Thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hân hoan chào đón các sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại của đất nước, các ngày lễ lớn của dân tộc thì cũng là lúc các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị, chống đối lại điên cuồng chống phá. Lần này cũng không ngoại lệ, trên một số trang báo, trang mạng xã hội, như: Việt Tân, Nhật ký yêu nước, VOA, BBC News, Tin tức Hoa Kỳ, Hoa Kỳ Channel… chúng tiếp tục đưa ra các thông tin, luận điệu sai trái, cố tình xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận sự thật về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954)… Không chỉ tung ra các bài viết, trả lời phỏng vấn với cách nhìn sai lệch, xuyên tạc lịch sử, nguy hiểm hơn, chúng cố tình nhập nhằng, đánh lận bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ của nhân dân ta với cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của thực dân Pháp, cho rằng trận Điện Biên Phủ “chỉ là cuộc đụng độ giữa 2 thế lực hiếu chiến”.
Cờ giải phóng tung bay trên nóc hầm tướng Christian de Castries ở Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Chiến dịch Điện Biên Phủ được biết đến là một trận đánh lớn nhất, mang ý nghĩa hết sức to lớn trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Năm 1954, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. 55.000 quân đã tham gia lực lượng chiến đấu, trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động. Hàng vạn thanh niên xung phong, ngày đêm mở đường ra mặt trận. Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công. Với kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta kéo pháo lên núi cao, đưa vào hầm và chĩa thẳng pháo xuống trận địa kẻ thù để tấn công, nâng cao được uy lực, chính xác và mang lại hiệu quả cao nhất.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, dũng mãnh, ngoan cường, khoét núi, ngủ hầm, quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vượt mọi khó khăn, thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược đầu tiên của quân đội ta kể từ ngày thành lập (ngày 22/12/1944), kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, đánh bại “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp, tạo điều kiện đi đến quyết định ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21/7/1954).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, 3 cột mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ và Chiến thắng mùa Xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kỳ tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”.
Đây là một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa to lớn, mang tầm vóc thời đại. Nó không những buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mà còn buộc chúng phải công nhận độc lập của nhân dân Lào và Campuchia, rút quân khỏi bán đảo Đông Dương.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Chiến thắng này chứng minh chân lý của thời đại: “Một dân tộc dù nhỏ bé, nếu biết quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có một đường lối đúng thì có thể đánh bại được bất cứ tên đế quốc sừng sỏ nào”.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không những là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được coi như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX, mà còn là tiền đề cho những “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, đại thắng mùa Xuân năm 1975, để đất nước hòa bình, thống nhất.
Để đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc bằng nhiều hình thức, nhất là đối với thế hệ trẻ. Từ đó, khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ; tăng cường biện pháp rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, lập trường tư tưởng, chính trị để cán bộ, đảng viên có đủ kiến thức, nhãn quan chính trị, nhạy bén nhận biết những thông tin sai trái, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử của kẻ xấu để lên án, đấu tranh hiệu quả.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần và khí thế hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, mỗi người dân Việt Nam tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, đại đoàn kết toàn dân, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
MINH THƯ