Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm được đánh giá là tích cực với dư địa tăng trưởng tập trung ở các lĩnh vực: Đầu tư công; khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; tín dụng “bơm” vào nền kinh tế, tăng trưởng tiêu dùng…
Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng
Theo số liệu của Cục Thống kê, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm đạt mức tăng trưởng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công… cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Đây là mức tăng trưởng tiệm cận kịch bản điều hành đã được cập nhật trong quý I/2025.
Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kết quả tích cực này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Ở góc độ sản xuất, có sự tăng trưởng đồng đều giữa các khu vực, loại hình kinh tế; trong đó, sản xuất công nghiệp và xây dựng là động lực đáng kể của tăng trưởng kinh tế với giá trị tăng thêm lần lượt là 8,07% và 9,62% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ thị trường như vận tải, kho bãi, lưu trú và ăn uống… cũng có mức tăng trưởng khá mạnh, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu và du lịch.
Từ góc độ sử dụng, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh cho các dự án hạ tầng trọng điểm. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhanh vào các dự án trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao đã góp phần gia tăng năng lực sản xuất tổng thể của nền kinh tế trong dài hạn và tạo ra năng lực mới cho nền kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu từ các thị trường quốc tế đối với hàng hóa Việt Nam vẫn khá cao thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 219 tỷ USD, tăng 14,4% trong nửa đầu năm. “Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cung, cầu đã tạo nên động lực tăng trưởng vững chắc cho kinh tế Việt Nam” - Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Điểm sáng tiếp theo trong bức tranh kinh tế là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,27%, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm 2024. Lãi suất cho vay giảm nhẹ, tăng trưởng tín dụng khởi sắc; thu ngân sách nhà nước tăng mạnh nhờ đà tăng tích cực của sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, một trong những yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm là Đảng và Nhà nước thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tiếp tục hoàn thiện thể chế, quyết liệt triển khai “Bộ tứ trụ cột”, mở ra nhiều cơ hội phát triển của nền kinh tế.
Tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư
Đóng góp ý kiến về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong ngắn hạn, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phối hợp hiệu quả trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ… Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thực hiện hiệu quả chủ trương đột phá thể chế, vận hành hiệu quả bộ máy, địa phương sau sáp nhập, tinh gọn; đẩy mạnh chống lãng phí, cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh là yếu tố rất quan trọng trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, cần chủ động, linh hoạt thích ứng với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ; triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng; nâng cao chất lượng tăng trưởng với giải pháp thành lập Ủy ban năng suất quốc gia, triển khai các chiến dịch về tăng năng suất.
Để phát huy hết tiềm năng của nền kinh tế, phát triển bền vững và tăng trưởng cao trong dài hạn, theo Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách và chiến lược phát triển Trung ương, Việt Nam cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; đồng thời, duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt; tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tăng tính minh bạch để thiết lập môi trường đầu tư minh bạch, an toàn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và liên kết vùng, để tăng năng suất và hiệu quả; thúc đẩy phát triển xanh, bảo vệ môi trường…
Đối với động lực đầu tư công, vốn kế hoạch năm 2025 Quốc hội giao là gần 830.000 tỷ đồng, ngoài ra còn có nguồn bố trí từ phần tăng thu ngân sách. Các bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân 100% vốn đầu tư công, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, cần quyết liệt tháo gỡ các nút thắt về thủ tục đầu tư, nguồn vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm quốc gia. Cục Thống kê nhận định, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được coi là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội mới và sử dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất, tăng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với nguồn lực từ bên ngoài, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài với kết quả thu hút vốn FDI đạt mức cao nhất kể từ năm 2009. Cục Thống kê cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ và các địa phương cần ưu tiên thu hút các dự án FDI có công nghệ cao, có khả năng kết nối, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng điểm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa chính sách để thu hút và nâng cao chất lượng vốn FDI.