Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng (NH) Nhà nước, cho biết đơn vị này cùng các NH thương mại đang tính toán để tham mưu Thống đốc NH Nhà nước ban hành Thông tư mới về cơ cấu thời hạn trả nợ. Mới đây, ngày 17/4, một số NH thương mại cũng đã họp với NH Nhà nước để thảo luận về việc cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp (DN).
Không đánh đồng khách hàng
Một lãnh đạo của NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) nêu quan điểm việc cơ cấu thời hạn trả nợ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động song không đánh đồng giữa các khách hàng. "DN nào có khả năng hồi phục trong tương lai thì NH mới dám cơ cấu thời hạn trả nợ. Khi NH Nhà nước có thông tư mới về cơ cấu nợ, các NH thương mại sẽ đồng loạt thực hiện" - lãnh đạo VietinBank cho hay.
Đang đau đầu vì chưa tìm được cách giải bài toán vốn, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Chế biến Xuất nhập khẩu Tam Nguyên, không khỏi vui mừng khi biết thông tin có thể sẽ được giãn nợ, không chuyển nhóm nợ. DN này vay vốn có tài sản thế chấp là đất nông nghiệp và đang khó xúc tiến hợp đồng vay mới do đa số NH không mặn mà với tài sản thế chấp là đất nông nghiệp ở tỉnh. "Nếu được hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ và vay thêm một phần vốn, chúng tôi sẽ ưu tiên mua nguyên liệu sản xuất, cải tiến máy móc, đẩy nhanh tiến độ đơn hàng và nhận thêm đơn hàng mới" - ông Quý cho hay.
Với tình hình sản xuất - kinh doanh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp mong muốn nhà nước hỗ trợ về cả chính sách tiền tệ lẫn chính sách tài khóa. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cần thiết có quy định về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho DN trong thời điểm này bởi DN đang rất khó khăn, không có khả năng trả nợ, có nguy cơ phải chuyển nhóm nợ xấu. "Nhìn nhận khách quan thì chính sách này hỗ trợ cho cả DN và NH thương mại trong bối cảnh các NH thương mại cũng đang gặp khó với nợ xấu có khả năng gia tăng từ hoạt động vay vốn của DN và điểm nghẽn trái phiếu tồn tại thời gian qua. Dù đây chỉ là giải pháp tình thế nhưng cùng với động thái giảm lãi suất cho vay, DN sẽ giảm bớt áp lực tài chính. Ngược lại, nếu chuyển nhóm nợ ngay sẽ gây tâm lý xấu cho thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung" - TS Nguyễn Hữu Huân phân tích.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM - kiến nghị chính sách giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ nên áp dụng cho tất cả DN thay vì đòi hỏi DN cần điều kiện để hưởng. Theo ông, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, DN nào cũng cần tiếp sức và những DN đang còn "thở", còn hoạt động cầm cự được mới cần hỗ trợ. "Giữ nguyên nhóm nợ cho DN cùng với gia hạn thuế GTGT sẽ tiếp thêm động lực cho DN" - ông Kỳ nhìn nhận.
Về thời hạn áp dụng việc giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ, ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị nên kéo dài đến hết quý I/2024 thay vì tới cuối năm 2023 nhằm hỗ trợ DN tập trung nguồn lực cho mùa kinh doanh Tết với nhu cầu vốn rất lớn.
Mong được hỗ trợ nhiều hơn
Bên cạnh chính sách tín dụng, các DN còn mong chờ hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay Bộ Tài chính coi xuất khẩu gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế do có một số DN gian lận kê khai thuế GTGT. Tuy nhiên, đại đa số DN làm ăn chân chính mong muốn được giãn nợ đến hạn từ 6-12 tháng và cần có gói tín dụng đặc thù từ NH Chính sách Xã hội để vay trả lương cho công nhân trong giai đoạn khó khăn của năm 2023.
Bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang, thông tin xuất khẩu cá tra trong quý I/2023 sụt giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng cao, lãi suất vẫn ở mức cao, khó tiếp cận tín dụng khiến DN phải bán sản phẩm với giá rẻ để xoay vòng vốn. "Bên cạnh mong muốn được khơi thông dòng vốn, giảm lãi vay, chúng tôi cần sớm có những biện pháp hỗ trợ khác như giảm thuế, giảm giá thuê đất, giá điện..." - bà Loan bày tỏ.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho hay cả nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng rất trông chờ tiếp tục được giảm 2% thuế GTGT để ổn định lại thị trường, thúc đẩy cung - cầu.
Ngày 18-4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý hồ sơ xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, VCCI thêm một lần nữa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Lý do bởi mặt hàng này đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, xăng không phải mặt hàng xa xỉ và là đầu vào thiết yếu của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ.
Giảm thuế GTGT sẽ kích cầu mạnh mẽ
Ông Đồng Minh Hồng, Giám đốc Công ty Dịch vụ Kế toán thuế DVL, nhận xét phương án giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%, dự kiến từ ngày 1-7 đến hết ngày 31-12, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho đầu ra của DN.
Ông Hồng phân tích: Với tình hình hiện tại, hầu hết DN đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa. Mặt khác, DN nào cũng phải sử dụng nguyên vật liệu, trả lương cho người lao động và đóng thuế cho ngân sách nhà nước. Do đó, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% sẽ vừa thể hiện sự bình đẳng vừa giúp kích cầu tiêu dùng đối với hàng hóa thiết yếu.
|
Theo Người lao động