Kinh lá buông là tài sản vô giá của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

11/05/2023 - 15:27

 - Ngày 11/5, tại chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể kinh lá buông”.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người nắm giữ kỹ thuật viết chữ Pali và chữ Khmer trên lá buông chia sẻ tại hội thảo

Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo

Tham dự hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu, chuyên gia đều khẳng định, kinh lá buông chứa đựng nội dung giáo lý của Phật giáo, triết học, kinh nghiệm sống, văn thơ, những mẫu truyện dân gian đúc kết lại; phản ánh nhiều khía cạnh về cuộc sống văn hóa, xã hội của người Khmer.

Đây là tài sản vô giá, chứa đựng giá trị về văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, được truyền từ đời này sang đời khác.

TS Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trải qua thời gian dài, những bản kinh lá buông có từ xa xưa đang dần bị hư hại. Trong khi đó, những nghệ nhân chế tác kinh lá buông không còn nhiều; những kỹ thuật xử lý nguyên vật liệu và khắc chữ trên lá buông đã dần mai một.

Do vậy, cần nghiên cứu về các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy kỹ thuật chế tác, khắc chữ trên lá buông cũng như giữ gìn các bản kinh lá buông đã có. Đồng thời, đưa kinh lá buông vào các kho tàng, công trình nghiên cứu quốc tế; đưa kinh lá buông của Việt Nam vào bản đồ các nghiên cứu về sách viết lá trên thế giới.

NGÔ CHUẨN