Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội

20/04/2020 - 00:00

 - Tệ nạn xã hội (TNXH) gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống con người, là nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm. Nhận thức được điều đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn An Giang đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc đẩy mạnh xây dựng mô hình “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc TNXH”. Đây là cách làm sáng tạo trong việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.

Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội

Mô hình “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” được triển khai, thực hiện nghiêm túc ở các cơ sở Đoàn (Ảnh: Tỉnh đoàn cung cấp)

Theo Ban Thường vụ Tỉnh đoàn An Giang, nhận thức rõ hiểm họa của ma túy và các loại TNXH khác đối với xã hội, nhất là đối với thanh, thiếu niên; đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của Bộ Công an, đặc biệt là Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn An Giang đã xây dựng và triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, giải pháp đấu tranh phòng, chống ma túy, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03/2010/NQLT giữa Bộ Công an và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong lứa tuổi thanh, thiếu niên giai đoạn 2016-2020” .

Xác định công tác phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS và các TNXH là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, gắn với thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên, năm 2019, các cơ sở Đoàn trong tỉnh tổ chức cho 100% các Liên đội trường THCS và Đoàn trường THPT ký kết giao ước thi đua, cam kết tham gia công tác phòng, chống ma túy và xây dựng lối sống lành mạnh, kiên quyết “Nói không với ma túy” và ngăn chặn tình trạng “Ma túy xâm nhập vào học đường”.

Tổ chức cho 100% học sinh khối THCS, THPT và sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn ký cam kết “3 không” trong phòng, chống ma túy (không sử dụng ma túy; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; không dung túng, bao che cho tội phạm và tệ nạn ma túy). Đồng thời, phối hợp lực lượng công an đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền trực tiếp tận gia đình; xóm, ấp; xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị; trường học, nhất là trong nhóm thanh niên có nguy cơ cao.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn An Giang tiếp tục xây dựng, triển khai mô hình “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc TNXH” và chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh nghiêm túc thực hiện. Theo đó, mô hình được triển khai từ năm 2018, có 21 “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc TNXH” từ năm 2018-2019. Mô hình phải đảm bảo phương châm: “Phát huy vai trò thanh niên trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tham gia xây dựng đô thị văn minh; vận động thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên tham gia xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học an toàn về ANTT, không phạm tội và TNXH”. Đến nay, có 24 khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc TNXH được thành lập.

Mô hình nhằm giúp cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tiếp cận các chủ trương, chính sách pháp luật nhanh nhất, hạn chế việc thanh, thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật trong ĐVTN. Từ đó, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, tham gia vận động người dân thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thực tế, mô hình được triển khai ở hầu hết các địa phương, song song việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các “khu dân cư” còn tập trung tuyên truyền luật, nghị định và các văn bản có liên quan về an toàn giao thông, tác hại của rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích và ma túy… trong ĐVTN. Đồng thời, phối hợp cảm hóa, giúp đỡ thanh niên chậm tiến tái hòa nhập cộng đồng và phát huy vai trò của người dân trong tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh đoàn An Giang, đây là mô hình giúp đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động thanh, thiếu niên tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nói chung và công tác phòng, chống tội phạm, TNXH nói riêng; mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội ngày càng vững mạnh. Thể hiện tính tiên phong, gương mẫu phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, không ngại khó, không ngại khổ của ĐVTN trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia phòng, chống tội phạm, TNXH.

Qua đó, góp phần đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn. Đối tượng là các cán bộ Đoàn, đoàn viên, hội viên, thanh, thiếu niên nhiệt tình, tự nguyện tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội cơ sở phát động, thành viên câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; không tham gia TNXH tại địa phương. Mỗi huyện, thị, thành đoàn tiến hành thành lập mới hoặc duy trì hiệu quả ít nhất 1 mô hình “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc TNXH”.

PHƯƠNG LAN