ tạo ra động lực lớn để phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao hơn.
Để khai thác hiệu quả thế mạnh ngành hàng lúa gạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức yêu cầu ngành nông nghiệp tập trung phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng địa phương. Tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp song song với tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, như: Sử dụng drone, hệ thống tưới tiêu tự động, phần mềm quản lý hiện đại. Quan tâm phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Tập trung chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hình thành các vùng nguyên liệu bền vững. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các giống lúa mới, các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ bảo quản và chế biến hiện đại; xây dựng các chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ. Nỗ lực xây dựng thương hiệu “Gạo An Giang”, tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại. Triển khai các giải pháp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo, tiêu biểu là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao…
Với sự cộng hưởng nhiều thế mạnh, tiềm năng phát triển nông nghiệp, tỉnh An Giang (mới) không dừng lại ở việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp quy mô, kiểu mẫu của vùng ĐBSCL và cả nước.
THÙY TRANG - THANH TIẾN