Kinh doanh trực tuyến “lên ngôi” mùa dịch bệnh

20/03/2020 - 06:41

 - Dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, sự phát triển kinh tế -xã hội mà còn làm “thay đổi” thói quen mua sắm của người tiêu dùng, từ trực tiếp sang trực tuyến. Nhiều người tiêu dùng thay vì phải ra chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích để mua sắm nay đã chọn phương thức mua sắm trực tuyến (online) để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho chính bản thân mình và gia đình.

Trong những ngày dịch bệnh Covid-19, nhiều người dân hạn chế ra đường để phòng tránh lây nhiễm bệnh cho bản thân mình và người thân. Đó cũng là lý do nhiều quán ăn, tiệm cà phê, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… trở nên vắng vẻ lạ thường.

Để thích ứng với điều kiện hiện nay, rất nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê, quần áo… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua các trang mạng xã hội facebook, zalo… với nhiều ưu đãi và đặc biệt giao hàng tận nơi.

Ngoài ra, nhiều người còn tích cực mở các gian hàng trên các trang thương mại điện tử được nhiều người tiêu dùng biết đến, như: Lazada, Sendo, Shopee, Tiki...

Người tiêu dùng chỉ cần ngồi ở nhà với điện thoại thông minh (smartphone) hay chiếc máy tính có kết nối internet là có thể “đi chợ” thoải mái, khỏi lo dịch bệnh.

Bởi, hình thức mua sắm trực tuyến này đã đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng, hạn chế ra khỏi nhà mà vẫn mua được những mặt hàng cần dùng.

Việc chuyển đổi phương thức kinh doanh này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực và cũng là sự “chuyển mình” của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhằm “vượt” qua những khó khăn trước mắt do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Kinh doanh online lên ngôi mùa dịch bệnh

Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) cho biết, việc mua sắm online không phải quá xa lạ với người dân nhưng có lẽ đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn trong thời buổi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Hơn 1 tháng nay, chị cũng dần cắt giảm số lần trực tiếp đến chợ hay siêu thị để mua sắm, thay vào đó chị Dung chọn mua sắm online trên các trang mạng xã hội facebook, trang thương mại điện tử hay gọi điện thoại giao hàng…

“Ở đây, chính quyền địa phương rất chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân. Đến nay, An Giang chưa phát hiện trường hợp bị bệnh liên quan đến dịch bệnh Covid-19 nhưng tôi vẫn phải cẩn thận để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình một cách tốt nhất, nên hạn chế ra đường và mua sắm online là giải pháp cần thiết” - chị Mỹ Dung chia sẻ.

Các shipper làn việc vất vả, với số lượng hàng giao ngày càng nhiều

Nắm bắt xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, nhiều trang thương mại điện tử, như: Lazada, Sendo, Shopee, Tiki… triển khai nhiều chương trình khuyến mại lớn nhằm thu hút khách hàng.

Bên cạnh các mặt hàng được xem là truyền thống là điện tử, điện máy thì các mặt hàng khác, như: lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày cũng được trưng bày, bố trí ở ngoài trang chủ, với những vị trí dễ nhìn, nhằm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu mua sắm online của người dân.

Hàng hóa dồi dào, nên không cần tích trữ nhưng vấn đề chất lượng sản phẩm được người dân quan tâm nhất.

Chị Thu Trang (ngụ TP. Long Xuyên) cho biết, một số mặt hàng thực phẩm, chất lượng hàng hóa bán online vẫn chưa thật sự được kiểm soát chặt chẽ, người tiêu dùng vẫn chưa thật sự an tâm.

Do không cầm nắm, xem trực tiếp sản phẩm được nên nếu không chọn cửa hàng hoặc gian hàng uy tín, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng cận hạn sử dụng hay bao bì sản phẩm bị móp méo, thậm chí chất lượng không như quảng cáo.

"Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm từ các gói hàng giao online vẫn có. Vì vậy khi nhận hàng hóa, tôi vẫn khử trùng, vệ sinh tay khi mở các gói hàng cho an toàn" - chị Thu Trang chia sẻ thêm.

Các mặt hàng được bày bán trên trang mạng xã hội facebook

Chị Lệ Hằng (chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên đường Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cho biết, từ hơn 1 tháng nay, việc kinh doanh của cửa hàng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn rất nhiều.

Nếu như những năm trước, vào thời điểm này, nhiều người đến mua sắm quần áo để đi du lịch thì năm nay lượng khách đến cửa hàng giảm trên 50%.

“Mặc dù lượng khách đến trược tiếp cửa hàng mua sắm giảm nhưng những ngày qua, số lượng đơn hàng đặt mua qua mạng hay gọi điện giao tận nơi đã tăng rõ rệt. Để kiếm thêm thu nhập, tôi phải tăng cường giới thiệu các sản phẩm trên facebook, zalo và thường xuyên tư vấn, trả lời những thắc mắc của khách hàng…” - chị Hằng chia sẻ.

Bài, ảnh: KHÁNH MY

 

Liên kết hữu ích