Kiên quyết đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

30/06/2023 - 06:05

 - Công tác phòng, chống tham nhũng trong bất cứ thời đại nào cũng mang mục đích đảm bảo sự tồn vong của chế độ, giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với giai cấp cầm quyền. Thời gian qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng được Đảng kiên quyết, kiên trì thực hiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn không ngừng sử dụng các chiêu trò, luận điệu xuyên tạc về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta.

Âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

Nhận thức được tác hại của tham nhũng, lãng phí, ngay từ khi vừa mới giành được chính quyền, Đảng ta xác định tham nhũng, lãng phí chính là kẻ thù nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm nên phải kiên quyết loại bỏ. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Từ đó đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Trung ương lãnh, chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, tạo sự ủng hộ, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tham nhũng, tiêu cực từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

Tuy nhiên, khi Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong Đảng và hệ thống chính trị thì các phần tử phản động, cơ hội, các thế lực thù địch lại lợi dụng, xuyên tạc, phủ nhận thành quả công tác phòng, chống tham nhũng, xuyên tạc đường lối, chủ trương về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, nhà nước với nhiều “chiêu trò”, thủ đoạn. Chúng quy chụp, ngụy biện rằng, chế độ một Đảng là nguyên nhân gây ra tham nhũng. Với những suy luận thiếu logic, phi khoa học như: “Một Đảng lãnh đạo sẽ không có dân chủ trong kiểm soát quyền lực”, “chỉ có tam quyền phân lập mới có thể chống được tham nhũng”… Chúng cho rằng Đảng ta sẽ không thể chống được tham nhũng vì tham nhũng là “căn bệnh nan y” xuất phát từ Đảng.

Thậm chí, chúng xuyên tạc, bịa đặt rằng, “chống tham nhũng chỉ là cái cớ được dựng lên, thực chất Đảng Cộng sản Việt Nam đang thanh trừng phe cánh, đấu đá nội bộ”. Tinh vi và xảo quyệt hơn, các thế lực thù địch sử dụng chính kết quả đấu tranh, xử lý tham nhũng của Đảng ta để chống phá công cuộc phòng, chống tham nhũng. Khi chúng ta xử lý kỷ luật cán bộ liên quan đến tham nhũng, chưa xử lý hình sự thì chúng xuyên tạc rằng đây là “bao che, dung túng”, “là đảng viên nên được kỷ luật mềm”… Đến khi chúng ta xử lý hình sự, đưa công khai trên các trang thông tin đại chúng thì chúng xuyên tạc, cho rằng đây là “thành quả”, “công lao” của chúng khi góp phần tạo nên “tiếng nói dân chủ” giúp cho “bộ máy công quyền Việt Nam” trong sạch hơn. Ngoài ra, việc mạnh tay trong xử lý tham nhũng, bóc trần những đại án có cả những cán bộ cấp cao, chúng xuyên tạc rằng, “càng chống tham nhũng, càng nhiều tham quan”.

Có thể khẳng định, đây là những luận điệu sai trái, nguy hiểm nhằm chống phá quyết tâm của Đảng, nhà nước và nhân dân ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội.

Kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng

Đảng ta xác định công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài và phải được triển khai thường xuyên, liên tục. Do đó, thời gian qua, việc xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có dính líu đến các vụ án tham nhũng không chỉ là để trừng phạt hành vi sai trái của họ, mà còn là để đánh giá, cải cách hệ thống chính trị, giúp cho Chính phủ hoạt động tốt hơn, cải thiện hành vi của người quản lý và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Việc chống tham nhũng không phải là một cuộc “đàn áp”, mà là một nỗ lực chung của toàn xã hội, bảo vệ tài sản công và đảm bảo sự công khai, minh bạch của các tổ chức, cá nhân. Những luận điệu như “Làm nhiều, sai nhiều. Làm ít, sai ít. Không làm, không sai” chỉ thể hiện sự tiêu cực và thiếu trách nhiệm của những người đang sử dụng chúng. Chúng ta đang phòng, chống tham nhũng nghiêm túc, tạo ra một môi trường làm việc công bằng, minh bạch và đầy đủ trách nhiệm, để khuyến khích sự cống hiến của các cán bộ, đảng viên. Do đó, chúng ta không thể để các thế lực thù địch đưa ra các luận điệu để hướng lái nới lỏng công tác phòng, chống tham nhũng. Cần phải duy trì một sự nghiêm khắc trong việc phòng, chống tham nhũng và đảm bảo cán bộ, đảng viên có trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống tham nhũng.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng và kiên quyết đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc, mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị. Đồng thời, nhận thức sâu sắc: Đảng ta đã nhận diện ngày càng rõ ràng hơn về tham nhũng, tiêu cực và vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng đã lãnh đạo từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực nhà nước. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phải huy động sức mạnh và tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục, bền bỉ, không ngừng, nghỉ. Trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách. Cùng với đó, chủ động điều tra, xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai để “không dám” tham nhũng, tiêu cực.

Thực tiễn cho thấy, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 10 năm qua (2012 - 2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên; qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể và cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 12/2022, đã xử lý kỷ luật 67 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Kết quả này cho thấy, nhiều cấp ủy Đảng, địa phương thực hiện đúng tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Các cấp, ngành phải “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” để cùng Trung ương thực hiện có chất lượng, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Với những kết quả thực tiễn trên là minh chứng thuyết phục, đập tan luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch khi cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là “đấu đá nội bộ, phe cánh”. Đồng thời khẳng định, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta là đúng đắn, kịp thời, hiệu quả.

 HẠNH CHÂU