Trường hợp đầu tiên là nữ sinh N.T.L (19 tuổi) sinh viên đại học năm thứ nhất tại Hà Nội. Bệnh nhân có học lực khá, tính cách hiền lành nhưng khi bố ốm nặng, nữ sinh rơi vào trạng thái lo âu, mất ngủ, chán nản, giảm ăn, sút cân và dần mất hứng thú với học tập và sinh hoạt thường ngày. Cảm thấy bi quan, L xuất hiện ý nghĩ tiêu cực, lên kế hoạch và chuẩn bị công cụ tự tử. May mắn được bạn cùng phòng phát hiện kịp thời, bệnh nhân được gia đình đưa đi điều trị.
Trường hợp thứ hai cũng là nữ, học lớp 9 (15 tuổi) sống cùng bố và ông bà sau khi bố mẹ ly hôn. Gần đây, bệnh nhân bị bạn bè cô lập, chán nản, thu mình, học lực giảm sút. Nữ sinh đã nhờ tới sự giúp đỡ của bố nhưng bố lại coi đó là chuyện của trẻ con nên không có sự can thiệp. Nữ sinh có biểu hiện trầm cảm, có hành vi tự hủy hoại bản thân. Bệnh nhân đã dùng thuốc chuột để tự tử nhưng được phát hiện và đưa tới cấp cứu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), sau đó bệnh nhân được chuyển sang Viện Sức khỏe tâm thần điều trị.
|
Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám cho bệnh nhân. |
Theo bác sĩ Bùi Văn Lợi, Phó trưởng phòng Rối loạn cảm xúc và rối loạn ăn uống, Viện Sức khỏe Tâm thần, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, vị thành niên- giai đoạn từ 10 đến 19 tuổi là thời kỳ chuyển giao quan trọng giữa tuổi thơ và trưởng thành, nơi con người phát triển mạnh mẽ cả về thể chất, tâm lý và cảm xúc. Nhưng cũng chính ở giai đoạn này, các bạn trẻ rất dễ bị mắc trầm cảm.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, có khoảng hơn 20% trẻ em Việt Nam mắc các triệu chứng rối loạn tâm thần. Nhưng có một thực tế đáng buồn, rất ít trẻ được phát hiện bệnh sớm, nhiều phụ huynh còn bị nhầm lẫn đó là sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi này. Do đó, đa số các em đến viện điều trị ở giai đoạn nặng, thậm chí là tự tử bất thành. Thường do nhiều yếu tố/nguyên nhân phối hợp dẫn đến trầm cảm ở trẻ vị thành niên.
Nguy cơ trẻ bị trầm cảm tăng lên nếu trong gia đình có người bị trầm cảm. Một số trẻ bị trầm cảm do bị trải qua những điều căng thẳng trong cuộc sống như áp lực, sự kỳ vọng của gia đình với trẻ về học tập, mâu thuẫn bạn bè lâu ngày không được giải quyết, bất đồng quan điểm hoặc thiếu sự quan tâm thích đáng với trẻ... Một số khác bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bị mất đi người thân, gia đình tan vỡ. Một số trải qua tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như chấn thương, bệnh tật... Những điều này dẫn đến trẻ bị căng thẳng, buồn bã hoặc đau buồn kéo dài dẫn đến bị trầm cảm.
Các bác sĩ cho rằng trẻ cần được quan tâm, chia sẻ từ phía gia đình, bạn bè, nhà trường và cộng đồng, tạo dựng môi trường sống lành mạnh, hỗ trợ tâm lý và giáo dục kỹ năng ứng phó với căng thẳng cho trẻ. Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là chìa khóa giúp trẻ vị thành niên vượt qua trầm cảm.