Lâu nay, người dân ở xã Mỹ Phú Đông quen thuộc với hình ảnh chịu thương, chịu khó của một người phụ nữ lam lũ mang chanh muối đi bán khắp các chợ lân cận, đó là mẹ của anh Một. Mỗi buổi chợ như thế, mẹ anh Một bán được hơn 20kg chanh muối với số tiền khoảng 500.000 - 600.000 đồng. “Lúc ấy, tôi chợt lóe lên suy nghĩ, nếu số lượng chanh muối nhiều hơn, mỗi ngày sẽ thu về gấp đôi, thậm chí gấp 3 số tiền hiện tại. Vậy là tôi bắt đầu theo mẹ học nghề và mày mò, chế tạo ra chiếc máy trộn, chà sát chanh (được cải tiến từ máy bơm nước). Chiếc máy này có công dụng giúp chanh mềm vỏ và không bị the, tiết kiệm được thời gian và công sức. Vì trước đây, mẹ tôi chỉ làm thủ công tất cả các công đoạn nên năng suất không cao. Với chiếc máy này, công suất có thể đạt 1,5 tấn/ngày, sấp sỉ 20 lao động, nhờ vậy tôi không phải mướn thêm nhân công, tiết kiệm được chi phí sản xuất” - anh Một chia sẻ.
Anh Một tâm huyết với nghề sản xuất chanh muối
Nghĩ là vậy, nhưng con đường khởi nghiệp nào lại không lắm gian nan. Mới “chân ướt, chân ráo” ra nghề, anh Một phải nhờ địa phương hỗ trợ về vấn đề đăng ký giấy phép kinh doanh cũng như đảm bảo đầy đủ các giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến… Anh Một lấy tên cơ sở sản xuất là Đạo Nguyên, chanh muối thành phẩm được đóng gói, vô hộp cẩn thận. Về phần thị trường tiêu thụ, đó là nỗ lực rất lớn của chàng thanh niên trẻ tuổi. Để tìm kiếm, mở rộng thị trường, anh Một đích thân mang sản phẩm “chào hàng” ở nhiều tiệm tạp hóa, buôn bán lẻ. Không dừng lại ở địa phương hay các xã lân cận, anh Một còn mang sản phẩm giới thiệu các địa phương như: Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới… thậm chí là ngoài tỉnh như Kiên Giang, anh cũng tự mình tìm đầu ra cho chanh muối. Hầu như mỗi tuần, anh Một cùng chiếc xe gắn máy chở theo vài trăm kg chanh muối thành phẩm rong ruổi trên các nẻo đường từ huyện này sang huyện khác để giới thiệu sản phẩm. Chia sẻ về việc làm này, anh Một bảo tuy có cực nhưng rất vui vì hầu như “chào sân” ở đâu, sản phẩm của anh cũng được đón nhận. Những lô hàng tiếp theo, anh chỉ việc vận chuyển bằng xe tải y hẹn là được.
Chanh được phơi đủ nắng thì vỏ mới trắng, căng mọng
Hiện, bình quân mỗi ngày, anh Một bán ra khoảng 100kg chanh muối, tắc muối. Trung bình 1 tháng, cơ sở của anh làm ra 2-3 tấn chanh muối giao cho bạn hàng. Dẫn chúng tôi tham quan những trái chanh căng tròn đang phơi dưới nắng gắt, anh Một "bật mí", chanh giấy là loại anh chọn để chế biến. Tuy có mắc hơn các loại khác nhưng vỏ mỏng, nước nhiều, trái chanh làm ra bắt mắt hơn. “Tôi lấy mối chanh từ nhiều nhà vườn ở Bến Tre. Chanh được chọn phải là những trái vỏ mỏng, căng bóng, có màu vàng nhạt, không nên chọn những trái chanh non, chín héo, da nhăn vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khi muối. Chanh sau khi rửa sạch sẽ được cho vào máy trộn, chà thật kỹ (không làm dập vỏ), rồi được ngâm qua đêm, kế đến là phơi. Công đoạn này rất quan trọng, phải phơi đủ nắng (khoảng 4 nắng) thì vỏ chanh mới trắng, không cần dùng đến chất tẩy trắng. Chanh phơi xong được rửa lại thật sạch và bắt đầu ủ muối với tỷ lệ 1kg chanh ủ với 200gr muối. Chanh muối tiêu thụ cao điểm nhất là vào tháng 6-7 (âm lịch)” - anh Một cho biết.
Chanh muối khi vô hộp cẩn thận, được bán với giá 25.000 đồng/kg, và 13.000 đồng/500gr. Với giá này, sản phẩm của anh Một được rất nhiều người đón nhận vì giá rẻ mà chanh muối rất ngon. Nhiều khách hàng khi đã dùng qua đều tấm tắc khen. “Chanh có độ mặn vừa phải, vị chua và mùi thơm đặc trưng của chanh luôn phảng phất ở đầu lưỡi. Vỏ chanh không nhẫn, có thể dùng cả vỏ cũng rất ngon. Tôi nhiều lần thử làm chanh muối ở nhà, nhưng so với loại này thì không ngon bằng” - anh Nguyễn Văn Phong (28 tuổi, ngụ xã Định Mỹ, Thoại Sơn) cho hay. Anh Một hy vọng, thời gian tới sẽ được hỗ trợ vốn và giới thiệu thêm đầu ra ổn định để phát triển cơ sở sản xuất ngày càng lớn mạnh.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN