Kinh tế hợp tác là con đường tất yếu để nông dân phát triển, làm giàu

27/09/2022 - 05:25

 - Trong bối cảnh toàn cầu hóa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh thì kinh tế hộ với tính chất sản xuất mang tính nhỏ lẻ, manh mún, hàng hóa làm ra phi tiêu chuẩn sẽ không còn chỗ đứng, không còn khả năng cạnh tranh và sẽ rất khó tồn tại.

Nhận thức được vấn đề trên, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã thông qua Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã đề ra cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho mô hình KTTT tiếp tục phát triển.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh An Giang Trần Văn Cứng cho biết, nghị quyết ra đời là tiền đề quan trọng để mô hình kinh tế hợp tác mà trọng tâm là HTX sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Bởi trước khi ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW, Trung ương đã tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.

Qua tổng kết cho thấy, trong 20 năm qua, khu vực KTTT nước ta đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức về phát triển KTTT, mà trọng tâm là HTX trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Chính sách, pháp luật về KTTT được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp trong từng giai đoạn phát triển. HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng về ngành nghề, quy mô, trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động.

Khuyến khích cơ sở, doanh nghiệp cùng ngành hàng làm ăn hợp tác

Đến ngày 31/12/2021, cả nước có trên 27.000 HTX, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001. Khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua từng năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, tương ứng tăng 61% so với năm 2013. Lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tăng 88% so với năm 2013.

Tại An Giang, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 255 HTX, liên hiệp HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực, trong đó có 244 HTX nông nghiệp và 2 liên hiệp HTX, số còn lại ở loại hình tín dụng, giao thông - vận tải. Ngoài HTX, toàn tỉnh hiện có 823 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thực tiễn đã chỉ ra rằng, kinh tế hợp tác là con đường tất yếu để nông dân cả nước nói chung, các ngành hàng, lĩnh vực khác nói riêng phát triển, làm giàu. Tất yếu là ở chỗ, khi đi vào con đường làm ăn hợp tác, nếu trên lĩnh vực sản xuất lúa, hoa màu, chỉ riêng việc thực hiện mô hình “mua chung, bán chung” nông dân đã đạt được rất nhiều cái lợi.

“Mình mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với số lượng nhiều thì HTX được đàm phán với nhà cung cấp, được hưởng chiết khấu cao, từ đó giảm được chi phí, giá thành trong sản xuất. Còn ở đầu ra, mình bán nông sản với số lượng lớn thì các doanh nghiệp thu mua sẽ tạo điều kiện thuận lợi như xác nhận chính xác thời gian thu hoạch, vận chuyển, thanh toán hay thời gian lưu kho, bảo quản nông sản. Tất cả mang lại hiệu quả rất cao, lợi nhuận rất lớn so với sản xuất tự phát. Bởi tự phát thì phải tự chịu trách nhiệm nếu sản xuất thua lỗ” - ông Nguyễn Hoàng Nam (thành viên HTX nông nghiệp Phú Thạnh, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân) chia sẻ.

HTX nông nghiệp Phú Thạnh nay đã trở thành lá cờ đầu trong phong trào kinh tế hợp tác của cả nước nhờ số lượng dịch vụ phục vụ thành viên liên tục tăng, hiệu quả mang lại sau mỗi mùa vụ rất lớn. Từ hiệu quả đó, các hộ có đất sản xuất xung quanh HTX đã tự nguyện xin tham gia HTX.

“Nếu là thành viên HTX, bà con được hưởng rất nhiều ưu đãi, sản xuất được thuận lợi hơn. Tùy vào mức độ sử dụng dịch vụ do HTX cung cấp, cuối vụ thành viên sẽ được chia lợi nhuận trên vốn góp, trên mức độ sử dụng dịch vụ, được dân chủ thảo luận, góp ý cho đường hướng làm ăn của HTX” - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba chia sẻ.

Xác định mô hình kinh tế hợp tác là con đường tất yếu để nông dân phát triển, làm giàu, Nghị quyết 20-NQ/TW đề ra 8 chính sách cụ thể để giúp phong trào kinh tế hợp tác trên địa bàn cả nước tiếp tục phát triển. Đối với chính sách phát triển nguồn nhân lực, nghị quyết đã đưa nội dung đào tạo về KTTT vào chương trình của một số trường đại học, giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên.

Hàng năm, dành chỉ tiêu cử cán bộ trẻ đi đào tạo chính quy về KTTT tại một số quốc gia có phong trào HTX phát triển. Chuẩn hóa các chức danh quản lý trong tổ chức KTTT (giám đốc, kế toán, kiểm soát). Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các cán bộ quản lý chưa đạt tiêu chuẩn chức danh vị trí đang đảm nhiệm. Các chính sách khác, như: Đất đai, tài chính, khoa học - công nghệ… được ban hành nhằm tạo điều kiện để kinh tế hợp tác phát triển.

Hy vọng với hàng loạt chính sách được đưa ra, phong trào kinh tế hợp tác trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh An Giang nói riêng sẽ tiếp tục phát triển, bởi đây là con đường tất yếu giúp nông dân phát triển, làm giàu.

MINH HIỂN