Khởi nghiệp với mô hình kinh doanh ăn uống

14/06/2022 - 07:47

 - Kinh doanh dịch vụ ăn uống đang rất thịnh hành, có sức hấp dẫn rất lớn, được các bạn trẻ ưu tiên lựa chọn để khởi nghiệp. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công ở một mảng dịch vụ luôn được ví von “làm dâu trăm họ” luôn là câu chuyện không dễ dàng, vì ngoài quyết tâm vẫn cần lắm sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường, đáp ứng được khẩu vị của nhiều đối tượng khách hàng…

Kinh doanh quán ăn nhỏ

Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị nhà hàng, Trường Cao đẳng Nghề An Giang, em Nguyễn Thị Thùy Dương lựa chọn khởi sự kinh doanh mô hình ăn uống ngay tại quê nhà thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân). Thùy Dương cho biết, trước khi lựa chọn về quê khởi nghiệp, tự mình làm chủ, em đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, tìm mặt bằng và lựa chọn những món ăn, thức uống phù hợp với thị hiếu khách hàng ở địa phương để đưa vào thực đơn của quán. Đây là những kiến thức kinh doanh được học ở trường, cùng với kinh nghiệm thực tế từ những người đã khởi sự kinh doanh thành công. Lấy tên quán là “Đâu cũng được”, chuyên phục vụ mì cay và một số món ăn vặt, như: Khoai tây chiên, chả cá chiên… và các loại thức uống.

Xác định khách hàng mà quán muốn hướng đến là các bạn trẻ, học sinh trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận, nên việc trang trí cho quán được Thùy Dương đầu tư rất chỉn chu. Lợi thế của Thùy Dương khi là sinh viên đã từng đi làm phục vụ, trực tiếp đứng pha chế cho một số quán cà-phê ở TP. Long Xuyên. Từ đó, Thùy Dương đúc kết cho mình rất nhiều kinh nghiệm pha chế những món nước ngon.

“Ngành học của em cung cấp các kiến thức về pha chế và nấu ăn, cùng với kinh nghiệm đi làm thêm nên đến lúc mở quán em không tốn chi phí thuê đầu bếp hay người pha chế. Do quán còn mới, đang từng bước tiếp cận khách hàng và nguồn vốn tự có của mình không nhiều nên em tiết kiệm tối đa” - Thùy Dương giải thích. Hiện tại, các thành viên trong gia đình cũng đến quán để phụ tiếp nấu ăn theo công thức, còn Thùy Dương trực tiếp đứng quầy pha chế và lo phần phục vụ.

Kinh doanh dịch vụ ăn uống không dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ, nhất là phục vụ cho đối tượng khách hàng trẻ. Không phải chỉ món ăn, thức uống ngon mà khách sẽ tìm đến quán, mà phải cộng hưởng nhiều yếu tố, từ vị trí thuận lợi, quán thiết kế đẹp để có địa điểm “check-in”. Chưa hết, các món ăn, thức uống không chỉ ngon mà phải được trang trí đẹp mắt, phong cách phục vụ tận tình, giá cả phải chăng.

“Những món ăn của quán là những món khá phổ biến, đã có nhiều quán ở địa phương phát triển. Bởi vậy, từ khi bắt đầu kinh doanh, em cũng tự nhận thức được rằng, muốn thành công chắc chắn phải nổi bật về chất lượng, hương vị cũng như vị trí mở quán phải là nơi thuận tiện nhất để khách hàng dễ dàng tìm đến. Trong quá trình kinh doanh, em luôn tiếp thu ý kiến phản hồi của khách hàng về món ăn, nước uống để hoàn thiện nhiều hơn” - Thùy Dương chia sẻ.

 

Bánh mì phục vụ ăn sáng

Số vốn đầu tư ban đầu ít nên em Trần Văn Tuấn (sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học An Giang) cùng với bạn của mình đã lựa chọn kinh doanh phục vụ ăn sáng, với món bánh mì chả cá, bánh mì ốp-la… Dù mới ra mắt chưa đầy 1 tháng, xe bánh mì Cô Tiên của Tuấn (đặt trên đường Ung Văn Khiêm, phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) nhận được rất nhiều phản hồi tốt từ khách hàng. Theo nhận định của Tuấn, bánh mì là một món ăn sáng rất tiện lợi, nhanh, gọn.

Hiện nay, ở TP. Long Xuyên có rất nhiều tiệm bánh mì nổi tiếng, tồn tại hàng chục năm, như: Bánh mì Phượng, bánh mì Thanh Lan, bánh mì Số 1… có lượng khách hàng ổn định, kinh doanh rất hiệu quả. Tuy nhiên, đối với bánh mì chả cá Vũng Tàu có hương vị lạ miệng thì chưa xuất hiện nhiều. Bởi vậy, sau khi khảo sát thị trường, Tuấn đã mạnh dạn đầu tư, cùng mục tiêu hướng đến xây dựng chuỗi xe bánh mì chả cá khắp TP. Long Xuyên.

“Từ đầu, em và bạn của mình đã xác định đối tượng khách hàng hướng đến là các bạn học sinh, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng nên giá cả rất bình dân, từ 10.000-16.000 đồng/ổ bánh mì. Với mức giá này, sau khi trừ tất cả chi phí, xe bánh mì vẫn có lợi nhuận nhưng không nhiều. Việc này cũng bình thường vì mục tiêu ban đầu bọn em đặt ra là phát triển lâu dài, hình thành được chuỗi xe bánh mì nên phần chi phí và lợi nhuận về sau này sẽ được bù qua lại giữa các xe” - Tuấn phân tích.

Trước khi mở bán chính thức, Tuấn còn cho xe bánh mì Cô Tiên chạy thử trước 1 ngày để tạo hiệu ứng tốt và hình ảnh quen thuộc đến khách hàng. Bên cạnh đó, kèm theo chương trình khuyến mãi với nhiều ưu đãi những ngày đầu mở bán, như tặng kèm nước sâm, tặng thêm bánh mì khi mua số lượng nhiều… Ngoài ra, Tuấn còn xây dựng thương hiệu bánh mì Cô Tiên trên các trang mạng xã hội, như: Zalo, facebook… để dễ dàng tiếp cận khách hàng, đặc biệt là kích cầu mua hàng trực tuyến (online) và giao bánh mì tận nơi.

“Bản thân em học ngành Quản trị kinh doanh, nên trước khi bắt đầu kinh doanh, em và bạn của mình đã lên kế hoạch rất cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng, lên phương án cho những trường hợp phát sinh. Tuy nhiên, lúc nào cũng vậy, khi đi vào thực tế kinh doanh cũng sẽ có những tình huống khó khăn cụ thể cần phải giải quyết. Chẳng hạn, như về khẩu vị của khách hàng, có người khen ngon, cũng có người nói mặn, lạt… mỗi người mỗi ý. Khách hàng phản hồi như vậy là điều tốt vì đó là cơ sở để mình cải thiện, nâng cao chất lượng” - Tuấn bày tỏ.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích