Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Kuwait ở thủ đô Kuwait City. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn KUNA đưa tin “một sắc lệnh hoàng gia đã được ban hành để giải tán Quốc hội” được bầu vào tháng 6 năm ngoái theo đề xuất của Thủ tướng đã được Nội các phê duyệt.
Sắc lệnh hoàng gia này cáo buộc Quốc hội vi phạm Hiến pháp, bao gồm cả việc sử dụng ngôn ngữ “công kích và không phù hợp”. Thông báo này được đưa ra sau khi các bộ trưởng tẩy chay phiên họp Quốc hội ngày 14/2 để phản đối bài phát biểu của một nhà lập pháp chỉ trích Nội các và Quốc hội.
Kuwait - quốc gia nắm giữ 7% trữ lượng dầu mỏ của thế giới và là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), có Quốc hội quyền lực nhất trong vùng Vịnh. Tuy nhiên, cơ quan lập pháp này luôn trong tình trạng bế tắc về lập pháp do bất đồng với Nội các được bổ nhiệm. Kể từ khi Kuwait áp dụng hệ thống Nghị viện vào năm 1962, Quốc hội của quốc gia vùng Vịnh này đã bị giải tán khoảng chục lần và cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra trong năm ngoái là cuộc bầu cử thứ 7 chỉ trong hơn 10 năm.
Sự bế tắc chính trị này đã ngăn cản các nhà lập pháp thông qua các cải cách nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, trong khi thâm hụt ngân sách gia tăng và đầu tư nước ngoài thấp.
Trong bài phát biểu nhậm chức, tân Quốc vương Kuwait Sheikh Meshal Al Ahmed Al Sabah đã khiển trách Quốc hội và Nội các vì không thực hiện “nghĩa vụ quốc gia”, đồng thời cáo buộc hai cơ quan này làm tổn hại lợi ích của nhà nước và người dân.
Theo TTXVN