Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn.
Đổi mới giáo dục - bắt đầu từ thầy cô
Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã đi gần hết vòng đầu tiên với nhiều khó khăn, thách thức về thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, một chương trình nhiều bộ SGK. Có ý kiến cho rằng, giáo dục liên quan tới mọi nhà nên ai cũng có thể tranh luận về giáo dục. Trong khi đổi mới, sáng tạo là điều tất yếu với cả thầy và trò. Vậy những thuận lợi, những cái cũ cần thay đổi và những cái mới ngành Giáo dục quyết liệt theo đuổi là gì, thưa Bộ trưởng?
- Một trong những thuận lợi lớn nhất của ngành là đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhân dân. Sự quan tâm này đã và đang hỗ trợ rất lớn đối với ngành, đồng thời tạo ra động lực quan trọng cho sự nghiệp đổi mới giáo dục. Dù còn nhiều khó khăn nhưng lực lượng nhà giáo đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, dũng cảm đương đầu với khó khăn, thách thức để thực hiện đổi mới. Những hiệu ứng tích cực của đổi mới GDPT thể hiện ở sự hào hứng học tập của học sinh và hào hứng giảng dạy của thầy, cô giáo. Đánh giá của Đoàn giám sát Quốc hội thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 cũng đã ghi nhận đổi mới giáo dục phổ thông đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp cho GDPT có nhiều khởi sắc.
Sau một chặng đường đổi mới, đã có những kết quả quan trọng là tiền đề. Những thách thức, bỡ ngỡ, lúng túng dần được điều chỉnh để đi vào nền nếp. Giáo viên đã bắt đầu quen với chương trình GDPT mới, với cách dạy mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo nhiều hơn. Học sinh quen hơn với cách học, xã hội biết và chia sẻ nhiều hơn… đó chính là thuận lợi rất quan trọng.
Các địa phương cũng nhận thấy điều kiện đổi mới còn nhiều thiếu thốn và tích cực để giải quyết. Việc các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh triển khai cũng là những yếu tố góp phần thuận lợi. Hy vọng các chương trình này sẽ đem lại cho các địa phương, cơ sở giáo dục thêm điều kiện để thực hiện chương trình mới này.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn:
Cần lan tỏa sự tích cực, ấm áp của nền giáo dục đang hình thành những giá trị mới
Hiện nay, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu của giáo dục, đào tạo theo tinh thần đổi mới là chú trọng đến việc phát triển năng lực cá nhân, chú trọng đạo đức lối sống, nhân văn cho học trò. Sự đổi mới của người thầy đạt được được đến đâu, đó chính là giới hạn của sự đổi mới. Người thầy không vượt lên được chính mình, không kỳ vọng được sự đổi mới trong dạy và học và các kết quả khác. Người thầy từ mô hình trang bị kiến thức, đánh giá kiểm tra kiến thức đang dần chuyển sang mô hình nhà giáo mới. Đó là những người vẫn cần một kiến thức nền tảng chắc chắn và uyên bác nhưng biết cách tổ chức, dẫn dắt, định hướng cho học trò thích nghi và tự tích lũy kiến thức. Cho nên phương pháp cần đổi mới, tâm thế của nhà giáo cần đổi mới. Phẩm chất và năng lực của học trò muốn có được trước hết là cần sự đổi mới và nâng cao cả phẩm chất và năng lực của người thầy. Nhà giáo cần lan tỏa cả cái mới, cái tích cực, cái ấm áp của một nền giáo dục đang hình thành những giá trị mới.
Từ những sự việc đáng tiếc, chúng ta “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trước hết chúng ta không nên than, không nên thẹn, không nên oán, mà chúng ta có trí tuệ, có tình yêu nghề, có lực lượng, chúng ta phải từng bước, từng bước tự mình làm cho hình ảnh của mình ngày càng cao quý, càng được tôn vinh. Không có tự nhiên mà xã hội lại thay đổi để tôn kính chúng ta hơn, nghề nghiệp của chúng ta không tự tôn cao hơn, nếu chúng ta không tự tôn cao chính mình.
Chúng ta cần phải làm một việc rất lớn là làm cho xã hội hiểu hơn. 1,6 triệu người cần phải lan tỏa, chia sẻ và phải là dòng chính trong sự nhận thức của xã hội về giáo dục. Chúng tôi đã, đang và sẽ không ngừng có những kiến nghị chính sách, bền bỉ thuyết phục để Đảng, Chính phủ, Nhà nước thấu hiểu hơn và trên thực tế cũng đang dần dần có thêm những chính sách để đời sống nhà giáo được tốt hơn.
Nhấn mạnh ba chữ “an”: Học trò đến trường được an toàn, thầy cô làm việc ở trường được an lòng, phụ huynh mang con đến trường được an tâm, mong rằng, mỗi nhà giáo sẽ góp sức để ba chữ “an” đó lan tỏa cho xã hội, cho công việc của nhà giáo ngày càng tốt hơn…
Tuy vậy, đổi mới mang theo những thách thức đối với cái cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ và sức ỳ. Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn. Đổi mới không chỉ liên quan đến học sinh, giáo viên mà còn cần sự ủng hộ của phụ huynh, xã hội. Công cuộc đổi mới có rất nhiều thay đổi và khi một phần không nhỏ trong xã hội chưa hiểu hết những thay đổi đó sẽ dễ dẫn đến kêu ca, phàn nàn, chưa hoàn toàn tin tưởng vào định hướng đổi mới. Đây là thách thức, cần phải tạo sự đồng thuận nhiều hơn từ phía xã hội, Nhân dân, phụ huynh để tất cả cùng đồng hành, chia sẻ với ngành Giáo dục.
Đối với lực lượng nhà giáo, tôi cho rằng mức độ đổi mới của nhà giáo đạt được đến đâu thì đổi mới giáo dục đạt được đến đó. Một trong những khó khăn đó là các cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy mà không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc mới cần làm theo yêu cầu của sự đổi mới. Để khắc phục cần có sự nỗ lực, quyết tâm, chia sẻ rất lớn từ đội ngũ các nhà giáo.
Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi đang làm rất nhiều việc để động viên, hỗ trợ giáo viên, cố gắng bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, để giáo viên có thêm động lực, chỗ dựa cho sự đổi mới.
Chính vì áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống (thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở), một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc, đi xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do... Trong vòng 3 năm học, tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến trên 40.000. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu được giao gần 26.000 biên chế mới. Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn. Chưa kể đến tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi lại không tuyển được giáo viên ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, nghệ thuật. Một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ dù có chỉ tiêu nhưng lại không tuyển được giáo viên mầm non.
Khó khăn đến từ sự chuẩn bị các điều kiện ở phía địa phương cho công cuộc đổi mới. Với yêu cầu của phương pháp mới cần phải bảo đảm số lượng học sinh trên lớp, tỷ lệ học sinh và giáo viên, chuẩn bị phòng học, thư viện, phòng học bộ môn, thực hiện giáo dục trải nghiệm… Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, mức độ quan tâm cũng như khó khăn khác nhau của mỗi địa phương dẫn đến việc đáp ứng điều kiện cho đổi mới còn nhiều hạn chế.
Và thực tế, trước khi đổi mới giáo dục đã có nhiều khó khăn chưa khắc phục xong, giờ lại phải bước vào một hành trình đổi mới với nhiều khó khăn hơn. Ở những vùng sâu, vùng xa, khó khăn, thách thức sẽ còn chồng chất hơn nữa nếu như không có sự hỗ trợ hiệu quả. Trong khi đó, ở các đô thị lớn lại gặp khó khăn về sự dịch chuyển dân cư cơ học, tăng dân số cao, thiếu đất để xây trường. Như vậy, mỗi nơi đều có các khó khăn riêng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với các em học sinh tại lễ khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh TTXVN.
Mục tiêu xuyên suốt cần đạt được của Chương trình GDPT 2018 và những việc cần làm ngay là gì, thưa Bộ trưởng?
- Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời. Có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội. Có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị để kiên định và kiên trì với bản chất và mục tiêu xuyên suốt cần đạt được của Chương trình GDPT 2018.
Hạnh phúc của thầy cô là được xã hội trân trọng
Thời gian qua, ngành Giáo dục có nhiều chuyện đau lòng xuất phát từ cách hành xử của giáo viên đối với học sinh, phụ huynh. Cùng với đó, như Bộ trưởng đã thông tin trước Quốc hội, hai năm trở lại đây có tới 699 vụ bạo lực học đường thống kê được. Cứ 50 cơ sở giáo dục thì có một vụ bạo lực học đường. Bộ trưởng đánh giá ra sao về thực trạng đau lòng trên và đâu là những giải pháp rốt ráo?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có việc phát hiện và xử lý hiện giao cho giáo viên. Một số hiệu trưởng và giáo viên khi phát hiện còn lúng túng trong xử lý.
Đồng thời, theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, hằng năm có 70 - 80% vụ ly hôn có liên quan đến bạo lực gia đình. Vì vậy, học sinh vừa chứng kiến bạo lực, vừa có thể bị bạo lực. Hai việc này có liên quan đến nhau, do đó cần ngăn chặn bạo lực từ gia đình.
Những tác động từ thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội hay từ các bộ phim mang yếu tố bạo lực, đề cập tới bạo lực học đường... cũng ít nhiều là nguyên nhân tác động tới việc gia tăng bạo lực học đường thời gian qua.
Có nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất là cần phải áp dụng loạt giải pháp có tính chất tổng thể đồng bộ với sự vào cuộc của toàn thể xã hội.
Trong đó, cần ưu tiên tăng cường kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với bản thân của học sinh. Đây là vấn đề trang bị kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh, kỹ năng ứng xử với mạng xã hội hay giao tiếp xã hội... Xử lý được vấn đề này là góp phần giảm nguy cơ phát sinh bạo lực từ chính bản thân học sinh.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, Bộ GD&ĐT tăng cường tập huấn về kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với học sinh. Tới đây, Bộ sẽ có thêm một vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường, thay vì sử dụng cán bộ chuyên trách như trước đây. Hiện nguồn nhân lực của ngành được đào tạo trong các trường sư phạm khoảng gần 9.000 nhân lực mỗi năm.
Cùng với đó vị trí giáo vụ đã được xác định trong nhà trường cũng sẽ hỗ trợ thêm cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường. Trong nhà trường việc đưa thêm và tăng cường các hoạt động mang tính tích cực như các hoạt động tập thể, hoạt động đoàn, đội, vui chơi giải trí, đọc sách… cũng sẽ giảm khả năng sa vào những hoạt động tiêu cực.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường. Đặc biệt, khâu quan trọng tạo nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này là triển khai thật tốt Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách, đạo đức con người Việt Nam...
Có câu “thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Người thầy không chỉ “thay đổi thế giới” bằng kiến thức mà bằng cả trái tim, tâm hồn, sự độ lượng, bao dung. Có những người thầy sẽ đi theo trò suốt cuộc đời bởi những kỷ niệm đẹp, sự tận hiến, sự truyền cảm hứng… Vậy chúng ta phải làm sao để có trường học hạnh phúc, nơi đó thầy trò đều hạnh phúc để chạm tới những khát vọng?
- Không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho thế hệ tương lai. Người thầy không chỉ hướng người học tập trung vào kiến thức, mà đồng thời phải dạy cho học trò có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Tất cả phụ huynh vì sự kỳ vọng vào tương lai nên đều mong muốn con em mình được học trong trường học tốt, môi trường tốt và đặc biệt là có đội ngũ những nhà giáo tiêu biểu về phẩm chất, trách nhiệm và năng lực. Khái niệm “ngôi trường hạnh phúc” cũng xuất phát từ đó mà xuất hiện.
Một “ngôi trường hạnh phúc” thì không chỉ học sinh cảm nhận hạnh phúc mà chính đội ngũ thầy, cô giáo - những người trực tiếp thực hiện sứ mạng lớn lao là giáo dục cũng phải cảm nhận được điều đó. Không cảm nhận được hạnh phúc thì sẽ không có niềm đam mê để cống hiến, để vượt qua những chuyện thực tiễn khác. Niềm hạnh phúc của đội ngũ thầy, cô giáo chính là khi được xã hội trân trọng.
Chúng ta đã có “ngôi trường hạnh phúc” nào chưa? Có nhưng còn ít. Vậy thì cần phải nỗ lực hơn nữa để xây dựng. Trong bức thư đăng trên Báo Nhân dân số 600 (ngày 24/10/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”.
Kế thừa các văn kiện quan trọng của Đảng trong các giai đoạn trước đây, Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011) của Đảng và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về giáo dục và đào tạo đều nhất quán quan điểm, định hướng về phát triển giáo dục: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội”. Những quan điểm và định hướng này đã thể hiện Đảng ta luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xem đây là vấn đề mang tính chiến lược xuyên suốt, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và luôn đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong sự đổi mới toàn diện ấy, việc xây dựng những “trường học hạnh phúc” sẽ là mục tiêu căn bản để phấn đấu. Và điều này thì không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục, của Chính phủ mà là sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, trách nhiệm của mỗi cá nhân là rất quan trọng.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang tới gần, Bộ trưởng có gửi gắm gì tới các thầy, cô giáo?
Học sinh cần nhiều hơn những bài học làm người. (Ảnh minh họa: P.V)
- Mỗi thầy cô cần có ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo. Mỗi nhà giáo cần nhận thức rõ, chính các nhà giáo là những người sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình. Thầy cô phải làm cho mọi người thấy rằng, đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của nghề cao quý.
Người thầy cần phải là người dẫn đường, tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại, đó là nhiệm vụ thiêng liêng của nhà giáo.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng mong rằng, mỗi chúng ta sẽ kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và tiếp tục kiên trì vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam
Vừa qua, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Trình bày dự thảo báo cáo tóm tắt kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: Nghị quyết 29 đặt ra 2 mục tiêu tổng quát, 3 mục tiêu cụ thể và 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã đạt được những thành tựu đáng kể, các mục tiêu hầu hết đã đạt được. Hệ thống các cơ sở giáo dục phổ thông đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân, công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục và từng bước đạt chuẩn mức độ cao hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, trung thực để rút ra bài học kinh nghiệm tiếp tục triển khai trong bối cảnh và giai đoạn tiếp theo.
Ở góc độ phát triển đội ngũ giáo viên, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho hay: Nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thời gian qua, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành triển khai thực hiện các đề án đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ; ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; ban hành các quy định, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, nhân viên ngành Giáo dục; đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Hiện nay, trên toàn quốc có 135 cơ sở có đào tạo giáo viên. Các cơ sở giáo dục đã quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học, nghiên cứu khoa học giáo dục, coi trọng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm.
Để bảo đảm chất lượng đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT đã ban hành các quyết định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào; xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên theo nhu cầu đào tạo của các địa phương và năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo…
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, ngành Giáo dục cũng đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng, tăng tỉ lệ phòng học kiên cố, phòng học bộ môn, thư viện, công trình vệ sinh, nước sạch… tại các cơ sở giáo dục. Phòng thí nghiệm, thực hành được trang bị thiết bị cơ bản bảo đảm được việc tổ chức, thực hiện việc dạy, học theo chương trình mới.
Tuy nhiên, trong thực tế, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục về đội ngũ, cơ sở vật chất, các chính sách, quy định hiện nay còn thiếu tính đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chậm trễ so với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo đó, đại diện các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, góp ý, nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến các nội dung trong dự thảo báo cáo như tổ chức thi tốt nghiệp THPT; đào tạo và tuyển dụng giáo viên; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cơ sở vật chất; tài chính, nguồn lực xã hội; chế độ, chính sách nhà giáo; phương pháp kiểm tra, đánh giá; chính sách học phí; xã hội hóa…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Chúng ta nhận thức được giáo dục đào tạo là phát triển con người và là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển đất nước, bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế về việc cụ thể hóa các chính sách, nội dung và tổ chức thực hiện. Do vậy, báo cáo không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà cần rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp cụ thể, rõ ràng để định hướng được những việc cần thực hiện sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW - đó là nỗ lực cũng là trách nhiệm của ngành Giáo dục.
Theo Báo Pháp Luật