Trình bày với phóng viên Báo An Giang, bà Huỳnh Thị Liên cho biết: “Đất ruộng của gia đình tôi có diện tích 5.600m2, tọa lạc ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội. Vừa qua, khi Nhà nước xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới, tôi bị thu hồi 1.210m2 đất. Phần đất còn lại của gia đình tôi bị chia thành 2 miếng nhỏ.
Tới đây, khi thực hiện xong cây cầu, bờ đê con lộ, mảnh đất diện tích trên 3.000m2 sử dụng được, còn mảnh đất gần 1.300m2 nằm kẹt giữa vòng bờ bao con đê cao là vùng trũng, chứa túi nước, không thể sản xuất, sử dụng được. Đó là chưa kể, trong quá trình trồng lúa sẽ rất khó vận chuyển vật tư nông nghiệp; đến khi thu hoạch lúa, máy móc không thể vào ruộng vận hành.
Với hiện trạng như trên, coi như đã “treo” mảnh đất gia đình tôi. Trường hợp của tôi gần như là cá biệt ở cả tuyến xây dựng đường tuần tra biên giới, phân đoạn xã Phú Hội này. Tôi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét thu hồi 1.300m2 đất, hoặc có biện pháp trưng dụng số đất này, hỗ trợ cho gia đình tôi.
Trước đây, vào năm 2000, trong khi thực hiện việc đào kênh thủy lợi, UBND xã Phú Hội đã trưng dụng một phần đất gia đình tôi, nhưng vẫn không bồi hoàn, bồi thường thiệt hại. Tôi đã làm đơn khiếu nại nhiều lần nhưng không được giải quyết. Lần này, rất mong được Nhà nước xem xét, giải quyết về yêu cầu chính đáng và bức xúc của chúng tôi”.
Bà Huỳnh Thị Liên
Về việc trên, UBND xã Phú Hội cho biết: “Dự án tuyến đường tuần tra biên giới tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020 đi qua nhiều địa phương, trong đó có xã Phú Hội.Để thực hiện, chúng tôi đã thông tin, tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, mục đích của chủ trương trên và hầu hết được người dân đồng tình, hưởng ứng.
Quá trình thực thi dự án đã có nhiều trường hợp bị trưng dụng đất nông nghiệp. Qua đó, đã thu hồi đất với nhiều dạng, hình thức. Có hộ mất nhiều cây trồng, nhiều đất, thậm chí không còn đất. Trong đó, hộ bị thu hồi diện tích nhiều nhất là ông Mai Văn Sum (ấp Phú Nhơn, với 3.652m2 đất) và ít nhất là ông Nguyễn Quang Vinh (ấp 3, diện tích chỉ 3m2).
Nhìn chung, các hộ đều thống nhất về mức bồi thường, chủ trương và hầu hết đã giải phóng mặt bằng, thực hiện các bước theo quy định. Riêng hộ bà Huỳnh Thị Liên chưa chịu nhận số tiền bồi thường trên 267 triệu đồng. Bà tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng xem xét về thu hồi số đất còn lại, do rất khó canh tác và sử dụng”.
Qua tìm hiểu, dự án tuyến đường tuần tra biên giới tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện An Phú đi qua các xã Phú Hội, Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội. Để thực hiện tuyến đường này, Nhà nước đã trưng dụng đất nông nghiệp của 112 hộ dân ở xã Phú Hội. Người dân đồng tình dù đã bị thiệt hại, mất đất sản xuất.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Dung (sinh năm 1951, ngụ ấp Phú Thuận, xã Phú Hội) cho biết: “Vừa qua, 653m2 đất của gia đình tôi bị Nhà nước trưng dụng thực hiện xây dựng tuyến đường tuần tra. Nhưng bù lại, tôi đã được bồi thường số tiền đến 250 triệu đồng. Không chỉ tôi, bà con ở đây đồng tình về mức bồi thường, bồi hoàn các giá trị khác kèm theo. Tôi cho rằng, mức bồi thường trên là thỏa đáng; cách làm của địa phương đã công khai, công bằng và thỏa đáng. Việc thực hiện nói trên không chỉ bảo vệ sự bình yên cho bà con mà còn phục vụ việc lưu thông, đi lại dễ dàng, đồng thời chủ động được sản xuất”.
Bổ sung việc này, ông Huỳnh Thanh Hùng (ngụ ấp Phú Nhơn, người bị thu hồi 14m2 đất) chia sẻ: “Nếu bị trưng dụng số đất nhiều hơn tôi cũng sẽ đồng tình. Bởi qua đó, đã góp phần thực hiện chủ trương của địa phương và cho bản thân mình. Tôi chỉ “mất” 14m2 nhưng lại được gần 6 triệu đồng và lưu thông đi lại thuận tiện”.
Từ yêu cầu của bà Huỳnh Thị Liên, UBND xã Phú Hội cho biết: “Sau khi nhận đơn của bà Liên, chúng tôi đã xác minh làm rõ và báo cáo sự việc đến UBND huyện An Phú xem xét giải quyết. Theo đó, đối với diện tích đã thu hồi, đang bị dôi dư từ 500m2 trở xuống mới thuộc diện xem xét giải quyết. Như vậy, khoảng 1.300m2 đất của gia đình bà Liên không thuộc phạm vi điều chỉnh theo quy định của dự án đang thực hiện”.
Bài, ảnh: N.R