Không để “văn hóa bị lâm nguy”

28/06/2020 - 19:02

 - Ngày 9-6-2020, Bộ Chính trị kết luận: tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, sau 5 năm thực hiện. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập đến một khía cạnh liên quan đến văn học - nghệ thuật (VHNT).

Theo kết luận của Bộ Chính trị, trong những kết quả đạt được, phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người Việt Nam, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Vai trò của VHNT trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người được coi trọng phát huy hơn. Tuy nhiên, còn ít tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình VHNT chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác; chưa phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp, sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ của các chủ thể văn hóa, khích lệ, động viên tính tích cực xã hội của nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trong tổ chức thực hiện nghị quyết.

Bộ Chính trị cũng khẳng định, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, phải chú trọng tính đặc thù của văn hóa, vừa bảo đảm để văn hóa, VHNT phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Tạo điều kiện, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội VHNT, nâng cao tính chuyên nghiệp; đồng thời phát triển sâu rộng VHNT quần chúng; đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận VHNT Việt Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh "truyền lửa" cho đội ngũ văn nghệ sĩ và người yêu thích văn chương tỉnh An Giang

Chúng tôi được “thẩm thấu” những nội dung ấy một cách sinh động hơn, khi Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Vai trò, vị trí và tình hình VHNT hiện nay”. Bằng lối nói chuyện rất thu hút, nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã lồng ghép khéo léo việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW với tình hình VHNT của nước nhà, với việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Theo ông, nhiều năm nay, VHNT đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, không gì có thể thay thế được. Những tác phẩm hay đã góp phần giáo dục nhân cách, giúp con người hướng thiện, truyền khát vọng sống, lý tưởng đẹp ở đời.

“Cái thiện luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, khi chúng ta nhìn sâu vào họ. Họ có số phận riêng, tính cách riêng, cuộc sống riêng, và thế nào cũng sẽ có một ngọn lửa nhân ái le lói. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ là thổi bùng ngọn lửa ấy lên, sưởi ấm cả xã hội, làm con người ấm áp hơn, gắn bó với nhau. Bên cạnh đó, VHNT phải thiết lập tòa án lương tâm ngay trong trái tim con người, giúp họ xem xét hành vi ứng xử, thái độ, đạo đức của bản thân; biết tự vấn, phân ưu, trắc ẩn… để tự điều chỉnh, tự đào tạo, rèn luyện chính mình” - nhà thơ Hữu Thỉnh tổng kết lại, sau khi dẫn chứng nhiều tác phẩm hay đã xuất hiện trong thời gian qua.

Câu chuyện của ông còn xoay quanh những trăn trở khôn nguôi của giới văn nghệ sĩ hôm nay, về việc thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW trong tình hình mới. Đó là văn hóa đọc đang bị hạn chế dần, những tác phẩm hay của văn nghệ sĩ chỉ được xuất bản với số lượng ít ỏi, cầm chừng. Trong khi đó, Việt Nam lại là đất nước “nhập siêu văn hóa”, văn hóa ngoại nhập tràn ngập thị trường. Sự lấn át của văn hóa ngoại nhập trong lĩnh vực sách văn học với không ít biến tướng đã trở thành nỗi lo của không chỉ các nhà quản lý, giới chuyên môn, mà còn là nỗi băn khoăn của công chúng. Trên không gian mạng, “thế giới phẳng” được mở ra đến vô cùng tận, trở thành bài toán khó cho nhà quản lý.

Như Maksim Gorky đã từng nói: “Tổ quốc sẽ ít bị đe dọa hơn, nếu có nhiều văn hóa hơn”, “Lời kêu gọi “Tổ quốc bị lâm nguy” không đáng sợ hơn “Văn hóa bị lâm nguy”. Vậy thì, giải pháp quan trọng nhất là văn nghệ sĩ phải đẩy mạnh sáng tác nhiều tác phẩm VHNT xứng tầm, hướng con người đến chân, thiện, mỹ; phát huy tối đa vị trí, vai trò của VHNT trong đời sống xã hội. Cùng với đó là các giải pháp thuộc về lĩnh vực quản lý nhà nước, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với VHNT, với việc xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam.

Họa sĩ Bùi Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh bày tỏ: “Chúng tôi đã mời đông đảo hội viên VHNT; giáo viên dạy môn Văn ở các trường THCS, THPT trong tỉnh; sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học An Giang đến để lắng nghe chia sẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh. Đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới có một buổi giao lưu đầy ý nghĩa như thế. Những nội dung được chia sẻ, kỳ vọng sẽ khơi dậy và phát huy cảm hứng sáng tạo, giảng dạy trong đội ngũ người làm nghề của tỉnh. Qua đó, giúp các hội viên, giáo viên, sinh viên nắm bắt, nhận thức đúng vai trò của VHNT trong tình hình mới, làm tiền đề để định hướng trong sáng tác, giảng dạy; đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc trong VHNT. Đặc biệt, lực lượng này sẽ cùng chung tay góp sức cùng Đảng, nhân dân xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW”.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH