Không thể xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam

25/12/2023 - 07:05

Thời gian qua, lợi dụng Internet và mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức phản động “mượn gió bẻ măng”, lộng ngôn xuyên tạc, phủ nhận thành quả đường lối đối ngoại của Việt Nam nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.

Những năm gần đây, lợi dụng bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều biến động mới; tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ráo riết tung ra luận điệu xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu các thế lực này hướng tới là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, của chế độ XHCN, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sự tinh vi của những thủ đoạn này ở chỗ, họ lợi dụng không gian mạng xã hội - nơi khởi phát nhanh chóng thông tin thật - giả, đúng - sai, tốt - xấu... đa chiều, phức tạp, để tung ra thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thậm chí, một số “nhà hoạt động”, “nhà dân chủ”, “học giả” tự xưng... kể cả ở ngoài nước, đưa ra “ý kiến”, “tư vấn”, “phản biện”, tạo “cơn sóng ngược” trên mạng xã hội, mưu toan gieo rắc tâm lý hoang mang, mất phương hướng, tạo sự bức xúc, tâm lý chống đối, gây mất ổn định xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Một số hãng truyền thông nước ngoài có phiên bản tiếng Việt, như: RFA, VOA, RFI, BBC... còn bịa đặt rằng “đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay là “đu dây”, “tự sát”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc”. Tính chất nguy hiểm của các luận điệu nêu trên là tạo ra sự hoang mang, dao động, gây chia rẽ từ bên trong, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, nhất là nước đối tác, đối tác chiến lược, khiến dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam.

Trước hết cần khẳng định, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Điều này thể hiện rõ trong nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng và thực tiễn sinh động của đất nước.

Gần 40 năm đổi mới, đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước góp phần quan trọng tạo môi trường hòa bình, ổn định, điều kiện thuận lợi và tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Do vậy, có thể khẳng định, nhất quán kiên định thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam xuất phát trước hết vì lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với xu thế thời đại là hòa bình, độc lập, phát triển và hội nhập quốc tế.

Những năm qua, trước các diễn biến phức tạp của thời cuộc, quan hệ ngoại giao của Việt Nam góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số nước lớn tuy có lúc trải qua thăng trầm, nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính. Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với các nước láng giềng, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nước ta kiên quyết sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp của Việt Nam, luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời quyết tâm, kiên trì, kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Điều này luôn được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ.

Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước ta là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đường lối đó có cơ sở lý luận, khoa học, thực tiễn, cơ sở pháp lý vững chắc, có sự tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách dân chủ, công khai.

Để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước, bên cạnh việc tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại, Đảng, Nhà nước ta cần tích cực đổi mới nội dung, phương thức thông tin đối ngoại, ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin, truyền thông để tăng cường thông tin, quảng bá về đất nước, con người, thành tựu của Việt Nam và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cần tăng cường tuyên truyền thành tựu quan trọng của công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân; đấu tranh phản bác, kiên quyết không để các thế lực thù địch, cơ hội tập hợp lực lượng, gây rối chính trị, làm mất an ninh trật tự, gây rối loạn lòng dân, ảnh hưởng tới lợi ích đất nước.

M.T