Khu chợ giữa trời, không cổng chẳng tên và cánh đồng chum bí ẩn ở Lào

12/06/2024 - 08:33

Một ngày đầu tháng 5, từ thành phố Vinh, chúng tôi vượt qua chặng đường dài 240km để lên cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, "xuất ngoại" sang cao nguyên Xiêng Khoảng, thăm cánh đồng Chum.

Thật thú vị khi sáng hôm ấy, khu vực biên giới đông vui hơn thường nhật bởi đồng bào miền tây xứ Nghệ và người Lào lũ lượt về đây họp chợ Chủ nhật.

Chợ giữa trời, không có cổng và chẳng có tên

Đứng từ cột mốc 405, điểm đánh dấu phần lãnh thổ Việt Nam nhìn sang Lào, nhiều xe bán tải chở người, hàng hóa đang nối đuôi nhau vượt cửa khẩu Namkan - tỉnh Xiêng Khoảng tiến tới địa điểm họp chợ là bãi đất bằng phẳng - không có cổng và không có tên, nằm lọt thỏm giữa tứ bề núi cao thuộc lãnh thổ Lào, cách cửa khẩu Nậm Cắn - Việt Nam khoảng 600m. 

Nhìn ngược về phía Việt Nam là dòng người bản địa "tay xách, nách mang" cùng với chiếc gùi đầy ắp hàng hóa đung đưa trên lưng, đang nườm nượp đổ về. 

Để tiện việc quản lý cũng như tạo thuận lợi cho người dân hai nước đi lại, buôn bán, bất luận là tiểu thương, người địa phương hay khách du lịch muốn đến chợ, hết thảy chỉ cần trình giấy tờ tùy thân để các chiến sĩ biên phòng ghi chép vào sổ, sau đó sẽ được cấp thẻ ra vào chợ biên giới, đeo trên người suốt thời gian chợ hoạt động.

Tan chợ, khi quay về, khách trả thẻ cho cán bộ biên phòng ngay tại trạm kiểm soát nhập cảnh trước khi ra khỏi cửa khẩu.

Những gian hàng giữa chợ. (Ảnh trái: Trần Hường, ảnh phải: Trần Hạnh)

Thật ra, từ chiều thứ Bảy, những người bán hàng cố định lâu năm hoặc mở gian hàng ẩm thực Lào đã có mặt tại chợ để dựng lều quán, nửa đêm mổ heo gà, nướng thơm lừng cho kịp đón khách khi bình minh.

Đến chợ trễ hơn là những người buôn bán nhỏ lẻ hoặc thời vụ. Họ thường trải tấm bạt, bày bán ngay bên đường vào chợ. Đặc biệt, các tiểu thương người Lào đến chợ bằng xe bán tải hay dừng bên quốc lộ 7 rồi mở cốp xe, trưng bày những mặt hàng mình muốn bán.

Dạo một vòng chợ, tôi bắt chuyện với nhiều người bằng tiếng Kinh thì hầu hết lắc đầu, tỏ vẻ không hiểu… Chợt nhớ buổi sáng, anh biên phòng ở cửa khẩu cho tôi biết: "Ở chợ, người bán chiếm phần đông là người Lào, số còn lại là người bản địa Thái, H'Mông, Khơ Mú... nên việc trao đổi mua bán bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Với khách miền xuôi lên đây muốn hỏi giá, mặc cả thì cứ chỉ món hàng muốn mua rồi đưa máy tính cho họ bấm giá là hiểu ngay". 

Người Kinh đến chợ không đông nhưng có mặt từ sáng sớm với mục đích đón đầu tiêu thụ rau củ, gà, thịt tươi sống được giá hời… Đã thành nếp, kẻ mua, người bán có thể dùng cả tiền Việt, tiền Lào để thanh toán sau khi chuyển đổi tỷ giá kip Lào sang đồng Việt Nam.

Di chỉ khảo cổ bí ẩn

Rời biên giới Việt - Lào từ 14h cho đến khi chập choạng, chúng tôi mới tới được thị xã Phôn Xa Vẳn, thủ phủ của tỉnh Xiêng Khoảng - dù cự ly chỉ hơn 150km. Nguyên do là đường bị băm nát bởi xe đầu kéo hàng ngày qua lại. 

Phôn Xa Vẳn nằm lọt thỏm giữa cao nguyên Xiêng Khoảng với độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển. Dù đường xấu, xa xôi nhưng hàng ngày vẫn có những đoàn khách nước ngoài tìm đến. Tất cả đều có chung một mục đích: Ngắm cánh đồng Chum và thăm chiến trường xưa. 

Sáng ra, mọi người chỉ mong có thể vội lên xe đi thẳng tới cánh đồng Chum bản Ang - khu vực di chỉ cự thạch số 1, nằm cách thị xã khoảng 10km.

Nơi này nổi bật hơn so với các địa điểm khác, không chỉ bởi số lượng 334 chum được tìm thấy, đủ hình dạng, kích thước mà còn được xem là tiêu biểu cho 52 điểm di tích chum cự thạch nằm rải rác ở Xiêng Khoảng, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ảnh: Trần Thế Dũng 

Vừa qua cổng kiểm soát vé, mọi ánh mắt của chúng tôi đều đổ dồn về hướng đỉnh đồi. Nơi đó có hàng trăm cái chum khổng lồ được đẽo gọt từ đá tảng nguyên khối, đa phần là granite, số ít sa thạch có niên đại khoảng 2.000 năm tuổi, với đủ kích cỡ và hình dạng vuông, tròn khác nhau nổi bật trên thảm cỏ xanh tươi.

Ngay cả cách bố trí chúng cũng không theo một quy luật nào. Cái thì thẳng đứng, cái nằm nghiêng, cái chôn một phần dưới đất… Trong đó, chum to nhất nằm nghiêng có đường kính 2,5m, cao 2,75m, nặng 14 tấn được tôn là King's Cup, còn lại là chum cao từ 1 đến 2m, nặng từ 600 cân đến 1 tấn.

Di chỉ trên ngọn đồi chỉ là điểm khởi đầu trong hành trình thưởng lãm cảnh sắc bản Ang, bởi dưới chân đồi mở ra thung lũng xanh mượt và trên đó tập trung vô số chum chia ra từng cụm trông rất kỳ lạ.

Tôi đã đứng bên chiếc chum duy nhất có nắp đậy, ngắm bộ rễ của cây cổ thụ tựa như hàng chục con rắn bò trên đất, lan ra quấn chặt những chiếc chum xung quanh.

Những chiếc chum này, ai làm ra và vì mục đích gì? Đó là thắc mắc mà cho tới nay chưa ai giải thích thỏa đáng.

Trong khi một số người giải thích người xưa làm những cái chum này để dự trữ nước mưa, thì nhiều nhà khảo cổ lại đưa ra giả thuyết rằng chum đá được sử dụng như mộ táng người chết cho đến khi bị phân hủy chỉ còn xương, để chôn cất trong mộ đất xung quanh chum.

Theo Vietnamnet