Mấy đứa trẻ ra đời cùng lúc, trong khi phương thức mưu sinh duy nhất của vợ chồng chị Lày Ngọc Phụng (sinh năm 1980) là nghề “ai kêu gì làm nấy”. Gia đình họ nhanh chóng “ghi danh” vào danh sách hộ nghèo địa phương. Đỉnh điểm của sự túng bấn ấy, chồng chị qua đời đột ngột. Thiếu vắng trụ cột gia đình, chị gần như mất phương hướng. Đứa con nào cũng bé xíu xiu, chăm sóc cái ăn đã khiến chị kiệt sức, nói gì đến cái chữ! Phú, Phát, Quý mới học lớp 2 (Trường Tiểu học Chu Văn An), đứng trước nguy cơ bỏ học nửa chừng…
Nhưng rất may, hoàn cảnh gia đình chị được phát hiện kịp thời. Ba đứa trẻ nằm trong dự án “Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Quân đội nâng bước em tới trường” giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025). Mỗi học sinh DTTS trong dự án được nhận 1,1 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền học, tiền ăn, dụng cụ học tập… Tết Dương lịch 2023, các em được cấp phát liên tục 4 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12/2022), gom góp số tiền kha khá chào đón năm mới.
Trao hỗ trợ cho 11 học sinh dân tộc thiểu số Chăm tại huyện An Phú
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc) Bùi Đức Phú bày tỏ: “Vĩnh Tế là xã biên giới, còn nhiều khó khăn. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của CBCS bộ đội biên phòng (BĐBP) đối với 4 học sinh trên địa bàn (ngoài anh em Phú, Phát, Quý, còn có em Danh Thị Đỗ Nguyên, DTTS Khmer). Ở cương vị chính quyền địa phương, chúng tôi phân công đoàn thanh niên, ban giám hiệu nhà trường phối hợp nhịp nhàng cùng đồn biên phòng, giúp các em sử dụng tiền đúng mục đích, học thật tốt”.
“Sau khi xây dựng kế hoạch, cấp ủy, chỉ huy 3 đồn biên phòng trực thuộc (Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, Nhơn Hưng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông) phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhà trường khảo sát, thống kê học sinh theo đối tượng, điều kiện quy định; nắm rõ hoàn cảnh cụ thể của từng em; yêu cầu gia đình cam kết tạo mọi điều kiện để các em được tới trường; các em cam kết phấn đấu học tập, rèn luyện trong quá trình được nhận hỗ trợ. Qua khảo sát, cùng sự thống nhất của cấp trên, BĐBP tỉnh nhận hỗ trợ 22 học sinh DTTS Chăm, Hoa, Khmer có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Châu Đốc, huyện An Phú, Tịnh Biên” - thượng tá Châu Quang Thái, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh thông tin.
Dự án “CBCS Quân đội nâng bước em tới trường” không phải nội dung mới, mà là “phiên bản nâng cấp” của mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em tới trường” do BĐBP khởi xướng. Sau 5 năm, các mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, nên Bộ Quốc phòng quyết định triển khai trong toàn quân. Đại tá Phạm Văn Phong, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh chia sẻ, hàng năm, đơn vị nhận đỡ đầu 64 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 5 địa phương biên giới. Mỗi lãnh đạo đơn vị nhận nuôi 1 - 2 cháu bằng hình thức đóng góp 500.000 - 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các đồn biên phòng còn nhận nuôi trực tiếp tại đơn vị đối với 5 học sinh mồ côi, tạo thành thương hiệu cho mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.
“Đối với dự án do Bộ Quốc phòng triển khai, nếu phát sinh thêm trường hợp cần hỗ trợ, các đồn biên phòng, địa phương, nhà trường cứ đề xuất, không chỉ dừng lại 22 cháu. Mong tất cả cùng dìu dắt, chăm sóc các cháu như con em trong gia đình. Việc nuôi dưỡng này giống như trồng cây, góp phần tạo nguồn cán bộ, nhân lực cho địa phương vài chục năm sau. Dự án mới được triển khai, cũng là khởi đầu cho tương lai tốt đẹp của các cháu lẫn quê hương đất nước” - đại tá Phạm Văn Phong nhấn mạnh.
Nếu thực hiện thành công, dự án sẽ giúp học sinh đồng bào DTTS khu vực biên giới có điều kiện tới trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi. Số tiền, vật chất hỗ trợ tuy không nhiều, nhưng chứa đựng tình cảm của CBCS dành tặng. Giữ vai trò chính, CBCS đồn biên phòng sẽ tiếp tục là điểm tựa nâng bước các em vươn lên, bớt đi gánh nặng gia đình; tăng thêm truyền thống đoàn kết, mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân, càng làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” của chiến sĩ quân hàm xanh tiếp tục tỏa sáng, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Đây cũng là hoạt động chung tay phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình và mọi người dân trong sự nghiệp "trồng người". Dù cuộc sống khó khăn đến đâu đi nữa, trẻ em vẫn có quyền được đến trường, được xây dựng tương lai bằng những bài học nhỏ.
GIA KHÁNH