Khơi thông dòng chảy tín dụng sẽ tác động tích cực đến chứng khoán

02/04/2023 - 07:52

Việc NHNN phát đi thông điệp khá rõ ràng về chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng sẽ có tác động tích cực tới triển vọng nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong những quý tới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp khá rõ ràng về chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn.

Điều này sẽ có tác động tích cực tới triển vọng nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong những quý tới.

Đây là nhận định của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường khối phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT).

Đón nhận thông tin hỗ trợ

Theo ông Đinh Quang Hinh, thị trường chứng khoán tiếp tục nhận được những thông tin hỗ trợ trong tuần qua. Cụ thể, trong buổi họp báo cập nhật về chính sách tiền tệ chiều ngày 31/3, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 28/3 vừa qua, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022 và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Như vậy tín dụng đã tăng thêm gần 1% kể từ ngày 9/3 vừa qua, cho thấy dòng chảy tín dụng đã bắt đầu được khơi thông trở lại. Đồng thời, đại diện cơ quan quản lý cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm ban hành văn bản chính thức triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.

Ngân hàng Nhà nước cho biết cũng đang xem xét triển khai giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp và sẽ công bố phương án cụ thể trong vòng 1-2 ngày tới. Đặc biệt hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 5,5%, giảm 0,5%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên, giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại Ngân hàng Nhà nước (Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô).

Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp khá rõ ràng về đảo ngược chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn. Điều này theo ông Hinh sẽ có tác động tích cực tới triển vọng nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong những quý tới.

Trở lại câu chuyện thị trường chứng khoán, đối với nhà đầu tư dài hạn, có thể xem xét các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Theo thống kê lịch sử, thị trường chứng khoán thường có diễn biến tích cực trong giai đoạn chính sách tiền tệ được nới lỏng. Tuy nhiên, ông Hinh lưu ý để chính sách tiền tệ có tác động tích cực đến thị trường thì cần thời gian là quý hoặc năm chứ không có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh ngay lập tức trong tuần tới, tháng tới. Bởi chính sách tiền tệ, lãi suất cần có thời gian thẩm thấu và phản ánh vào nền kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với nhà đầu tư, chỉ số VN-Index đang tiếp cận vùng kháng cự 1.060-1.080 điểm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên có sự thận trọng nhất định và dừng lại quan sát diễn biến thị trường tại vùng này chứ không nên có tâm lý sợ bỏ lỡ mất cơ hội. Đồng thời, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng danh mục cổ phiếu ở mức vừa phải, duy trì trạng thái tiền mặt để có thể mua vào trong những nhịp điều chỉnh và hạn chế sử dụng đòn bẩy margin (vay giao dịch ký quỹ), ông Hinh khuyến nghị.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), tăng trưởng GDP trong quý 1 chỉ đạt 3,32% thấp nhất trong giai đoạn 10 năm qua, cho thấy những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt, đặc biệt là khu vực sản xuất với đầu tàu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo đó, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có biện pháp nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, điểm tích cực giai đoạn này là việc các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt cam kết hỗ trợ thanh khoản đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính.

Theo chuyên gia phân tích Phạm Bình Phương tới từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), nhịp hồi phục bền bỉ đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 1.060 (là đỉnh được tạo vào ngày 15/3), thành công thoát khỏi vùng đáy (bottom out) 1.010-1.025 được tạo từ cuối tháng Hai đến nay.

Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm hướng đến vùng kháng cự 1.080-1.100. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức khả quan.

Nhà đầu tư theo dõi một phiên giao dịch chứng khoán. (Ảnh: TTXVN)

Dưới góc nhìn của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường trong nước khép lại quý 1 với chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp, đây cũng là chuỗi tăng liên tiếp dài nhất kể từ đầu tháng 8/2021. Chỉ số VN- Index tăng 17,85 điểm, tương đương tăng 1,71% so với cuối tuần trước, thanh khoản tuần này cũng tăng 18,4% so với tuần trước.   

Thị trường khép lại quý 1 vừa qua với những tín hiệu tích cực từ chỉ số đến dòng tiền. Chỉ số VN-Index đã tăng 2 tuần liên tiếp và chốt lại tháng Ba với mức tăng 3,9%. Thanh khoản thị trường tuần cuối tháng Ba vừa qua cũng đạt mức cao nhất trong 5 tuần với mức bình quân 11.735 tỷ đồng/phiên.

Bước vào tháng Tư này, thị trường sẽ thẩm thấu các thông tin vĩ mô quý 1, bên cạnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang có chuỗi tăng ấn tượng và có cơ hội thử thách vùng cản 1.070-1.073 điểm, MBS nhận định.

Về diễn biến nhóm ngành, tuần qua, chỉ số VN-Index tăng điểm vững chắc nhờ sự đồng thuận của hai ngành trụ là ngân hàng và bất động sản. Tiếp nối đà tăng từ tuần trước, ngành bất động sản tiếp tục đón nhận một tuần giao dịch tích cực với sự dẫn dắt bởi KDH tăng 3,8%, VHM tăng 5,1%, NVL tăng 6,7%, NLG tăng 7,6%.

Hầu hết các cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng tham gia đóng góp vào đà tăng điểm, bao gồm BID tăng 1,4%, CTG tăng 2,5%, VCB tăng 2,7% và HDB tăng 6,7%.

Ngược lại, trên bối cảnh thu nhập cá nhân đang có xu hướng giảm cũng như kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng suy yếu do một số công ty cho vay tiêu dùng bị điều tra, ngành bán lẻ tiếp tục chứng kiến đà sụt giảm với các cổ phiếu đại diện như FRT giảm 6,2%, DGW giảm 13,3% và PNJ giảm 1,6%.

Chứng khoán thế giới đi lên

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới cũng đi lên trong tuần qua.

Cụ thể, thị trường chứng khoán Phố Wall diễn biến tích cực sau khi những lo ngại liên quan đến ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) lắng dịu và lạm phát của Mỹ và châu Âu đều giảm tốc.

Thông tin ngân hàng First Citizens có trụ sở tại Bắc Carolina sẽ tiếp quản phần lớn hoạt động kinh doanh của SVB đã là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần cuối cùng của tháng Ba (27-31/3).

Trong tuần qua, chỉ có 1 phiên duy nhất các chỉ số chính của thị trường giảm nhẹ là ngày 28/3 khi đồng USD giảm giá - phản ánh những lo lắng về một cuộc khủng hoảng ngân hàng đã giảm bớt. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh cảm giác rằng "nền kinh tế Mỹ đang suy yếu" đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất.

Nhìn chung phần lớn tâm lý nhà đầu tư là tích cực với 4 phiên còn lại thị trường đều trong sắc xanh. Các nhà chức trách đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, giúp trấn an các nhà đầu tư sau vụ sụp đổ của ba ngân hàng Mỹ và việc bán khẩn cấp “gã khổng lồ” ngân hàng Credit Suisse.

Trong bối cảnh những lo ngại về ngành ngân hàng được gác lại, số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng nhẹ, đã làm dấy lên hy vọng rằng Fed có thể tăng lãi suất chậm lại nếu thị trường lao động tiếp tục hạ nhiệt.

Báo cáo công bố ngày 31/3 cho thấy lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng Ba vừa qua "giảm tốc" còn 6,9%, thấp hơn mức dự báo, nhờ giá năng lượng giảm. Trước đó, lạm phát của Eurozone tăng 8,5% trong tháng trước đó.

Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát “ưa thích” của Fed, cho thấy lạm phát tháng Hai chỉ tăng 5%, giảm từ con số 5,3% của tháng trước.

Thị trường chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều khởi sắc khi nhà đầu tư kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thêm không gian để giảm tốc độ tăng lãi suất trong bối cảnh lĩnh vực ngân hàng đang lấy lại sự ổn định.

Cụ thể, khép lại phiên 31/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 13% lên 33.274,15 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,4% lên 4.109,31 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến thêm 1,7% và đóng cửa phiên ở mức 12.221,91 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 3,2%, S&P và Nasdaq tăng lần lượt 3,5% và 3,4%.

Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 31/3 theo đà phục hồi của chứng khoán toàn cầu, khi các nhà đầu tư bớt lo ngại về lĩnh vực ngân hàng.

Thị trường cũng trở nên lạc quan trước thông tin các ngân hàng trung ương có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,9% lên 28.041,48 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,5% lên 20.400,11 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,4% lên 3.272,86 điểm.

Thị trường chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore và Đài Bắc cũng tăng điểm, nhưng Manila, Jakarta và Wellington giảm điểm./.

Theo VĂN GIÁP (TTXVN/Vietnam+)