An Giang là tỉnh có dân số đông trong khu vực ĐBSCL, với khoảng 1,9 triệu người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng 52,54% dân số toàn tỉnh. Tuy có nguồn lao động dồi dào, song trình độ học vấn, tay nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp so bình quân cả nước. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được quy định tai tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Tiểu dự án hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Thái Thị Bạch Lan thông tin, 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh tổ chức dạy nghề cho 415 học viên thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với kinh phí dự kiến khoảng 508 triệu đồng, đạt tỷ lệ khoảng 14% kế hoạch đề ra. Năm 2024 là năm thứ 3 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, tính đến nay, Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn đối tượng người lao động có thu nhập thấp. Do đó, địa phương chưa chủ động trong việc tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp.
Các địa phương chưa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung ứng lao động cho doanh nghiệp, thị trường lao động; ảnh hưởng đến tỷ lệ lao động qua đào tạo và tiến độ đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của địa phương. Bên cạnh đó, nhiều địa phương gặp khó khăn trong giải ngân kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Một số cán bộ lao động - thương binh và xã hội cho biết, công tác dạy nghề, mở lớp học được tổ chức tích cực, nhưng sau lớp học không gắn với việc làm. Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX. Tịnh Biên, các xã, phường trên địa bàn đã triển khai nhưng nhu cầu của người dân không đăng ký tham gia. Địa phương đang cố gắng học hỏi các huyện khác để tăng cường mở lớp từ nay đến cuối năm.
Tại huyện Chợ Mới, đến nay, huyện tổ chức được 11 lớp, bình quân có 30 người học/lớp. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Thị Huyền Trân chia sẻ: “Chúng tôi xác định khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó. Hướng tới, gắn với thực hiện mô hình giảm nghèo sẽ lồng ghép mở lớp cho các đối tượng. Đối với các xã báo cáo không có đối tượng học nghề, chúng tôi yêu cầu rà soát, xác định rõ đối tượng đang sinh sống tại địa phương. Trong đó, phân loại những ai đang đi làm ngoài tỉnh, ai đã học nghề và nghề đó hiện còn phù hợp hay không… Trên cơ sở đó, chúng tôi trình UBND huyện về giải pháp, tổ chức lớp học phù hợp, sát với thực tế”.
Giải pháp chung của ngành lao động - thương binh và xã hội thời gian tới là đẩy mạnh thực hiện các nội dung của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Theo đó, sẽ cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, phương tiện đào tạo; phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã… Cùng với đó, đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc các đối tượng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; khẩn trương xây dựng đơn giá hỗ trợ đào tạo nghề trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật đào tạo trình độ ngắn hạn của 12 nghề đã được UBND tỉnh ban hành để làm căn cứ đặt hàng đào tạo.
Toàn ngành quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời hỗ trợ cho cán bộ làm công tác đào tạo nghề. Học tập theo cách làm của tỉnh, các huyện dự kiến tổ chức hội thi về công tác đào tạo nghề để nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng tác viên, lan tỏa mục đích, ý nghĩa thiết thực đến đông đảo người dân. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly cho biết, đơn vị đã yêu cầu các địa phương rà soát hết các hộ mở lớp dạy nghề, trong đó, thống kê cụ thể số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong 36 tháng. Trên cơ sở đó, từ nay đến cuối năm, tiếp tục mở lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động, đảm bảo sử dụng đúng, kịp thời, không lãng phí nguồn hỗ trợ của Nhà nước.
MỸ HẠNH