Không 'lỡ nhịp' xu thế phục hồi và phát triển của thế giới

07/12/2021 - 07:48

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" đã khẳng định Quốc hội tiếp tục chủ động, tích cực đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận, ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam sớm vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển trong trạng thái "bình thường mới", không "lỡ nhịp" xu thế phục hồi, phát triển của thế giới. Đây là nhận định chung của nhân dân thành phố Cảng qua theo dõi Diễn đàn này.

Không "lỡ nhịp" xu thế phục hồi và phát triển của thế giới

Luật sư, Chuyên gia kinh tế Phạm Hồng Điệp chia sẻ, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Quốc hội chủ trì đề xuất gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội qua đại dịch COVID-19 thể hiện Nhà nước đang rất đúng hướng, kịp thời để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì sự phát triển đất nước với GDP tăng trưởng cao, từng bước đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra...

Để đi vào hiện thực các gói hỗ trợ và Nhà nước có giải pháp hợp lý chuyển hóa chính sách thành động lực phát triển, ông Phạm Hồng Điệp đưa ra một số đề xuất từ thực tiễn. Theo đó, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cần rà soát lại các luật có tác động đến gói hỗ trợ này để tích hợp thành một chính sách thống nhất, từ đó Chính phủ có công cụ điều hành một cách chuẩn mực và đơn giản hóa được thủ tục hành chính (tránh khi áp dụng bộ máy hành chính thực hiện sẽ dẫn đến sai phạm do chính sự vênh của các luật có liên quan), từ đó sẽ khó hoặc không thực hiện được chính sách, triệt tiêu động lực phát triển, việc này chính Quốc hội phải tháo gỡ chính sách trao quyền cho Chính phủ thực hiện.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại nguồn nhân lực hành chính thực thi chính sách, tuyển chọn các cán bộ có trình độ, năng lực, áp dụng triệt để nghị quyết của Đảng về đạo đức công vụ cũng như những điều đảng viên không được làm để áp dụng chính sách một cách nhuần nhuyễn kết hợp với công nghệ 4.0 trong thực thi công vụ, triển khai quyết liệt trong toàn xã hội, đảm bảo cải cách tiền lương xứng đáng với năng lực cán bộ hành chính thực thi công vụ nhà nước.

Đối với xã hội cần tuyên truyền, phát động một phong trào thi đua sản xuất khích lệ doanh nghiệp, doanh nhân, nhân dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, hăng say sáng tạo, cống hiến cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và đạo đức kinh doanh để nâng tầm thương hiệu Việt, vị thế sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế. Các gói hỗ trợ của Nhà nước phải vào được đời sống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, luân chuyển nguồn vốn trong xã hội một cách lành mạnh.

Theo ông Phạm Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, nhìn tổng quát về năm 2021, trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn thách thức, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp đã cơ bản ổn định nền kinh tế vĩ mô. Điều đó khẳng định Quốc hội, Chính phủ đã có những kế sách đúng đắn, phù hợp, hợp lòng dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch bệnh. Nhiều chủ trương, chính sách đúng, trúng cho từng vùng miền, khu vực, địa phương đã tạo ra nhiều động lực mới cho sự phát triển của đất nước, trong đó Hải Phòng là một minh chứng sinh động.

Để tạo đà bứt tốc kinh tế - xã hội thời gian tới, ông Phạm Hồng Minh đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn; chú trọng phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người có công, người nghèo, người yếu thế.

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quan tâm hỗ trợ, phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng, tài chính, sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng bền vững; tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là một số công trình trọng điểm quốc gia; đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nguồn nhân lực kích hoạt nền kinh tế

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, báo cáo đề dẫn tại Hội thảo phát triển nhân lực khoa học và công nghệ biển, ngày 26-11-2021. Ảnh: Minh Thu/TTXVN

Quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực logistics, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn đầu ra sẽ kích hoạt nền kinh tế nhanh, bền vững sau đại dịch COVID-19.

Báo cáo của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nêu, trên quy mô toàn cầu, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất với tỷ lệ thương mại trên GDP là 190% trong năm 2018. Thông qua việc loại bỏ cả hàng rào thuế quan và phi thuế quan và thực hiện cam kết trong một số Hiệp định thương mại khu vực, quốc gia này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong tự do hóa thương mại.

Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, nước ta có hệ thống cảng biển rộng lớn, bao gồm 45 cảng và gần 200 bến cảng. Sản lượng hàng hóa qua đường biển tiếp tục tăng, bao gồm cả hàng vận tải nội địa và vận tải đường biển tuyến ngắn. Mạng lưới giao thông Việt Nam đã được mở rộng đáng kể trong những thập kỷ qua trong đó đáng chú ý nhất là việc mở rộng mạng lưới đường bộ. Chúng ta có một mạng lưới đường thủy tự nhiên rộng lớn, bao gồm gần 16.000 km đường thủy và có lưu lượng giao thông khá lớn quanh khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2018, Chỉ số năng lực logistics quốc gia (LPI) của Việt Nam tăng 25 bậc từ vị trí thứ 64 lên xếp hạng 39 toàn cầu, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á chỉ sau Singapore và Thái Lan.


Mặc dù đạt được một số thành công đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, nguồn nhân lực logistics còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng. Theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI), đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200,000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ. Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghiệp Việt Nam (VIRAC), có từ 60 đến 80% các doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng năng lực của đội ngũ nhân lực logistics bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý chỉ ở mức trung bình thấp...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, đối với hoạt động đào tạo tại các trường Đại học và Cao đẳng, năm học 2020 - 2021, toàn quốc có khoảng 30 trường Đại học và 21 trường Cao đẳng có đào tạo các chuyên ngành về logistics và quản trị chuỗi cung ứng. Ngoài ra, dự án Aus4skill được tài trợ bởi Chính phủ Australia từ năm 2017 vẫn đang là dự án lớn nhất hỗ trợ cho các trường Cao đẳng và Trung cấp tại Việt Nam với số lượng khoảng 40.000 người lao động được huấn luyện và nâng cao tay nghề logistics. Tại Hải Phòng, chỉ có duy nhất Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành logistics với năng lực khoảng 300 sinh viên một năm và khoảng 1.000 sinh viên các chuyên ngành gần như Kinh tế vận tải biển, Kinh tế vận tải thủy, Kinh tế Ngoại thương... Ngoài các trường Đại học, Cao đẳng, người học cũng có thể được đào tạo qua các chương trình ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ. Trung tâm Đào tạo Logistics Tiểu vùng sông Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam là một cơ sở như thế của nhà trường, với khả năng cung cấp những khoá học mang tính thực tiễn cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng nhân lực, thậm chí thiết kế riêng chương trình đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu đặc thù của mỗi doanh nghiệp.

Để phát triển nguồn nhân lực logistics thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương đề cập đến các giải pháp, trong đó cần tăng cường công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp. Đây là nhiệm vụ cần thực hiện từ các bậc học phổ thông, với mục tiêu giúp cho người học hiểu rõ về nghề nghiệp và thu hút được nguồn tuyển sinh chất lượng cho các cơ sở đào tạo; đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông của ngành logistics thường xuyên, liên tục, tránh trào lưu nhất thời.

Tiếp đó, các cơ sở đào tạo cần liên tục cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, thu hút nguồn nhân lực giảng viên có năng lực và kinh nghiệm. Đồng thời, tăng cường kết nối đào tạo trong và ngoài nước cũng như kết nối đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp cần được phát triển theo chuỗi. Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế cũng mang lại giá trị cho các cơ sở đào tạo về đào tạo giảng viên, nâng cao năng lực cơ sở vật chất, phát triển nghiên cứu khoa học và đổi mới chương trình đào tạo.

Cuối cùng là đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. Xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là tất yếu trong logistics, đòi hỏi người học phải được tiếp cận chuyển đổi số từ khi còn đang trên ghế nhà trường. Ngoài ra, yêu cầu thực tế từ tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng khiến cho các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng thích nghi và chuyển đổi, đáp ứng tốt nhất nhu cầu học trực tuyến, đảm bảo tính tương tác và chất lượng đào tạo- Phó Giáo sư.Tiến sĩ Phạm Xuân Dương nói.

Theo ĐOÀN MINH HUỆ (TTXVN)