Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV:

Kiến nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa

10/05/2025 - 15:21

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 10/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, nhiều đại biểu cho ý kiến về quy định công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa.

Chú thích ảnh

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại Hội trường, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho biết hiện có khoảng 20 Hiệp hội đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên và VCCI đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để phân tích, đánh giá và làm rõ tác động của qui định này đến hiệu quả quản lý và họ đều có chung kiến nghị bãi bỏ qui định về công bố hợp quy trong Dự thảo Luật. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu đề xuất bỏ quy định này.

Đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh, khi có quá nhiều ý kiến phản ánh về những bất cập, phiền hà, lãng phí từ thực tiễn áp dụng pháp luật, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm thế giới không có quốc gia nào áp dụng quy định này thì chúng ta cần nghiêm túc tiếp thu, đánh giá khách quan đầy đủ và toàn diện trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng... Đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân mà Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành.

Phân tích và chỉ ra hàng loạt bất cập của quy định này, đại biểu cho rằng, quy định về công bố hợp quy hiện nay chỉ là thủ tục mang tính hình thức, chồng chéo và không cần thiết. Các sản phẩm nhóm 2 - vốn là hàng hóa sản xuất kinh doanh có điều kiện - đã được đánh giá và cấp chứng nhận đầy đủ theo tiêu chuẩn pháp luật hoặc hệ thống quốc tế như ISO, HACCP, GMP… Khi đã đạt các tiêu chuẩn này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã được đảm bảo về điều kiện vật chất, nhân lực và quy trình kiểm soát chất lượng.

“Việc buộc doanh nghiệp lặp lại toàn bộ quy trình kiểm tra, lấy mẫu và đánh giá để công bố hợp quy - chỉ nhằm “xác nhận lại những gì đã được xác nhận” - quả là vô lý và lãng phí” – đại biểu phân tích.

Hơn nữa quy định công bố hợp quy hiện nay chỉ tập trung vào kiểm soát các hoạt động đơn lẻ thông qua một mẫu mà doanh nghiệp mang đi kiểm nghiệm. Điều này dẫn đến doanh nghiệp có thể đối phó bằng cách làm mẫu tốt để kiểm nghiệm, sản xuất đại trà thì lại không tốt. Như vậy, dù đã có công bố hợp quy thì sản phẩm vẫn có thể không đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, công bố hợp quy làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gia tăng chi phí, thời gian chờ đợi, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Theo đại biểu, chỉ để hoàn tất một thủ tục công bố hợp quy cho một sản phẩm, doanh nghiệp phải chi trả trung bình từ 3-5 triệu đồng, thậm chí có trường hợp lên tới 15-30 triệu đồng/sản phẩm. Điều đáng nói là thủ tục này phải tái thực hiện 3 năm một lần, tạo ra một chu kỳ lãng phí liên tục. Với một nhà máy có 300-500 sản phẩm, chi phí có thể đội lên tới 1,5-2 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi sản phẩm chỉ được công bố hợp quy cho duy nhất một nhà máy, đồng nghĩa với việc một doanh nghiệp có nhiều cơ sở sản xuất phải lặp đi lặp lại thủ tục vô lý này, gây lãng phí mang tính hệ thống.

Không chỉ tiêu tốn chi phí, công bố hợp quy còn làm chậm trễ chu trình sản xuất và phân phối, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, công bố hợp quy làm cản trở hoạt động xuất nhập khẩu và đi ngược lại các nguyên tắc thương mại quốc tế.

“Tại sao chúng ta phải tiếp tục duy trì một thủ tục gây lãng phí quy mô lớn và vô hình chung trở thành “giấy phép con trá hình” - trái ngược hoàn toàn với tinh thần cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi” – đại biểu Vân nhấn mạnh.
 
Cùng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, nên bãi bỏ thủ tục hợp quy vì không phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu giữ quy định này khiến Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đến nay còn duy trì loại thủ tục này. Nếu giữ loại thủ tục này, nguy cơ sẽ bị các đối tác thương mại nhìn nhận đây là hàng rào phi thuế quan.

Theo đại biểu, trong thực tế quy định này không có hiệu quả trong thực tế, nên áp dụng cách làm của thế giới hiện nay là để doanh nghiệp tự áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hoá của mình, còn nhà nước thì thông qua các công cụ giám sát của mình, tiến hành hậu kiểm nếu phát hiện sản phẩm, hàng hoá không đạt tiêu chuẩn.

Chú thích ảnh

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc khi đồng thời quy định về thủ tục công bố, chứng nhận hợp quy và thủ tục cấp giấy phép lưu hành hoặc số đăng ký đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật chuyên ngành.

Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một quy chuẩn kỹ thuật thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật (điểm a khoản 3 Điều 26a).

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy và thể hiện như tại Điều 69a dự thảo Luật. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời hai thủ tục công bố hợp quy theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu, biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành.

Ông Lê Quang Huy cũng cho biết, có ý kiến cho rằng việc thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa trong nhiều trường hợp bị lặp lại, gây tốn kém chi phí, tăng thời gian cho doanh nghiệp, làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu.

“Tiếp thu ý kiến nêu trên, tại Điều 48 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về công bố hợp quy được dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật để hạn chế việc phải thực hiện thử nghiệm, chứng nhận lặp lại, gây tốn kém cho doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết.

Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau, cho phép được thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp thông lệ quốc tế và cam kết FTA thế hệ mới (Điều 57 dự thảo Luật). Việc quy định như vậy không làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu.

Theo XUÂN TÙNG (TTXVN)