Được sự hướng dẫn của người dân, chúng tôi đến cánh đồng thuộc 3 ấp Tân Thành, Tân Định, Tân An (xã Tân Lập, Tịnh Biên) đang còn trơ gốc rạ khi nông dân (ND) vừa kết thúc vụ thu hoạch trước đó ít ngày. Đây là diện tích 1.460ha nằm trong kế hoạch sẽ xả lũ của UBND huyện Tịnh Biên để cải tạo hệ sinh hóa của đất, điều chỉnh thời vụ, giảm dịch bệnh cho lúa trong vụ SX tiếp theo. Tuy nhiên, khi UBND huyện thông báo kế hoạch xả lũ có kiểm soát ở diện tích này, một bộ phận ND có vườn cây ăn trái theo kiểu tự phát lập tức “bốc hỏa”, vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên Trần Hiếu Thuận thông tin: “Thông tin trên một số báo không chính xác nên khiến người dân hoang mang. Thực tế, không có chuyện “hỏa tốc” trong việc xả lũ mà kế hoạch xả lũ đã được đề ra từ lâu, ngành chuyên môn nhận thấy diễn biến mực nước năm nay phức tạp. Mặt khác, kế hoạch xả lũ đã được địa phương thông báo rộng rãi và chúng tôi tiến hành họp dân 9 lần để lấy ý kiến. Trên cơ sở đó, huyện mới họp cùng ngành chuyên môn để quyết định có thực hiện xả lũ hay không”.
Cũng theo ông Thuận, 3 tiểu vùng dự kiến xả lũ đợt này thuộc diện “3 năm 8 vụ” (3 năm xả lũ 1 lần) và khi đó được người dân rất đồng thuận, nhưng vì bảo vệ lợi nhuận lúa thu đông của bà con nên đã 8 năm nay nước chưa vô đồng lần nào. Cũng do SX vụ 3 liên tục nên lịch xuống giống ở khu vực này trễ hơn nhiều so với nơi khác, vì vậy, ngoài cải tạo đất địa phương muốn ND có điều kiện canh tác đúng thời vụ. Việc xả lũ chỉ đến cao trình từ 0,5-1m, sau đó sẽ rút nước ra đảm bảo lịch xuống giống của ND. Tuy nhiên, địa phương vấp phải diện tích vườn cây ăn trái tự phát trong khu vực này, do đó UBND huyện Tịnh Biên yêu cầu xã Tân Lập họp dân để tìm phương án giải quyết hợp lý nhất.
Cánh đồng thuộc 3 tiểu vùng sản xuất ở Tân Lập vẫn “khô rang”
Khi được hỏi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho hay: “Theo ý kiến của ngành chuyên môn, chúng tôi nhận thấy việc xả lũ sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người dân. Hơn nữa, các tuyến đê bao bảo vệ 3 tiểu vùng nói trên đã “già” theo thời gian và thân đê có hơn 80 cống, bọng bị xuống cấp nên không an toàn trong mùa lũ năm nay, nếu có sự cố thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, chúng tôi đã nhiều lần họp dân để lấy ý kiến, trên cơ sở đó mới quyết định có xả lũ hay không, chứ đâu thể vội vàng thực hiện”.
Là ND có đất SX trong tiểu vùng dự kiến xả lũ, ông Trần Văn Xuân (ngụ ấp Tân An) thẳng thắn: “Những người phản đối xả lũ thường có diện tích đất ít và tập trung ở khu vực Tân Định, trong khi ND ở 2 ấp Tân Thành, Tân An rất ủng hộ, bởi khu vực này là đất phèn cần phải được cải tạo. Bản thân tôi đang canh tác 20ha trong khu vực này nhưng tôi vẫn ủng hộ xả lũ, bởi 2 tuyến đê Đường Thét và Mặc Cần Dưng không an toàn trước sức nước năm nay”. Ông Xuân chỉ ra rằng, nếu SX vụ thu đông ND có thể lãi 2 triệu đồng/công, tính luôn mức lãi vụ đông xuân sắp tới chỉ tầm 4 triệu đồng/công, nhưng phải “thấp thỏm” với lũ và tốn chi phí rút nước rất cao. Nếu cho xả lũ, vụ đông xuân tới sẽ trúng mùa nên mức lãi chẳng kém bao nhiêu mà có thể yên tâm hưởng lợi những vụ mùa tiếp theo.
Là Tổ trưởng Tổ hợp tác bơm tưới phục vụ 1 trong 3 tiểu vùng SX nói trên, ông Xuân không dám khẳng định sẽ đảm bảo khả năng chống úng cho người dân, bởi diễn biến mưa, lũ năm nay rất khó lường. “Tổ hợp tác của tôi bị thất thu phí đường nước, phí bán lúa giống, phí cấy lúa của vụ SX này hơn 600 triệu đồng nhưng vẫn ủng hộ xả lũ, bởi mình có thể “ăn chắc” các vụ sau. Thời điểm này, nhiều ND cũng bỏ ruộng bởi nhìn mực nước ngoài đê chẳng ai dám mạo hiểm”- ông Xuân thật tình. Ngoài 1.460ha thuộc 3 tiểu vùng ở Tân Lập, còn có 1.050ha ở xã An Hảo (Tịnh Biên) nằm trong kế hoạch xả lũ. Hiện tại, UBND xã An Hảo đã họp dân lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận cao bởi ND hiểu rằng, xả lũ là cách tốt nhất để cải thiện đất sau hàng chục năm “gồng mình” với phân bón, thuốc hóa học.
“Chúng tôi khẳng định, không có chuyện xả lũ “hỏa tốc”, tất cả đều dựa trên các cuộc họp dân rồi tổng hợp ý kiến. Hơn nữa, việc xả lũ xuất phát từ lợi ích của người dân. Sau khi lấy ý kiến người dân, huyện mới họp bàn cùng ngành chuyên môn để xin chỉ đạo cấp trên có xả lũ hay không. Do đó, người dân không nên hoang mang trước những thông tin không chính thống. Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố thuận lợi, khó khăn của việc xả lũ rồi sẽ có thông báo chính thức đến bà con” - ông Nguyễn Thanh Hùng cho hay.
THANH TIẾN