Kiên định trước khát vọng vươn tầm

11/02/2024 - 09:49

Sau gần một năm dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam, huấn luyện viên Philippe Troussier đã tiến hành cuộc 'đại phẫu' toàn diện cả về phong cách, lối chơi lẫn hệ thống nhân sự. Những thay đổi hướng tới lối đá mới chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian để định hình, từ tư duy chơi bóng của các cầu thủ cho tới công tác đào tạo ở các câu lạc bộ trong nước.

Triết lý kiểm soát bóng

Dù khép lại hành trình ở Asian Cup với kết quả không như mong đợi, đoàn quân của huấn luyện viên Philippe Troussier đã tạo nên nhiều bất ngờ khi trình diễn lối chơi kiểm soát bóng và liên tục gây áp lực tầm cao. Đây là những nét mới, khác hẳn lối đá phòng ngự phản công từng bị các đối thủ bắt bài.

Các cầu thủ thay vì phối hợp nhanh ít chạm, giờ đã chủ động cầm nhịp để triển khai các mảng miếng tấn công ngay từ sân nhà. Việc chủ động kiểm soát bóng giúp toàn đội hướng đến các pha phối hợp bài bản, có chủ đích, chứ không còn chờ đợi vào sự may mắn hay những tình huống tỏa sáng bất ngờ của các ngôi sao.

Từ khi nhậm chức, ông Troussier luôn kiên định với tầm nhìn của mình. Quyết định này cũng nhận được sự ủng hộ của phần lớn đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước. Không chỉ được xem như xu thế của bóng đá đương đại, lối chơi kiểm soát bóng còn cho thấy sự phù hợp với tố chất, thể hình của cầu thủ Việt Nam. Dĩ nhiên, còn đó khát vọng tột bậc của bóng đá nước nhà - giấc mơ vươn tầm châu lục.

Song, để thành thạo phong cách mới, chúng ta phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng hàng loạt những tiêu chuẩn khắt khe. Từ tư duy chơi bóng, nền tảng kỹ thuật và thể lực của mỗi cá nhân, cho tới cách di chuyển đội hình hay từng quyết định xử lý bóng trước áp lực... đều là những yếu tố phải được đào tạo lại hoàn toàn.

Để đưa đội tuyển Việt Nam vươn tầm cao mới, ông Troussier đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Để đưa đội tuyển Việt Nam vươn tầm cao mới, ông Troussier đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Bắt đầu từ thủ môn rồi các hậu vệ, trái bóng sẽ được luân chuyển dần lên các tuyến trên. Khi hai trung vệ lệch trái và phải di chuyển mở rộng sang hành lang cánh, các tiền vệ trung tâm sẽ lùi lại bọc lót, cùng lúc ấy cơ hội dâng cao sẽ mở ra cho hai chân chạy biên. Đồng thời, các cầu thủ tấn công phải liên tục di chuyển để khai thác các khoảng trống.

Các nhóm phối hợp tấn công biên có thể tận dụng cầu nối ở khu vực trung tuyến để thực hiện những pha tấn công chính diện theo chiều sâu là một trong những miếng đánh đặc trưng dưới thời huấn luyện viên Troussier. Thế nhưng, chỉ cần một bước khống chế hay di chuyển lỗi cũng sẽ dẫn đến sự lạc nhịp, từ đó đánh mất sự chủ động.

"Đội tuyển giờ luôn cố gắng kiểm soát bóng và áp đặt lối chơi lên các đối thủ. Để thích nghi phong cách này, mọi người cần di chuyển nhiều hơn và phải gắn kết thông tin với nhau để chiếm được các vị trí thuận lợi. Đó là thách thức lớn mà toàn đội sẽ phải cùng nhau vượt qua", Văn Thanh chia sẻ.

Trong cuộc chạm trán Đội tuyển Nhật Bản tại Asian Cup, các cầu thủ đã cho thấy sự tự tin và khả năng xử lý bóng một cách điềm tĩnh khi bị đối phương áp sát. Điều này giúp họ phần nào vượt qua áp lực để chơi bóng đúng ý đồ của Ban huấn luyện. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Các cầu thủ Việt Nam bình tĩnh cầm bóng và phối hợp trước Nhật Bản.

Các cầu thủ Việt Nam bình tĩnh cầm bóng và phối hợp trước Nhật Bản.

“Tôi rất ấn tượng với cách kiểm soát bóng của Đội tuyển Việt Nam. Không rõ họ đã luyện tập thế nào, nhưng ở nhịp chạm đầu, họ luôn làm tốt. Điều đó giúp họ có đủ không gian và thời gian để lên phương án đối đầu với cầu thủ Nhật Bản”, ngôi sao đang khoác áo Real Sociedad Takefusa Kubo phát biểu sau trận đấu.

So với lối chơi rình rập chờ đợi cơ hội phản công, Đội tuyển Việt Nam đã chơi không tệ khi tỷ lệ kiểm soát bóng đạt 41%. Chúng ta thực hiện 533 đường chuyền (đạt tỷ lệ chính xác 81%), dứt điểm sáu lần (với ba cú sút trúng đích) và ghi được hai bàn thắng. Chạm trán đối thủ đẳng cấp thế giới, các hậu vệ vẫn tự tin phối hợp và triển khai bóng lên tuyến trên nhằm tìm kiếm cơ hội ghi bàn.

Để so sánh, huấn luyện viên Mikel Arteta phải mất tới ba mùa giải để giúp các cầu thủ trẻ Arsenal thuần thục phong cách kiểm soát bóng. Những cầu thủ với chuyên môn vượt trội cũng từng thất bại liên tục và nhận lấy rất nhiều sự chỉ trích từ giới truyền thông. Đội tuyển Việt Nam về mặt ý tưởng cũng chơi tương tự Arsenal hay Manchester City, nhưng với mặt bằng chất lượng cầu thủ như hiện tại, rất khó để có được sự tiến bộ vượt bậc trong ngắn hạn.

Tích cực trẻ hóa đội hình

Nhìn vào danh sách Đội tuyển quốc gia mới tham dự Asian Cup 2023, phần lớn những ngôi sao từng tỏa sáng dưới thời ông Park đều vắng mặt do chấn thương hay sa sút phong độ thảm hại. Thủ môn Nguyễn Filip (32 tuổi) và đội trưởng Hùng Dũng (31 tuổi) là hai cầu thủ nhiều tuổi nhất, còn lại là những gương mặt trẻ, với độ tuổi trung bình ở ngưỡng 25,38.

Khuất Văn Khang (trái) và Nguyễn Đình Bắc (phải) là hai nhân tố trẻ được triệu tập cho vòng loại thứ hai World Cup 2026. (Ảnh: Minh Tú)

Khuất Văn Khang (trái) và Nguyễn Đình Bắc (phải) là hai nhân tố trẻ được triệu tập cho vòng loại thứ hai World Cup 2026. (Ảnh: Minh Tú)

Quay lại thời điểm ông Troussier mới nhậm chức năm 2023, hai danh sách triệu tập vào tháng 6 và tháng 9 không có bất kỳ cái tên nào dưới 23 tuổi. Song, những nhân tố trẻ xuất hiện ngày càng nhiều ở ba lần đợt tập trung tiếp theo. Trong đó, Nguyễn Đình Bắc (19 tuổi) là cầu thủ trẻ nhất bên cạnh một số cái tên mới đôi mươi khác như Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thái Sơn, Khuất Văn Khang hay Hồ Văn Cường…

Đặc biệt, danh sách triệu tập cho vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á có tới 13 cầu thủ dưới 23 tuổi. Đây là số lượng cầu thủ trẻ lớn nhất từng được gọi trong vòng 10 năm qua.

Huấn luyện viên Troussier cần những cầu thủ di chuyển năng nổ, chịu khó tranh chấp nhằm hỗ trợ cả khâu phòng ngự lẫn tấn công. Điều này lý giải phần nào xu hướng ưu tiên lớp “măng non” với nền tảng thể lực cùng khả năng nắm bắt và thích nghi nhanh chóng với triết lý mới.

Nếu như Nguyễn Filip là nhân tố mới, với tên tuổi từng được khẳng định nơi trời Âu, ba gương mặt chiếm được sự tin tưởng ở vị trí trung vệ là Việt Anh, Tuấn Tài và Thanh Bình. Trong đó, Bùi Hoàng Việt Anh đang chứng tỏ bản thân là trụ cột và điểm sáng ở hàng phòng ngự. Cầu thủ cao 1m84 không chỉ sở hữu những pha xoạc bóng chính xác, mà còn hiệu quả khi lên tham gia tấn công.

Thể hình và kỹ năng dứt điểm của hậu vệ này được tận dụng triệt để trong những tình huống cố định. Tuấn Hải ghi bàn vào lưới Nhật Bản nhờ pha di chuyển thông minh và đánh đầu hiểm hóc của Việt Anh. Tình huống ghi bàn vào lưới Iraq cũng thể hiện rõ nét khả năng chạy chỗ phá bẫy việt vị cũng như sút bóng một chạm gọn gàng.

 Bùi Hoàng Việt Anh là điểm sáng mới ở hàng thủ. (Ảnh: Ngọc Linh)

Bùi Hoàng Việt Anh là điểm sáng mới ở hàng thủ. (Ảnh: Ngọc Linh)

Với các tuyến trên, bên cạnh Tuấn Anh, Hùng Dũng hay Tuấn Hải đã khẳng định được giá trị của mình, Thái Sơn và Đình Bắc đang cho thấy những bước tiến thần tốc và được xem như hai "sản phẩm" ưng ý nhất của thầy Troussier.

Đặc biệt, trong lần đầu chinh chiến ở đấu trường châu lục trước đối thủ Nhật Bản, Đình Bắc có 37 lần chạm bóng, tung ra 22 đường chuyền với độ chính xác là 77%. Cầu thủ 19 tuổi chiến thắng tới bảy trong số tám pha tranh chấp, có được một pha tắc bóng và rê dắt qua người thành công. Pha đánh đầu vào lưới đội tuyển Nhật Bản cũng đưa anh trở thành chân sút Việt Nam trẻ nhất ghi bàn ở Asian Cup.

Tuy nhiên, những ngày qua là giai đoạn đầy khó khăn với thầy Troussier. Từ những ca chấn thương, việc phải cân nhắc sử dụng và lựa chọn các cầu thủ trẻ cũng không đơn giản.

Ông Troussier kiên định với cách dùng người của mình. (Ảnh: VFF)

Ông Troussier kiên định với cách dùng người của mình. (Ảnh: VFF)

Nhìn vào thất bại trước Indonesia ở Asian Cup, các cầu thủ Việt Nam một lần nữa trở lại thói quen cũ khi gặp bế tắc. Họ chuyền dài 79 lần - nhiều nhất dưới thời ông Troussier - với độ chính xác ở mức thấp nhất 29%.

Như nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân khiến các cầu thủ trẻ lúng túng bắt nguồn từ sự thiếu vắng chỗ dựa tinh thần của những thủ lĩnh đích thực. Hình ảnh Đỗ Hùng Dũng bất lực đứng nhìn đồng đội thi đấu bế tắc trong trận gặp Indonesia cho thấy cách lựa chọn nhân sự của ông Troussier có phần cực đoan. Điều này không những không tận dụng được bản lĩnh và kinh nghiệm của các trụ cột, mà còn có nguy cơ làm đứt gãy sự kết nối và kế thừa giữa các thế hệ.

“Cần nhìn nhận thất bại tại Asian Cup như bước chạy đà cần thiết để hướng tới các mục tiêu tiếp theo trong năm 2024 như vòng loại World Cup 2026 và vòng chung kết U23 châu Á. Đội tuyển đang tìm kiếm những nhân tố phù hợp nên chiến lược đào tạo bóng đá trẻ là cần thiết”, bình luận viên Thanh Tùng nhận định.

Vẫn biết bóng đá Việt Nam chưa thể xây dựng bộ khung xoay quanh những ngôi sao và dựa vào khả năng tỏa sáng cá nhân của họ. Việc lựa chọn các cầu thủ trẻ sẵn sàng chấp nhận hy sinh cái tôi cho triết lý chung là phương án khả thi hơn. Song, thầy Troussier cần tỉnh táo và sáng suốt hơn trong những quyết định dùng người ở những trận cầu có ý nghĩa then chốt sắp tới.

Không thể quên nền móng V-League

“Tôi xin nhận trách nhiệm về thành tích thi đấu cũng như những sai lầm của học trò. Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng chiến thuật và tôi đã nhìn thấy điểm mạnh của cầu thủ. Họ cho thấy sự trưởng thành và kỷ luật hằng ngày. Tôi chỉ cần học trò tin mình, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vững tin, tôi sẽ nỗ lực hết sức để giúp đội bóng", Huấn luyện viên Troussier nhấn mạnh sau trận thua Iraq tại Asian Cup.

Dù chiến lược gia người Pháp thẳng thắn nhận trách nhiệm và khẳng định sẽ gấp rút chấn chỉnh trong thời gian tới. Song, muốn đội tuyển quốc gia thi đấu khởi sắc hơn, mỗi cá nhân trên tuyển cần phải được đào tạo và rèn luyện không ngừng mỗi ngày trong môi trường câu lạc bộ. Đây là yêu cầu bắt buộc với bóng đá nước nhà nhằm tiếp sức cho mục tiêu chung.

Muốn lối chơi của đội tuyển nhanh chóng tiến bộ, thầy Troussier cần sự giúp đỡ của các câu lạc bộ V-League. (Ảnh: VFF)

Muốn lối chơi của đội tuyển nhanh chóng tiến bộ, thầy Troussier cần sự giúp đỡ của các câu lạc bộ V-League. (Ảnh: VFF)

Như chia sẻ của bình luận viên Quang Huy, nếu các câu lạc bộ V-League tiếp thu lối chơi kiểm soát bóng, các cầu thủ sẽ được rèn kỹ về chuyên môn, khi tập trung ở đội tuyển sẽ không mất thời gian thích nghi lại từ đầu. Việc sớm đạt được sự đồng nhất lối chơi giữa câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia là hướng phát triển tốt nhất.

Trước đây, các câu lạc bộ V-League thường sử dụng lối đá phòng ngự phản công, phất bóng dài cho tiền đạo ngoại phía trên. Phong cách này chủ yếu phục vụ bài toán thành tích hơn là cải thiện sức mạnh nội tại của các cầu thủ Việt. Do đó, thầy Troussier ưu tiên sử dụng lứa trẻ, một phần cũng vì khó có thể thay đổi nhanh chóng lối tư duy xưa cũ của nhiều ngôi sao.

Triết lý kiểm soát bóng không chỉ yêu cầu thay đổi từ nhận thức mà còn nhiệm vụ phải liên tục di chuyển khi không có bóng. Các cá nhân mỗi trận cần phải chạy từ 8-10km. Trong khi đó, phần lớn học trò của ông Troussier trên tuyển cũng chỉ có thể chơi bóng ở cường độ cao khoảng 60-70 phút.

Hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp chưa tạo điều kiện cho các cầu thủ Việt Nam ra sân ít nhất từ 40 đến 50 trận mỗi năm. Sự bất hợp lý này vốn tồn tại xuyên suốt từ các cấp độ trẻ cho tới các hạng đấu cao nhất đất nước. Nếu không được thường xuyên rèn luyện, rất khó để có thể giải quyết dứt điểm cả vấn đề về tư duy lẫn câu chuyện thể lực.

Thực tế, nhiều câu lạc bộ tại V-League đã thay đổi lối đá so với trước đây. Nếu không tính những tập thể thi đấu nhuần nhuyễn lối chơi kiểm soát bóng như Hà Nội hay Hoàng Anh Gia Lai, Hải Phòng và Thanh Hóa đang tỏa sáng với lối chơi bóng ngắn, ban bật nhịp nhàng, kết hợp sự di chuyển linh hoạt từng vị trí.

Hải Phòng (áo trắng) và Thanh Hóa là những đội bóng ở V-League hướng đến lối chơi kiểm soát bóng.

Hải Phòng (áo trắng) và Thanh Hóa là những đội bóng ở V-League hướng đến lối chơi kiểm soát bóng.

“Sẽ rất khó để các đội bóng đồng loạt thay đổi thói quen đá bóng dài, nhưng nếu không cải thiện, các cầu thủ sẽ lúng túng khi lên tuyển”, Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn khẳng định.

Như nhận định của Huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm, bên cạnh các yêu cầu về kỹ thuật và tư duy của cầu thủ, các đội bóng cũng cần nghiêm túc cải thiện chất lượng mặt sân theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).

Tiếp theo, hệ thống các giải đấu quốc nội cần chú trọng cải thiện hành vi của từng cầu thủ. Các đội bóng phải nghiêm túc đào tạo và giáo dục học viên của mình. Các trọng tài phải xử lý mạnh tay hơn, dưới sự trợ giúp của công nghệ VAR.

Thống kê mới nhất của trang ASEAN FOOTBALL cho thấy, 14 trận thi đấu chính thức có sử dụng VAR, đội tuyển Việt Nam chỉ thắng một, hòa một và thua tới 12 lần. Chúng ta cũng phải nhận đến bảy quả phạt đền. Tại Asian Cup vừa qua, chúng ta bị thổi phạt đền ba lần và nhận tới hai thẻ đỏ.

Việc đội tuyển để xảy ra nhiều lỗi không đáng có dẫn đến thẻ đỏ hoặc phạt đền khiến VFF phải lên kế hoạch đào tạo lại để tất cả nắm rõ hơn những quy định khi thi đấu có VAR. Liên đoàn hy vọng nỗ lực này sẽ tạo ra những thay đổi tích cực.

Thanh Bình kéo áo cầu thủ Indonesia trong vòng cấm. (Ảnh: Gettys)

Thanh Bình kéo áo cầu thủ Indonesia trong vòng cấm. (Ảnh: Gettys)

Nếu đánh giá một cách xác đáng nhất, Đội tuyển Việt Nam là tập thể yếu nhất bảng bởi đối thủ trong khu vực - Indonesia đã nhập tịch tới tám người và năm gương mặt khác sẽ gia nhập đội hình trước hai trận ở vòng loại World Cup 2026 tới đây.

Thầy Troussier cần nhanh chóng ổn định lại bộ khung với những cá nhân ưu tú nhất. Đồng thời, các câu lạc bộ tại V-League cũng phải có kế hoạch sử dụng và giữ chân các ngôi sao để bảo toàn lực lượng cũng như cung cấp sức mạnh cho đội tuyển. Chúng ta phải chuẩn bị các biện pháp đối phó, đồng thời cởi bỏ áp lực tâm lý, cũng như thúc đẩy sự tự tin trước cuộc chạm trán Indonesia vào tháng 3 tới đây.

Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi khẳng định: VFF đánh giá màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam có nhiều điểm sáng, như cách cầu thủ tự tin chơi bóng theo ý đồ chiến thuật của ông Troussier và ghi bàn vào lưới Nhật Bản, Iraq một cách rất chủ động. Liên đoàn sẽ luôn tôn trọng cũng như tạo điều kiện tốt nhất để huấn luyện viên Troussier yên tâm làm việc.

Chiến lược gia người Pháp và ngay cả các cầu thủ cũng cần lạc quan hơn, VFF và người hâm mộ bóng đá Việt Nam luôn đồng hành và tin tưởng vào khả năng vượt khó của đội tuyển.

Theo MINH PHÚ (Báo Nhân Dân)