An Giang là tỉnh đồng bằng với 4 tuyến quốc lộ đường bộ dài trên 152km; 16 tuyến đường tỉnh dài trên 481km; 1.122 tuyến đường GT liên huyện, liên xã, GT nông thôn dài trên 4.221km và hơn 654km đường GT đô thị cùng 318 tuyến đường thủy có tổng chiều dài hơn 2.700km… Toàn tỉnh có 135 tuyến vận tải cố định; 143 bến khách ngang sông (10 bến phà) nên rất thuận lợi cho việc giao thương, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống GT trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, nhất là các tuyến đường tỉnh, huyện và GT nông thôn phần lớn chật hẹp, nhiều nơi đã xuống cấp chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
+Bên cạnh đó, một bộ phận người dân không đảm bảo đúng các quy tắc về ATGT khi tham gia GT; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để mua bán, kinh doanh diễn ra khá phổ biến, gây phức tạp tình hình trật tự công cộng tại địa phương… Đó chính là những yếu tố gây mất TTATGT và là nguyên nhân tiềm ẩn, trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Đồng thời, sự biến đổi của khí hậu; phá hủy tự nhiên do con người gây nên (khai thác cát trái phép, đánh bắt thủy sản, làm nhà, chất chà, vó…) là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia GT.
Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn theo đúng tinh thần, nội dung Chỉ thị số 18-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP; Chỉ thị số 20/CT-TTg cùng các văn bản có liên quan; Chương trình hành động số 20-Ctr/TU của Tỉnh ủy và chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức phổ biến, quán triệt để nâng cao nhận thức và hành động của tất cả cán bộ, đảng viên; đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong công tác bảo đảm TTATGT, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra hàng năm giảm từ 5-10% TNGT đường bộ lẫn đường thủy nội địa và giảm cao hơn nữa các tiêu chí về TNGT, không để xảy ra tình trạng ùn tắc GT trên địa bàn tỉnh trong các ngày cao điểm ở các đô thị và các điểm nóng.
Song song đó, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng GT đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm kết cấu hạ tầng GT; kịp thời phát hiện xử lý, khắc phục ngay các “điểm đen” TNGT…; củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý về TTATGT các cấp, xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trên lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ, đường thủy nội địa, coi đây là biện pháp quan trọng để giáo dục mọi người tự giác chấp hành quy định về ATGT của người tham gia GT. Xây dựng hệ thống camera giám sát, kiểm tra phát hiện xử lý các hành vi vi phạm TTATGT; kiên quyết chấm dứt tình trạng đua xe trái phép, phóng nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm cho người tham gia GT.
Phát huy hiệu quả hoạt động của các đội đặc nhiệm và vai trò của Công an xã trong việc tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT, đặc biệt là người điều khiển xe môtô, xe gắn máy trong tình trạng có rượu, bia. Xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý lòng, lề đường; kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia GT; mọi tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép đều phải bị xử lý nghiêm minh… Qua đó góp phần kiềm chế và kéo giảm TNGT; tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; GT được thuận lợi, thông suốt, phục vụ tốt cho việc đi lại của Nhân dân.
(Còn tiếp)
Lực lượng chức năng các cấp ra quân bảo đảm TTATGT
Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG