P.V: Giữ vai trò lãnh đạo UBND tỉnh An Giang mới đầy tiềm năng, đồng chí kỳ vọng những lĩnh vực nào sẽ “cất cánh” trong thời gian tới?
Đồng chí Hồ Văn Mừng: Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tin tưởng, chỉ định tôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh An Giang mới. Đây là vinh dự của bản thân, đồng thời cũng là trọng trách lớn lao trước Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ và hơn nữa là trách nhiệm trực tiếp trước Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 2 tỉnh An Giang - Kiên Giang.
Tỉnh An Giang sau hợp nhất có diện tích hơn 9.888km2, dân số gần 5 triệu người (đứng đầu vùng ĐBSCL), có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), quốc phòng - an ninh, với đường bờ biển dài gần 200km và tuyến biên giới hơn 204km giáp Campuchia, địa hình đa dạng, phong phú. Tỉnh An Giang mới hội tụ đầy đủ các yếu tố “biển, biên giới và nội địa” để phát triển, không phải một số lĩnh vực mà phải phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực, đảm bảo hài hòa, bền vững, trong đó, tập trung vào 3 trụ cột kinh tế (kinh tế biển, kinh tế biên mậu và kinh tế nông nghiệp).
Về kinh tế biển, tỉnh hướng đến trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh quốc gia; chú trọng phát triển du lịch (DL) biển, trọng tâm là đặc khu Phú Quốc, với cơ chế đặc thù, vượt trội, trở thành đầu tàu, lan tỏa phát triển sang các loại hình DL văn hóa, tâm linh tại núi Cấm, núi Sam, tạo thành tour - tuyến DL khép kín với đầy đủ loại hình hấp dẫn, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách, từ đó thúc đẩy phát triển vùng và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển đô thị hướng biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cho phát triển kinh tế biển (hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics đa ngành); thúc đẩy phát triển nuôi biển công nghệ cao.
Về kinh tế biên mậu, tỉnh An Giang mới sẽ kết nối biên giới qua hệ thống 9 cửa khẩu (trong đó có 3 cửa khẩu quốc tế; Cửa khẩu Khánh Bình đang chuẩn bị nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế), giúp đẩy mạnh kinh tế cửa khẩu, giao thương với Campuchia và tiểu vùng Mekong, tăng cường kết nối, liên kết vùng thông qua tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (sẽ hoàn thành vào năm 2026), tuyến N1, sắp tới là tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng. Ảnh: LÊ TRUNG HIẾU
Về kinh tế nông nghiệp, tỉnh An Giang mới sau hợp nhất gần như “ôm trọn” vùng Tứ giác Long Xuyên rộng lớn, đầy tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp với 4 góc là 4 đô thị lớn của tỉnh. Rạch Giá là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế tổng hợp; Long Xuyên là trung tâm kinh tế tổng hợp, đa ngành, phát triển công nghiệp chế biến - nông nghiệp công nghệ cao; Châu Đốc là trung tâm DL tâm linh - DL sinh thái - kinh tế nông nghiệp - kinh tế biên mậu; Hà Tiên là đô thị DL - kinh tế biển kết hợp kinh tế biên mậu để phát huy vị thế Biển Tây. Trong khi đó, vùng lõi Tứ giác Long Xuyên là vùng động lực đầy tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh gắn với vùng nguyên liệu tập trung, logistics, trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn với phương châm “4 tại chỗ” (nguyên liệu tại chỗ, nhà máy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, xuất khẩu tại chỗ) để kinh tế nông nghiệp bứt phá trong thời gian tới.
Cùng với đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc, tỉnh An Giang vừa được hợp nhất đứng trước thời cơ mới trong không gian mới, rộng hơn, tiềm năng nhiều hơn, dư địa lớn hơn với hạ tầng KTXH ngày càng hoàn thiện, từng bước hình thành các trục, hành lang kinh tế mới, như: Trục Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ; trục Phú Quốc - Hà Tiên - Tịnh Biên - Châu Đốc - Tân Châu; trục Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và tam giác phát triển Phú Quốc - Rạch Giá - Hà Tiên.
Các trục, hành lang kinh tế này sẽ được đảm bảo bởi Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với cơ chế đặc thù phát triển kinh tế biển và DL của đặc khu Phú Quốc, gắn với sự kiện tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2027, sẽ mở ra thời cơ rất thuận lợi cho tỉnh An Giang phát triển trong thời gian tới.
Với trách nhiệm là người đứng đầu UBND tỉnh, tôi sẽ cùng tập thể UBND tỉnh kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được của 2 tỉnh trước đây; tranh thủ tối đa thời cơ, vượt qua mọi thách thức, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cùng với cả hệ thống chính trị xây dựng An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước; là trung tâm kinh tế biển mạnh của vùng ĐBSCL và của quốc gia; có hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH phát triển đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, có nền kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững, tích hợp giữa kinh tế biển, kinh tế biên mậu và kinh tế nông nghiệp.
P.V: Để tỉnh An Giang mới thật sự vươn mình, cần phải khắc phục những “điểm nghẽn” nào của tỉnh cũ, không gian cũ, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Văn Mừng: Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: “Việc sáp nhập 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang không chỉ là giải pháp hành chính, mà còn quyết định mang tầm chiến lược nhằm kiến tạo một thực thể phát triển mới có quy mô kinh tế lớn hơn, hệ sinh thái kinh tế đa dạng hơn và khả năng điều phối liên kết vùng hiệu quả hơn”. Tôi cho rằng, tỉnh An Giang mới có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá như đã đề cập ở phần trên. Tuy nhiên, để An Giang thật sự vươn mình, những tồn tại, hạn chế trước đây của 2 tỉnh cần được khắc phục triệt để.
Thứ nhất, không gian phát triển nhỏ hẹp, mối liên hệ, liên kết vùng còn khó khăn do nhiều cấp quyết định, kết cấu hạ tầng KTXH mặc dù ngày càng được đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, nhưng nhìn chung vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cảng biển chưa hiện đại, năng lực bốc xếp - tiếp nhận hàng hóa hạn chế, thiếu cảng nước sâu và trung tâm logistics đa ngành quy mô lớn.
Do đó, cần phải ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, nhất là hoàn thiện cao tốc nội tỉnh và liên vùng để tăng cường giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa và xử lý vấn đề liên vùng, liên tỉnh; nâng cấp sân bay để đáp ứng yêu cầu mới, nhất là sân bay Phú Quốc; đầu tư hạ tầng và phát triển đô thị TOD (Transit Oriented Development) dọc các tuyến cao tốc để phát triển Tứ giác Long Xuyên. Đặc biệt là Rạch Giá, với vị trí trung tâm chính trị kinh tế của toàn tỉnh; cuối cùng là phát triển cảng biển và cảng sông đa năng, phục vụ logistics, xuất nhập khẩu và DL.
Thứ hai, công tác thu hút đầu tư trong đất liền của 2 tỉnh trước đây đều khó khăn do thiếu quỹ đất sạch, suất đầu tư cao, đặc biệt chưa có nhiều dự án phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, nên chưa tạo được giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Do vậy, thời gian tới cần ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao (nuôi biển công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh gắn với vùng nguyên liệu tập trung) để bứt phá. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển đô thị - thương mại - dịch vụ và DL, logistics đa ngành, năng lượng tái tạo để phát triển bền vững.
Thứ ba, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh (kinh tế biển, kinh tế biên mậu, kinh tế nông nghiệp, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn). Vì vậy, cần phải có những cơ chế, chính sách đột phá để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng thành công chính quyền số và kinh tế số.
Việc giải quyết các điểm nghẽn, tồn tại không hề dễ dàng, cần có thời gian, lộ trình phù hợp, đồng thời cũng cần được dẫn dắt bởi bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm với quyết tâm chính trị cao, nhằm đưa An Giang phát triển đột phá, thực chất và bền vững.
P.V: Xin đồng chí cho biết, từ ngày 1/7, tỉnh sẽ bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào về KTXH?
Đồng chí Hồ Văn Mừng: KTXH trên địa bàn 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang 6 tháng đầu năm 2025 phát triển khá toàn diện, nhiều ngành, lĩnh vực có tăng trưởng cao so cùng kỳ. Trong đó, GRDP tỉnh An Giang ước tăng 8,51%, tỉnh Kiên Giang ước tăng 7,5%. 6 tháng cuối năm 2025 là giai đoạn đặc biệt quan trọng, khi bộ máy chính quyền cấp xã và tỉnh An Giang mới đi vào hoạt động. Nhiệm vụ đặt ra rất lớn, rất khó khăn, nhiều thử thách và chưa có tiền lệ, nhưng không thể không làm.
Với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị để vận hành ổn định bộ máy chính quyền 2 cấp, đẩy mạnh phát triển KTXH với nhiều quan điểm, mục tiêu phát triển mới trong không gian mới, rộng hơn, tiềm năng nhiều hơn, dư địa lớn hơn, hướng lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó, nhiệm vụ trước tiên là cần quán triệt trong toàn hệ thống chính trị tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo không gian mới, dư địa mới và huy động tối đa nguồn lực để phát triển”. Đây là cơ sở để xây dựng giải pháp đột phá, tối ưu, thích ứng linh hoạt và phù hợp, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2025, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tập trung các nhiệm vụ sắp xếp, vận hành ổn định mô hình chính quyền 2 cấp sau hợp nhất, không bỏ trống, không làm gián đoạn mọi hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, tập trung tối đa trí tuệ, nguồn lực, tư duy để xây dựng, hoàn thiện Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang mới, Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2026 - 2030 có chất lượng, đột phá, đổi mới để 2 tài liệu này thật sự trở thành cẩm nang chỉ đạo, điều hành, dẫn dắt nền kinh tế giai đoạn tới.
Thứ ba, tập trung giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, để đạt mục tiêu tăng trưởng (đạt 8,5% Chính phủ giao), phấn đấu đạt 8 - 8,5%.
Thứ tư, triển khai thực hiện hiệu quả “bộ tứ trụ cột”, gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024; Nghị quyết 59-NQ/TW, ngày 24/1/2025, Nghị quyết 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025; Nghị quyết 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, góp phần cho nền kinh tế của tỉnh cất cánh cùng cả nước.
Thứ năm, tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tiến độ dự án đường cao tốc, dự án giao thông đối nội kết nối với trung tâm kinh tế lớn, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, vùng sản xuất và khu, điểm DL trọng điểm của tỉnh, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số. Đặc biệt, là các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc.
Thứ sáu, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách xã hội, nhằm nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là công tác chăm lo cho người có công với cách mạng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo (nhất là công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi), y tế, giáo dục… theo phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ bảy, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ tám, đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung số hóa toàn diện hoạt động quản lý Nhà nước và tích cực thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh.
Thứ chín, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt giữ vững phòng thủ khu vực biên giới.
Thứ mười, khẩn trương cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh An Giang sau hợp nhất theo quan điểm, định hướng và mục tiêu mới của tỉnh, chú trọng mở rộng không gian phát triển các trụ cột kinh tế biển, kinh tế biên mậu, kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đồng thời cập nhật quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đảm bảo đồng bộ, thống nhất.
Có thể thấy, nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2025 là rất lớn. Sau khi hợp nhất thành tỉnh An Giang mới và vận hành chính quyền 2 cấp, sẽ có những cơ hội, thuận lợi mở ra, đồng thời khó khăn, thách thức mới phát sinh. Do đó, đòi hỏi phải nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự phấn đấu, cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân và doanh nghiệp. Các cấp, ngành cần tiếp tục đổi mới toàn diện trong chỉ đạo điều hành KTXH, tập trung khơi thông điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch chi tiết, chủ động đề ra giải pháp tích cực, hiệu quả, khả thi nhằm tận dụng tốt thời cơ, chủ động vượt qua mọi thách thức để phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025, làm nền tảng xây dựng tỉnh An Giang giai đoạn 2026 - 2030 phát triển, giàu mạnh, bay cao và vươn xa.
P.V: Xin trân trọng cám ơn đồng chí Hồ Văn Mừng!
GIA KHÁNH (thực hiện)