Kích vay tiêu dùng để hạn chế ‘tín dụng đen’

04/02/2021 - 08:10

Theo chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng; đồng thời góp phần đẩy lùi cho vay “tín dụng đen”.


Kích vay tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế.

Đa dạng các gói vay, mở thẻ tín dụng

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Cho vay tiêu dùng cần được chú trọng nhằm mở rộng vốn chính thức và sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. “Ngân hàng đáp ứng được các nhu cầu chính đáng của người dân sẽ góp phần đẩy lùi và dẹp bỏ ‘tín dụng đen’. Nếu là những nhu cầu chính đáng, cấp bách của người dân như khám chữa bệnh, học hành…, ngân hàng sẽ tạo điều kiện tối đa về cấp tín dụng”, Phó Thống đốc khẳng định.

“Tín dụng đen” vẫn đang len lỏi vào cuộc sống của người dân, đặc biệt đối tượng lao động với nhiều chiêu thức cho vay. Một số người gặp cảnh túng thiếu hoặc cần tiền gấp đã tìm đến “tín dụng đen” dù phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”.

Để hạn chế hoạt động tín dụng đen, ông Hoàng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổ chức tài chính vi mô Thành phố Hồ Chí Minh (CEP) cho biết: CEP đang triển khai nhiều sản phẩm, tín dụng nhỏ tự tạo việc làm, tăng thu nhập với mức lãi suất vay bình quân chỉ từ 0,55 - 0,65%/tháng, mức vay tối đa 50 triệu đồng cho công nhân, người lao động nghèo. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ CEP, nhiều lao động nghèo đã có thu nhập ổn định.

Mới đây, người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận vốn khi Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đã liên minh với 6 ngân hàng thương mại (NHTM) là: VietinBank, Viet Capital Bank, ACB, HDBank, BaoViet Bank, Sacombank phát hành thẻ chip tín dụng và thẻ ghi nợ nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành. 

Thông tin này được nhiều người quan tâm bởi nhu cầu mua sắm Tết, dịp cuối năm tăng, trong đó tính năng lớn nhất của thẻ tín dụng nội địa là được “chi tiêu trước, trả tiền sau” với thời gian miễn lãi suất 55 ngày. Chủ thẻ được giao dịch trong hạn mức do ngân hàng phát hành thẻ quy định, có thể lên tới 100 triệu đồng. 

Đặc biệt, chủ thẻ có thể rút tiền mặt tại các cây ATM trên toàn quốc với mức phí khoảng 1,1% -1,3% giá trị giao dịch. Mức phí rút tiền mặt này thấp hơn nhiều so với những loại thẻ tín dụng quốc tế các NHTM đang áp dụng là 4% giá trị giao dịch (hoặc thu phí rút tiền mặt tối thiểu từ 70.000 đồng/giao dịch). Phía các NHTM không khuyến khích khách hàng rút tiền mặt qua thẻ tín dụng, nhưng với chủ thẻ có cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nhất là những mặt hàng phục vụ Tết thì đây là cơ hội để thêm vốn đầu tư khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng đột biến.

Theo Techcombank, khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng không phải thế chấp tài sản hay tiền đặt cọc. Theo đó, số tiền được vay tối đa lên tới 10 tháng thu nhập thực tế (không vượt quá 300 triệu đồng) với thời gian vay linh hoạt từ 6 tháng đến 60 tháng, tùy vào khả năng tài chính của khách hàng. Hiện, ngân hàng này đang cho vay mua ô tô và chi tiêu hàng ngày chỉ với mức lãi suất 6,99% cho tới 8,75%/năm cố định trong vòng 2 năm. Tương tự tại VPBank,  với VPBank Online, khách hàng được giải ngân online trong vài phút với hạn mức vay từ 10 đến 100 triệu; kỳ hạn vay từ 6 - 60 tháng; lãi vay dao động từ 15,99%/năm và tính trên dư nợ giảm dần. 

Kể từ tháng 2-2021, Vietcombank triển khai 4 gói tài khoản dành cho khách hàng cá nhân với nhiều ưu đãi vượt trội khi giao dịch thẻ và giao dịch trên ngân hàng số VCB Digibank. Bốn gói tài khoản mới bao gồm: VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro, VCB Advanced. Với VCB Eco, khách hàng có nhu cầu giao dịch cơ bản với ưu đãi miễn phí chuyển khoản trong hệ thống Vietcombank; Gói VCB Plus và VCB Pro dành cho những khách hàng có giao dịch thường xuyên, miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống qua VCB Digibank. Gói VCB Advanced phù hợp với khách hàng kinh doanh hoặc mua sắm trực tuyến khi được tích hợp thẻ ghi nợ quốc tế Visa Platinum với ưu đãi hoàn tiền 0,3% giá trị chi tiêu, tối đa lên đến 5 triệu đồng mỗi quý.

Vay tín dụng tiêu dùng cần tính kỹ khả năng trả nợ

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, một số chuyên gia ngân hàng khuyến cáo: Các NHTM cần phải kiểm soát rủi ro, nhất là với những khách hàng mới vì dịch bệnh tác động tới khả năng trả nợ của người tiêu dùng. Do vậy, ngân hàng cần phải thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp tín dụng.

“Hoạt động cho vay tiêu dùng tiếp tục được quản lý chặt chẽ, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt nhằm bảo đảm khả năng tăng trưởng trở lại năm 2021. Dịch COVID-19 bùng phát, cách thức mua sắm của người dân đã thay đổi khi các mặt hàng thiết yếu được mua qua kênh thương mại điện tử không ngừng gia tăng. Cầu vốn của người tiêu dùng có thể tăng nhưng khả năng trả nợ lại giảm sút vì ảnh hưởng của COVID-19 nên việc thận trọng hơn trong lựa chọn khách hàng và cho vay là cần thiết”, Phó Tổng Giám đốc FE Credit Nguyễn Thành Phúc cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, cuối năm nhiều người dân thường dồn tiền để mua nhà, sắm xe. Đây là tài sản bảo đảm giá trị và tính thanh khoản cao. “Tuy nhiên, các ngân hàng cũng nên chọn lựa đối tượng, phân khúc khách hàng rủi ro thấp chứ không chạy theo lợi nhuận để cố gắng giải ngân, cho vay bằng mọi cách. Bởi, tín dụng tiêu dùng vẫn khá rủi ro. Đặc biệt trong bối cảnh dịch phức tạp, người lao động vẫn bấp bênh thu nhập, dự trữ tiền mặt cũng mỏng hơn. Bên cạnh đó, phía người vay vốn có thể không sử dụng đúng mục đích, đầu tư vào kênh tăng trưởng 'nóng' với nguy cơ thua lỗ cao dẫn đến mất khả năng trả nợ, tạo gánh nặng cho ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Vào thời điểm cuối năm với nhu cầu chi tiêu lớn, nhiều chuyên gia ngân hàng lưu ý: Người vay tiền cần tính toán kỹ lưỡng khả năng trả nợ của mình trước khi đặt bút ký hợp đồng vay vốn. Để tránh bị rơi vào "bẫy" “tín dụng đen”,  Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự - CSHS (Bộ Công an) khuyến nghị: Người dân nên đến các tổ chức tín dụng chính thống, cẩn thận với các ứng dụng, website cho vay tiền trên mạng, đọc kỹ thông tin nhằm tránh bị các đối tượng lừa. Không cho các ứng dụng, website này được quyền truy cập vào danh bạ, các tài khoản mạng xã hội cá nhân…

"Nếu bị các đối tượng cho vay lãi quá 100% và thu lời bất chính trên 30 triệu đồng thì đã có dấu hiệu tội phạm, báo ngay cho cơ quan công an. Trường hợp người dân phát hiện đối tượng đe dọa, đập phá đồ đạc, gây thương tích, bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ thì lập tức báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết", đại diện Cục CSHS nhấn mạnh.

Theo MINH PHƯƠNG (Báo Tin tức)

 

Liên kết hữu ích