Trình bày sự việc với phóng viên Báo An Giang, bà Trần Thị Việt (sinh năm 1946, ngụ ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu, An Phú) cho biết: “Phần đất của gia đình tôi (ngang 39m, dài 800m) do cha, mẹ khai mở khó nhọc từ trước năm 1975, trải dọc theo con mương thoát nước. Tôi đã sản xuất, trồng hoa màu, cây ăn trái góp phần cải thiện đời sống gia đình. Khoảng năm 2013, UBND xã Phú Hữu lấy phần đất này để làm lộ, không thông qua gia đình tôi và cũng không bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi làm đơn khiếu nại từ rất lâu, nhưng địa phương vẫn cứ “để đó”, không xem xét, giải quyết. Vừa qua, cán bộ địa chính xã mời tôi đến làm việc. Do tôi không biết chữ, nên chỉ lăn tay vào biên bản do cán bộ ghi (không rõ nội dung). Đã vậy, mới đây UBND xã còn đến buộc tôi phải di dời cây trồng trên bờ kênh, dù trước đó đã đốn, chặt rất nhiều cây đang ăn trái. Tôi yêu cầu địa phương bồi thường số cây đã chặt và bồi hoàn về phần đất đã chiếm dụng trái phép vừa qua”.
Bà Trần Thị Việt
Phản bác nội dung trình bày của bà Việt, ông Phạm Phú Cường, cán bộ địa chính xã Phú Hữu, cho biết: “Phần đất bà Trần Thị Việt đòi bồi thường có nguồn gốc của gia đình bên chồng, phần lớn đã sang nhượng trên 10 năm. Riêng phần đất của bà Việt đang khiếu nại có diện tích 410m2 (thửa đất số 104, tờ 93), tọa lạc dọc đường cộ Hòa Hiệp (ngang trên 3m, dài trên 2.000m), trước đây tranh chấp với ông Trương Văn Hữu. Vừa qua, bà Việt đã trồng các loại cây (chuối, chanh, xoài, dừa, đậu...) không chỉ 2 bờ kênh, mà còn lấn qua số đất cặp bờ kênh của các ông: Chung Văn Đợi, Nguyễn Văn Lừng, con ông Lừng và bị họ phản ứng.
Năm 2013-2014, khi địa phương nâng cấp, mở rộng đường cộ phục vụ sản xuất, đi lại, bà Việt không khiếu nại. Gần đây, bà làm đơn đòi bồi thường nhưng lại không chứng minh được số diện tích, nguồn gốc đất. Địa phương đã nhiều lần mời làm việc nhưng bà không hợp tác. Hễ đến trụ sở là bà khóc lóc, lớn tiếng, gây khó khăn cho cán bộ, người làm việc. Do bà không biết chữ nên chúng tôi đã cầm tay bà điềm chỉ, nhưng không có việc bôi bôi, xóa xóa trong biên bản như bà nói”.
Định vị phần đất của bà Việt
Bổ sung về việc này, bà Nguyễn Thị Diễm Thu, cán bộ Tư pháp xã Phú Hữu, người nhiều lần tham gia vụ việc, thông tin: “Sau khi nhận đơn của bà Việt vào cuối tháng 5-2018, lãnh đạo UBND xã phân công cán bộ chuyên môn đến hiện trường, đồng thời mời đương sự, hộ liên quan đến trụ sở để làm rõ sự việc. Trong buổi làm việc ngày 28-6, bà Việt cứ cho rằng đó là đất của mình, buộc Nhà nước phải bồi thường nhưng không đưa ra được chứng cứ, số diện tích cụ thể. Khi xong việc, tôi vừa bước ra cửa liền bị bà Việt xâm phạm thân thể và phát ngôn rất khó nghe. Tôi bị bà khống chế khá lâu, đến khi tôi nói bị hạ can-xi và năn nỉ mới được buông ra.
Ngày 2-7, bà Việt đến gặp tôi yêu cầu nhận biên bản, hoặc đọc cho nghe về nội dung hôm làm việc của mấy ngày trước đó. Tôi mời đương sự qua bộ phận tiếp dân, rồi mượn biên bản làm việc định đọc cho bà nghe theo yêu cầu. Khi tôi lấy biên bản ra, chưa kịp đọc đã bị bà Việt giật giấy và xé ngay, bỏ vào túi rồi la toáng lên”.
UBND xã Phú Hữu cho biết: “Phần đất của bà Việt tranh chấp từ trước đây đã được xem xét và giải quyết. Hộ này tự trồng cây ăn trái, hoa màu vi phạm đường đi, hành lang bờ kênh, đã nhiều lần bị địa phương nhắc nhở và xử lý. Còn việc đương sự đòi bồi thường phần đất, bồi hoàn thành quả lao động đã được chúng tôi xác minh, làm rõ. Qua đó cho thấy, không có cơ sở để xem xét giải quyết theo quy định. Địa phương đã báo cáo sự việc về trên để xem xét, quyết định”.
Bài, ảnh: N.R