Mở mặt trận trên không thắng lợi
Cách đây hơn 70 năm, ngày 3/3/1955, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định thành lập Ban Nghiên cứu sân bay, khởi đầu cho quá trình xây dựng Không quân nhân dân Việt Nam. Những năm đầu thành lập, gặp nhiều khó khăn, song, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lực lượng không quân đã phát triển nhanh chóng, đầu năm 1963 các học viên bay tiêm kích đã chuyển loại xong MiG-17, chuẩn bị thành lập Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên của Quân đội ta.
Ngày 5/8/1964, Mỹ vô cớ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, huy động 2 tàu sân bay Constellation, Ticonderoga với hàng chục máy bay tiêm kích, cường kích các loại, đánh hủy diệt các căn cứ hải quân, phòng không ta ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình... hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của quân, dân miền bắc.
Ngay ngày hôm sau, 6/8/1964, để đáp ứng nhiệm vụ, Trung đoàn 921 nhanh chóng được chuyển từ Mông Tự (Trung Quốc) về sân bay Nội Bài, khẩn trương chuẩn bị chiến đấu. Chỉ hơn 3 tháng sau, vào ngày 9/11/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trung đoàn 921. Tại đây, Người căn dặn: “Tổ tiên ta từ xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như: Bạch Đằng, Hàm Tử, trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa… Ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú”.
Khắc sâu lời dạy của Bác, ngày 3/4/1965, Biên đội MiG-17 do các phi công Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương với lòng dũng cảm và nghệ thuật không chiến Việt Nam đã táo bạo, bất ngờ, áp sát máy bay địch ở cự ly gần và chỉ trong vài phút, hai chiếc F-8U đã bị tiêu diệt.
![]() |
Biên đội trực thăng luyện tập bay chào mừng kỷ niệm 50 thống nhất non sông. (Ảnh: Anh Tuấn - Võ Việt) |
Lần đầu tiên trong lịch sử, máy bay Mỹ bị bắn hạ bởi phi công Việt Nam! Chiến công ấy không chỉ làm rung chuyển bầu trời Hàm Rồng, mà còn là lời khẳng định đanh thép: “Không lực Hoa Kỳ không còn bất khả chiến bại!”. Chiến công đó đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước, cổ vũ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta.
Đại bàng tung cánh bay
Làm thế nào để những chiếc MiG-17 nhỏ bé có thể chiến thắng lực lượng không quân nhà nghề mạnh nhất thế giới? Câu trả lời chỉ có một: “Dám đánh, biết đánh và quyết thắng”. Mỹ không chỉ mạnh về số lượng máy bay hiện đai, vũ khí tối tân, mà còn làm chủ về chiến tranh điện tử, bằng việc sử dụng các máy bay EB-66, trang bị hàng chục máy gây nhiễu các loại, khiến ra-đa gần như “mù lòa”. Thế nhưng, ngày 19/11/1967, phi công Nguyễn Đăng Kính đã xuất kích bắn hạ chiếc EB-66 ngay trên bầu trời biên giới Việt-Lào.
Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ (1964-1967), các Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 và 923 đã xuất kích chiến đấu 4.602 lần chiếc, đánh 251 trận, bắn rơi 218 máy bay gồm nhiều kiểu loại của Mỹ, bắt sống 50 giặc lái.
Trung đoàn Không quân Vận tải 919 cất cánh chiến đấu 51 lần chiếc, đánh chìm 3 tàu biệt kích, 1 tàu đổ bộ, bắn bị thương 3 chiếc khác, đánh hỏng 1 trạm ra-đa dẫn đường, 2 trực thăng, vận chuyển tiếp tế 402 lần chiếc, thả 3.115 dù, với 631 tấn hàng, bay 206 chuyến chuyên cơ an toàn và hàng nghìn chuyến bay nhiệm vụ khác.
Cuối năm 1968, nhằm ngăn chặn giao thông vận tải trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn, địch tăng cường sử dụng nhiều loại hình chiến tranh với quy mô ngày càng ác liệt và tàn bạo. Để đối phó với kẻ thù, các sân bay dã chiến Thọ Xuân, Anh Sơn, Vinh, Đồng Hới nhanh chóng được xây dựng, phi đội bay đêm được thành lập chuẩn bị cho những trận không chiến giữa trời đêm giữ vững huyết mạch giao thông chiến lược, nối liền hậu phương miền bắc với tiền tuyến miền nam. Đã có những chuyến bay đêm cảm tử, cất cánh trong điều kiện trời mưa tầm tã từ sân bay Vinh vào đến Vĩnh Linh, Quảng Bình, quần nhau với địch tới khi hết dầu, phi công phải nhảy dù, sống sót trở về mới được nghe những người chỉ huy và đồng đội của mình xúc động chia sẻ: “Đêm hôm qua bọn tớ biết là cậu đi sẽ không về được! Nhưng sáng sớm hôm nay là mở chiến dịch Quảng Trị rồi. Lúc 1 giờ cậu đi là có B-52 nó vào! Sợ nó phát hiện được đội hình tập kết để mở chiến dịch Quảng Trị, cho nên cậu phải đi”. Đi để đuổi B-52, để giữ vững huyết mạch giao thông, để không lộ đội hình tập kết mặt đất!
Không chỉ trên bầu trời, mà trên biển, Không quân ta viết nên những chiến công táo bạo, xuất kích ném bom làm hư hại hai tàu tuần dương hạm và khu trục hạm của địch, khiến Hạm đội 7 choáng váng không hoạt động khoảng 4 tháng, giúp cho tuyến chi viện vào miền nam được thông suốt một thời gian dài.
Cuối năm 1972, nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn và gây sức ép lên bàn đàm phán tại Paris, Tổng thống Nixon đã phê chuẩn kế hoạch Tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền bắc, với mật danh Linebacker II.
Thế nhưng, tất cả mọi tính toán đó của kẻ thù, ỷ vào uy thế vũ khí tối tân, sức mạnh của không lực Hoa Kỳ để đưa miền bắc “về thời kỳ đồ đá” đều bị đảo lộn, thất bại hoàn toàn. Cùng với quân và dân miền bắc, bên cạnh lưới lửa phòng không hiệu quả với những chiến công xuất sắc bắn hạ B-52 và nhiều máy báy hiện đại của Mỹ trên bầu trời miền bắc và ngay cả bầu trời Thủ đô Hà Nội, Không quân ta với những cánh én bạc dũng mãnh đã xuất kích chiến đấu bằng tất cả sự quả cảm kiên cường và đã góp phần xứng đáng vào chiến công chung.
![]() |
Biên đội Su 30 MK2 luyện tập bay trên bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh chào mừng kỷ niệm 50 thống nhất non sông. (Ảnh: Anh Tuấn - Võ Việt) |
Trong những ngày tháng rực lửa, khi phẩm giá dân tộc đối mặt và chiến thắng sức mạnh bạo quyền, lực lượng phòng không không quân anh hùng đã “quật cổ” “siêu pháo đài bay” B-52 không chỉ 1 chiếc mà lên tới 34 chiếc, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ trong 12 ngày đêm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không giữa bầu trời Hà Nội. Thắng lợi giòn giã của quân và dân miền bắc đã làm nức lòng bạn bè quốc tế, đập tan thần tượng “siêu pháo đài bay”, đánh sập ý tưởng “thương lượng trên thế mạnh”, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973, rút hết quân viễn chinh về nước, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Trong thời điểm lịch sử mùa xuân 1975, với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, những “cánh đại bàng” ấy đã trưởng thành nhanh chóng, vinh dự góp mặt trong trận chiến cuối cùng - giải phóng miền nam thống nhất non sông. Lịch sử sẽ còn ghi mãi sự kiện Phi đội Quyết Thắng đóng vai trò như một mũi tiến công từ trên không, dùng chính máy bay A-37 của địch để đánh địch.
Để thực hiện nhiệm vụ ấy, chỉ trong vòng 6 ngày, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và phi công phải tự nghiên cứu tài liệu tất cả bằng tiếng Anh, chuyển loại máy bay A-37 thu được của không quân địch. Tất cả chạy đua với thời gian bằng ý chí và bản lĩnh Việt Nam. Để rồi ngày 28/4/1975, 5 chiếc A-37 đeo bom, xuất kích, bất ngờ tập kích sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là một trận đánh hiệp đồng quân, binh chủng xuất sắc của Quân đội ta vào thời điểm hết sức quyết định, góp phần đẩy nhanh sự hoảng loạn, tan rã của địch, cùng các lực lượng, các mặt trận, các mũi tiến công, góp phần xứng đáng vào thắng lợi cuối cùng.
![]() |
Biên đội trực thăng luyện tập bay trên bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh chào mừng kỷ niệm 50 thống nhất non sông |
Trải qua thực tiễn tác chiến phong phú, ác liệt, đối mặt với kẻ thù được trang bị phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại hơn nhiều, cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc đã tôi luyện nên 4 Trung đoàn Không quân anh hùng của Không quân nhân dân Việt Nam với truyền thống đánh thắng trận đầu, trưởng thành từ trong khói lửa chiến tranh, đó là các Trung đoàn 921, 923, 925, 927.
Lịch sử đã ghi công tên tuổi 19 phi công xuất sắc, những người đã lập chiến công hiển hách bắn rơi 5 máy bay địch trở lên, đó là: Nguyễn Văn Cốc; Nguyễn Hồng Nhị; Phạm Thanh Ngân; Mai Văn Cương; Nguyễn Văn Bảy A; Đặng Ngọc Ngự; Lưu Huy Chao; Nguyễn Nhật Chiêu; Lê Thanh Đạo; Vũ Ngọc Đỉnh; Nguyễn Ngọc Độ; Nguyễn Đăng Kính; Lê Hải; Nguyễn Đức Soát; Võ Văn Mẫn; Nguyễn Phi Hùng; Nguyễn Văn Nghĩa; Nguyễn Tiến Sâm; Lê Quang Trung và bên cạnh đó là nhiều phi công xuất sắc khác. Tên tuổi các anh, chính là niềm tự hào của Quân chủng, của Quân đội ta, của nhân dân ta trong sự nghiệp vĩ đại chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển đã khẳng định, dù phải đối mặt với lực lượng không quân mạnh hơn nhiều lần, song, Không quân nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng trưởng thành, làm chủ phương tiện hiện đại, làm chủ bầu trời Tổ quốc, ghi danh bằng những chiến công xuất sắc, vang dội khiến kẻ thù phải kính nể, lập nên những kỷ lục về không chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Không quân nguyện mang hết sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ phụng sự Tổ quốc, giữ gìn non sông đất nước.