Khi đâm vào Trái đất cách nay 66 triệu năm về trước, tiểu hành tinh Chicxulub đã gần như tiêu diệt toàn bộ những con khủng long đang thống trị bề mặt hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên nó lại không thể làm được điều tương tự với loài gián - những chú “tiểu cường” đặc biệt, đã sống sót từ thời điểm đó cho đến tận bây giờ.
Thời điểm va chạm với Trái đất, Chicxulub đã gây ra vụ nổ lớn, châm ngòi cho hàng loạt trận động đất và khiến các núi lửa hoạt động. 3/4 các loài động, thực vật đang tồn tại lúc đó đều bị xóa sổ, trừ những loài vốn là tổ tiên của các giống chim bây giờ.
Vì thế, đã có nhiều câu hỏi rằng tại sao một sinh vật nhỏ bé, yếu ớt như gián lại sống sót, trong khi những kẻ thống trị muôn loài như khủng long bạo chúa Tyrannosaurus thì không thể.
Quá trình nghiên cứu, người ta mới thấy rằng hóa ra, những chú gián sở hữu các đặc điểm trời phú để sống sót qua các đại thảm họa. Gián là một sinh vật có thân hình mỏng dẹt và đây không phải là điểm ngẫu nhiên. Việc sở hữu cơ thể như vậy giúp chúng dễ luồn lách vào các khe hở và trốn thoát khỏi những kẻ săn mồi, hay trong trường hợp cụ thể này là tác động kinh khủng mà cú va chạm tạo ra.
Khi tiểu hành tinh Chicxulub đâm xuống địa cầu, nó đã gây ra vô vàn hậu quả. Trước tiên, cú va chạm tạo ra một vụ nổ lớn, đẩy nhiệt độ trong bầu khí quyển tăng lên cực nhanh. Trong khi các loài vật bình thường không có chỗ nào để trốn đi và đối mặt với nguy cơ chết cháy, các “tiểu cường” vẫn có thể chui vào những khe nứt dưới mặt đất để tránh nóng.
Chưa hết, không khí thời điểm đó còn ngập tràn tro bụi do vụ va chạm gây ra. Lớp bụi dày đặc khiến ánh sáng Mặt trời không thể chiếu xuống mặt đất, khiến nhiệt độ bề mặt giảm đi nhanh chóng.
Điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt khiến cho nhiều loài thực vật không thể tồn tại. Cái chết của chúng đã gián tiếp gây ra sự diệt vong của những sinh vật sống dựa vào quần thể thực vật, vì thiếu thức ăn. Tuy nhiên, với những chú gián thì mọi chuyện lại dễ dàng hơn nhiều. Chúng là loài ăn tạp nên có thể ăn hầu hết mọi thứ, từ động vật đến thực vật, thậm chí cả chất thải. Việc có những lợi thế trên đã giúp chúng sống sót qua nhiều thảm họa, suốt từ thiên thạch Chicxulub đến tận bây giờ.
Cuối cùng, còn một đặc điểm nữa giúp chúng không bị tuyệt chủng: những bọc trứng chắc chắn, vững vàng, đảm bảo một thế hệ gián con tiếp tục sinh sôi nảy nở trên mặt đất. Những bọc trứng này có cơ chế hoạt động như một chiếc ốp điện thoại, được cấu tạo để bảo vệ phần bên trong trước các va chạm mạnh, hoặc các điều kiện môi trường khắc nghiệt như lũ lụt hoặc hạn hán.
Với việc mỗi bọc trứng có thể cho ra tới 50 con gián non, những “chiến binh” bé nhỏ này đủ khả năng tồn tại suốt nhiều thế hệ, cho tới tận thời hiện đại. Chúng có thể sống sót ở những nơi có khí hậu nhiệt đới khô nóng hay cả những nơi lạnh nhất trên thế giới.
Theo ước tính của các nhà khoa học, trên thế giới đang có khoảng 4.000 loài gián khác nhau. Một số trong những loài này rất ưa thích việc sống cùng con người và nhanh chóng trở thành loài gây hại.
Cần biết rằng một khi gián đã định cư trong một tòa nhà, rất khó để loại bỏ hoàn toàn loài côn trùng này. Và khi gián tích tụ thành số lượng lớn, ở những môi trường mất vệ sinh, chúng có thể lây lan bệnh tật. Mối đe dọa lớn nhất mà gián gây ra cho sức khỏe con người là chúng tiết ra các chất dị ứng gây hen suyễn.
Gián là một loài động vật gây hại khó kiểm soát, vì chúng có thể kháng lại nhiều loại thuốc trừ sâu hóa học và vì các đặc điểm tự nhiên nêu trên, yếu tố đã khiến chúng sống dai hơn nhiều loài khủng long. Tuy nhiên, gián không chỉ là một loài gây hại cần phải kiểm soát. Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang tìm hiểu cấu tạo cơ thể cùng cách chúng di chuyển, để có những thông tin và ý tưởng chế tạo robot tốt hơn.