Khởi nghiệp với các món ăn đặc sản

25/02/2022 - 06:38

 - Từ khi còn là sinh viên năm nhất, cô gái trẻ Châu Nguyễn Phi Oanh (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã có ý tưởng kinh doanh những món ăn đặc sản của quê, do chính gia đình làm ra. Nghĩ là làm, Phi Oanh mang bánh canh bột xắt, bò viên, các sản phẩm từ cây thốt nốt, như: Trái tươi, bánh bò thốt nốt… từ quê lên chào bán cho người phố thị.

Đặc sản của vùng Bảy Núi được Phi Oanh bán cho người thành thị

Món quê xuống phố

Học chuyên ngành tiếng Anh, hiện giờ Châu Nguyễn Phi Oanh đang là giáo viên tại một trung tâm Anh ngữ trên địa bàn TP. Long Xuyên và nhận dạy kèm tại nhà. Bên cạnh công việc chính, gần 5 năm nay, Oanh còn buôn bán thêm các món ăn đặc sản của vùng Bảy Núi quê mình.

Phi Oanh cho biết, gia đình có truyền thống buôn bán nên em có “máu” kinh doanh từ nhỏ, ấp ủ nhiều ý tưởng, nhất là mong muốn được quảng bá những món ăn ngon ở quê đến với nhiều người. Bởi vậy, khi vừa tốt nghiệp THPT, đi học đại học ở TP. Long Xuyên, Phi Oanh bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Ban đầu, em tận dụng trang mạng xã hội Facebook cá nhân để giới thiệu các món ăn đặc sản, sau đó mở đặt hàng để hẹn ngày giao hàng cho khách.

“Em thường mở đặt hàng trước vì những món ăn này phải sử dụng trong ngày mới ngon. Với lại, phải biết trước số lượng để mình chuẩn bị tươm tất. Chẳng hạn như món bánh canh bột xắt thì do gia đình làm thủ công, không sử dụng chất bảo quản nên chỉ sử dụng trong ngày. Bởi vậy, thường sáng sớm em sẽ chạy về quê để lấy kịp buổi trưa giao sớm cho khách, hôm nào bận lắm thì gửi xe, nhưng cũng nhận rồi giao liền tận nhà” - Phi Oanh chia sẻ.

Dì của Phi Oanh có mở quán bánh canh bột xắt ở xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn), lượng khách rất ổn định nên em tự tin về chất lượng. Ngoài ra, dì còn làm thêm bánh bò thốt nốt, thốt nốt rim và một số món ăn đặc sản khác, lúc trước bán trực tuyến (online) được mọi người ủng hộ và phản hồi rất ngon.
 

“Những món này đều do dì em tự tay làm, hoàn toàn thủ công, không sử dụng chất bảo quản nên sử dụng là thấy có sự khác biệt. Vì em chuyên bán đồ ăn liền nên khâu vận chuyển, bảo quản rất quan trọng. Bởi vậy, đối với khách ở TP. Long Xuyên có đặt hàng thì em mới dặn dì làm, rồi đích thân về quê lấy để giao cho khách sớm nhất, như vậy khi ăn sẽ ngon nhất, bảo đảm sức khỏe. Mình làm ăn uy tín, chất lượng thì mọi người sẽ ủng hộ” - Phi Oanh giải thích.

Thất bại không nản

Thời gian đó, để nuôi dưỡng ước mơ kinh doanh của mình, Phi Oanh vừa học, vừa bán hàng trực tuyến, em còn nhận làm thêm một số công việc bán thời gian để tự kiếm thêm vốn mở quán ăn riêng mình. Sau bao cố gắng, khi tích lũy được một số vốn nhỏ, Phi Oanh cùng hùn vốn với dì của mình mở một quán ăn nhỏ tại TP. Long Xuyên, chuyên bán các món ăn đặc sản của Tri Tôn, như: Cháo bò, bánh canh bột xắt, đu đủ đâm, bánh bò thốt nốt, trái thốt nốt tươi…

“Khi mới mở quán, mọi người chưa biết đến nhiều nên lượng khách đến quán chỉ tương đối. Lúc đó, mình mới biết, việc bán hàng online và mở quán ăn phục vụ trực tiếp nó khác nhau như thế nào. Khi mở quán, có rất nhiều chi phí phải đầu tư, tính toán, như: Mặt bằng, nhân viên… Với lại, quán chuyên bán những món ăn đặc sản nên lượng khách hàng thường cũng giới hạn. Bởi vậy, được một thời gian, quán em còn bán thêm cơm phần để phụ thêm chi phí” - Phi Oanh chia sẻ.

Quán ăn nhỏ của Phi Oanh hoạt động chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng thời gian dài nên tâm huyết của cô gái trẻ không thể trụ vững nữa, phải tạm ngưng hoạt động. "Khi quán hoạt động chưa hiệu quả có thể do nhiều nguyên nhân, mà thời điểm dịch bệnh là ảnh hưởng lớn nhất. Hiện giờ, em đang kinh doanh online các món đặc sản quê mình, từ từ em gầy dựng lại, tiếp tục tích lũy vốn, khi đủ điều kiện sẽ thực hiện tiếp ước mơ này” - Phi Oanh khẳng định.

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với những bạn trẻ. Tuy không dễ nhưng không có nghĩa là không thực hiện được. Đúng là chặng đường từ bắt đầu khởi sự kinh doanh cho đến thành công chắc chắn sẽ gặp nhiều trắc trở, gian nan. Những khó khăn, thất bại đầu tiên sẽ giúp các bạn thêm vững vàng, tự tin để tiến lên phía trước bằng chính năng lực của bản thân. Những bạn trẻ bắt tay vào khởi nghiệp với những món ăn đặc sản quê như em Châu Nguyễn Phi Oanh thật sự rất đáng quý và nên được ủng hộ.

Ngoài kinh doanh để có thêm thu nhập, Phi Oanh còn mong muốn thông qua đó có thể góp phần quảng bá những món ăn đặc sản của bà con dân tộc thiểu số Khmer, của vùng quê Bảy Núi. Ẩm thực được xem là nét văn hóa đặc trưng của một vùng, miền, dễ để lại ấn tượng đối với du khách thập phương.

ÁNH NGUYÊN