Khiếu nại việc đưa người thừa kế liên đới chịu trách nhiệm

11/04/2018 - 19:32

 - Ông Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, cơ quan xét xử không xem xét nhiều yếu tố quan trọng, làm thiệt hại tài sản cho đương sự. Đồng thời, 3 người con của ông khiếu nại việc tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là “người thừa kế quyền và nghĩa vụ”, trong khi họ không hề thừa hưởng di sản để lại.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên (sinh năm (SN) 1953, ngụ ấp Khánh Phát, xã Khánh Hòa, Châu Phú,  An Giang) trình bày: “Ngày 10-3-2016, tôi ký “Hợp đồng hợp tác đầu tư thức ăn thủy sản (TS)” với ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1995, khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ).

Theo đó, ông Bình cung cấp 200 tấn thức ăn TS chuyên dùng, loại 26% Protein công bố trên bao bì; sau 5 ngày tôi điện báo tin, ông Bình có nghĩa vụ giao sản phẩm theo hợp đồng. Ông Bình thường giao hàng trễ hạn, chất lượng không bảo đảm.

Ngày 24-8-2016, Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng TS do Chi cục TS An Giang kiểm tra xác định “Sản phẩm tôi sử dụng không nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam”.

Cơ quan này thu hồi, buộc tiêu hủy sản phẩm vi phạm. Qua đó cho thấy, dù đã hơn 7 tháng nuôi, độ lớn của cá rất chậm, mất trên 70 tấn cá. Tính đến tháng 9-2016, tôi lần lượt nhận hơn 195 tấn thức ăn TS cho cá, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.

Ban đầu, tôi thanh toán 300 triệu đồng, sau đó sẽ trả hết nhưng thất mùa cá, trả thêm 600 triệu đồng, còn nợ gần 1,1 tỷ đồng. Thiệt hại về nuôi cá có lỗi rất lớn do thức ăn gây ra và việc vi phạm hợp đồng của ông Bình.

Trong quá trình xét xử, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Phú không xem xét nhiều yếu tố quan trọng, không có biện pháp chế tài phía bên đầu tư sản phẩm đã vi phạm.

Việc nuôi cá là của gia đình tôi không liên quan đến 3 người con (có gia đình và ở riêng từ lâu), nhưng “lạ thay” lại bị đưa vào tham gia tố tụng, liên đới chịu trách nhiệm dân sự?”.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên trình bày vụ việc

3 người con của ông Nguyên là: Nguyễn Nguyên Ngân (SN 1975, ngụ ấp Khánh Phát, xã Khánh Hòa, Châu Phú), Nguyễn Nguyên Phương (SN 1979, ngụ tổ 12, khóm Châu Long 7, phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc), Nguyễn Nguyên Phượng (SN 1981, đường Trưng Nữ Vương, phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) cho biết: “Chúng tôi đều có gia đình, có hộ khẩu riêng, đời sống kinh tế riêng. việc đầu tư nuôi cá tra của cha mẹ, chúng tôi hoàn toàn không rõ. Trong quá trình tố tụng, mẹ chúng tôi (Nguyễn Ngọc Lang, SN 1955) đã chết.

Thời điểm này, tòa án đưa chúng tôi vào tham gia với tư cách là “người thừa kế quyền và nghĩa vụ” của vụ việc. Tuy nhiên, TAND huyện Châu Phú không hề xác minh, làm rõ việc chúng tôi có hay không hưởng phần di sản thừa kế của mẹ. Hồ sơ vụ kiện không có thỏa thuận nào về việc trả nợ thay cho mẹ, cũng như không có văn bản nào của cha mẹ nói chúng tôi liên đới chịu trách nhiệm dân sự.

Thực tế, chúng tôi không hưởng di sản thừa kế của người mẹ, nhưng Bản án số 228/2017/QĐDS-ST ngày 25-12-2017 của TAND huyện Châu Phú buộc chúng tôi liên đới trả số tiền trên 1,1 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Bình. Chúng tôi rất mong bản án phúc thẩm tới đây xem xét lại toàn bộ vụ việc, giải quyết thấu tình đạt lý”.

Bản án số 228/2017/QĐDS-ST quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện ông Nguyễn Thanh Bình, buộc ông Nguyễn Hữu Nguyên và các đồng thừa kế của bà Lang (Ngân, Phương, Phượng) có trách nhiệm liên đới trả số tiền trên 1,1 tỷ đồng cho ông Bình.

Luật sư Trần Văn Sáu, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang cho biết: Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

Theo Luật Dân sự hiện hành, những cá nhân được hưởng di sản thừa kế sẽ thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản thừa kế trong phạm vi di sản thừa kế. Trong trường hợp này, họ không nhận di sản thừa kế của mẹ nên không có nghĩa vụ trả nợ.

Về việc di sản thừa kế đem ra để thực hiện nghĩa vụ dân sự của người chết, nếu giá trị di sản thừa kế không đủ để thực hiện nghĩa vụ dân sự thì những người hưởng thừa kế không phải chi trả phần còn thiếu này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Bài, ảnh: NGUYỄN RẠNG