Không chủ quan với bệnh tay – chân - miệng

10/10/2018 - 07:37

 - An Giang không phải là địa phương có số cas mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM) cao nhất cả nước, thế nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong khu vực, người dân cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Do bệnh TCM có tính chất lây truyền, thời điểm bùng phát lại vào mùa học sinh tới trường, bệnh lại chưa có Vaccine phòng ngừa nên không được chủ quan.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 785 cas mắc bệnh TCM, không có tử vong. Huyện Chợ Mới đứng đầu với 196 cas mắc, kế đến là TP. Long Xuyên 131 cas, Phú Tân 79 cas. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc giảm 62% (785/2.088 cas). Đã phát hiện và xử lý hơn 70 ổ dịch tại 54/156 xã, phường, thị trấn. An Giang từng là địa phương có số cas mắc TCM và tỷ lệ tử vong cao. Năm nay, tình hình dịch TCM ở An Giang không “nóng” như các tỉnh khác trong khu vực. Dù đang trong cao điểm dịch nhưng tỉnh đã khống chế tốt tỷ lệ mắc trong dân. Đó là thành công của ngành y tế, ngành chức năng và ý thức phòng bệnh của dân. Các nhà trẻ, người dân đưa trẻ đi khám sớm khi phát hiện triệu chứng. Thầy thuốc, nhất là tuyến cơ sở nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, hãy đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.

Đường lây nhiễm dịch bệnh TCM chủ yếu trong cộng đồng, vì vậy ngành y tế, chính quyền địa phương đã tăng cường trách nhiệm phòng, chống. Bên cạnh đó, công tác truyền thông không chỉ dừng lại ở trường học và bệnh viện mà còn tới cộng đồng. Ngành Y tế nâng cao chất lượng điều trị, đầu tư cơ sở vật chất và thay đổi hành vi. Quan trọng nhất truyền thông cho trẻ em và gia đình trẻ em dưới 3 tuổi nhằm nâng cao nhận thức của cha mẹ, chủ động tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Khoa Hồi sức cấp cứu và Nội nhi Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, nơi đang điều trị cho hơn 30 bệnh nhân nhi mắc TCM. ThS.BS Trang Thanh Minh Châu (Khoa Nội nhi) cho biết: "Từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh TCM vào viện tăng khoảng 30%, chủ yếu là những cas bệnh nhẹ, tỷ lệ cas bệnh nặng thấp. Tuy nhiên, mưa bão, thời tiết thay đổi bất thường, độ ẩm không khí cao làm cho virus gây bệnh TCM gia tăng nhanh chóng, dễ lây lan qua đường tiêu hóa. Trẻ em dưới 5 tuổi dễ nhiễm bệnh, nhất là các em trong độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo. Để trẻ không có nguy cơ mắc bệnh TCM, cần thực hiện 5 biện pháp: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, dụng cụ tiếp xúc; cách ly với người mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu: sốt, co giật, có nhiều đốm đỏ, mụn nước trên lòng bàn tay, chân, vòm miệng nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện".

Trẻ mắc tay – chân - miệng đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang

Chị Cao Thị Diên (ngụ xã Vĩnh Lợi, Châu Thành) đang chăm sóc con gái tại khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Sản - Nhi An Giang) cho biết: "Bé 30 tháng tuổi, đang gởi ở nhà trẻ, cô giáo điện thoại báo phát hiện lòng bàn tay bé nổi đốm đỏ, nghi ngờ TCM nên kêu người nhà đưa cháu đi khám. Tới Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành, bác sĩ cho biết bé bị TCM độ nặng nên chuyển xuống Bệnh viện Sản - Nhi An Giang điều trị. Nằm viện 3 ngày, sức khỏe bé đã ổn". Nằm giường kế bên, chị Trần Thị Giàu (ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ) ẵm bé trai 17 tháng tuổi chia sẻ: "Cách đây mấy ngày thấy bé nóng sốt, cứ nghĩ cảm ho nên để ở nhà. Vợ chồng bận đi làm thợ hồ nên cũng chủ quan, tới khi thấy bé bị giựt chới với, không ngủ được, quấy khóc mới tức tốc chở bé đến bệnh viện huyện Vĩnh Thạnh, rồi được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Sản - Nhi". Nhiều phụ huynh chia sẻ: Thấy con không chịu bú, cứ quấy khóc, thấy có đốm tròn trong miệng nên đưa bé đến bệnh viện liền và được các bác sĩ điều trị tốt. BS Châu khuyến cáo: phụ huynh không nên tự mua thuốc điều trị tại nhà khi thấy con bệnh, sẽ rất khó khăn cho quá trình điều trị, vì bệnh TCM chưa có thuốc tiêm ngừa hoặc điều trị.

BS Huỳnh Mộng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đề nghị, cần tích cực phát hiện các cas bệnh và đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời, thực hiện việc cách ly trẻ để tránh tình trạng lây chéo. Các địa phương, đơn vị, nhà trẻ, người dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng dịch. Để không bùng phát dịch lan rộng, ngành y tế  yêu cầu các cơ sở y tế tham mưu UBND để có sự phối hợp chặt chẽ và triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng chống, đặc biệt tại nơi có nguy cơ bùng phát dịch, có số cas mắc cao... Tăng cường truyền thông về giáo dục sức khoẻ, thực hiện chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn thực phẩm, vệ sinh ăn uống, tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch TCM. Ngành y tế phối hợp ngành giáo dục và đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng về phòng chống TCM; giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ổ dịch, hạn chế thấp nhất các trường hợp bệnh nhân nặng gây tử vong, tránh lây nhiễm chéo ở các bệnh viện, cơ sở điều trị.

Theo Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước tiếp nhận 53.529 trường hợp mắc tay - chân - miệng tại 63 tỉnh thành phố, trong đó 25.845 cas nhập viện và đã có 5 người tử vong tại 5 tỉnh thành ở khu vực phía Nam.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU