Xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”
“Từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất xem trọng công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nhất là phong cách làm việc phải khoa học, tránh quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, phải nâng cao đạo đức cách mạnh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, vì Đảng, vì nhân dân mà nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc… trở thành những “công bộc” tận tụy của nhân dân. Phải làm sao xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt “vừa hồng, vừa chuyên”. Bởi cán bộ là “cái gốc” của mọi công việc, cán bộ tốt, ngang tầm nhiệm vụ mới lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đưa tỉnh nhà phát triển”- Phó Bí thư Thường trực Võ Anh Kiệt nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, nề nếp gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… trong toàn hệ thống chính trị. Gắn nội dung học tập và làm theo Bác với thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và nhiệm vụ công tác thường xuyên để tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của tập thể và mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, giúp cán bộ, đảng viên phát huy được năng lực, sở trường mình, để tránh những hạn chế, sai sót, hoàn thành tốt công việc được giao.
Hội nghị thông tin chuyên đề về đạo đức công vụ của tỉnh.
Có mặt tại bộ phận “Một cửa” TP. Long Xuyên, chúng tôi nhận thấy một môi trường làm việc thân thiện giữa cán bộ và người dân, doanh nghiệp đến giao dịch nơi đây. Ông Trần Văn Hoài (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) nhận xét “So với thời gian trước, thái độ của cán bộ nơi đây đã có những chuyển biến tích cực. Họ hướng dẫn chúng tôi rất tận tình, thái độ vui vẻ, hòa nhã, giải quyết công việc nhanh chóng, không mất thời gian, công sức đi lại nhiều lần”.
Mô hình “Bàn viết hộ thủ tục hành chính” phục vụ người dân
“Những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của An Giang đã tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2018 đã tăng 4 bậc so với năm 2017, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 6 khu vực ĐBSCL. Chỉ số cải cách hành chính Par Index xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố. Để đạt được kết quả trên đó là sự nỗ lực, tiến bộ của các cấp, các ngành, nhất là cán bộ, đảng viên thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã dần thay đổi phong cách làm việc, tận tụy với nhân dân trong thực thi công vụ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người. Mặt khác, trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, các bộ phận “Một cửa” của các địa phương, đơn vị và Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan kiên quyết xử lý, thay thế những công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc có thái độ giao tiếp với nhân dân, doanh nghiệp chưa phù hợp. Từ đó, đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phấn khởi cho biết.
Kiên quyết xử lý, thay thế những công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc có thái độ giao tiếp với nhân dân, doanh nghiệp chưa phù hợp
Thực tiễn chứng minh, để chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương thì rất cần có đội ngũ cán bộ có đức, có tài, tuyệt đối trung thành với Đảng, có năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện, liên hệ mật thiết với nhân dân, luôn gần dân, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân để thuyết phục nhân dân một cách có lý, có tình… để quy tụ được nhân dân, để đồng thuận, đóng góp công sức, của cải để xây dựng quê hương, đất nước.
An Giang là 1 trong 2 tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL xây dựng nông thôn mới thành công
Nhờ chăm lo tốt “cái gốc” của mọi công việc, Đảng bộ tỉnh đã “hái” được những “quả ngọt” qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, với 8/15 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện vượt và đạt ít nhất trên 70% kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ một tỉnh có đến 108/119 xã (trên 90%) đạt dưới 5 tiêu chí. Với ý chí, quyết tâm, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, đảng viên, cùng chung tay góp sức của nhân dân, đến nay, An Giang là 1 trong 2 tỉnh trong khu vực và tỉnh đầu tiên vùng ĐBSCL có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 54 xã nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí. |
“Thực hiện “công việc gốc” của Đảng
Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Hồng Yến: “Công tác cán bộ có vị trí “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, thời gian qua, cấp ủy, nhất là người đứng đầu các cấp trong tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt, tập trung đầu tư cả tâm lực, trí lực và tài lực cho công tác cán bộ. Nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, công tác cán bộ của tỉnh được thực hiện một cách bài bản, khoa học, tỉ mỉ, cẩn trọng với trách nhiệm cao nhất. Nhờ đó, công tác tổ chức cán bộ của tỉnh có bước đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng”.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Quy định 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp”, Quy định số 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, hướng dẫn, quy định nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai và thực hiện ở địa phương.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến một số chủ trương cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII)
Theo đó, trong thực hiện công tác cán bộ đã có những đổi mới, giữ vững và thực hiện quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Công tác cán bộ được đặt trong mối quan hệ toàn diện, phát triển không định kiến nhằm hiểu biết, đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn, huấn luyện, dùng cán bộ sát thực tiễn, phù hợp yêu cầu; thực hiện chính sách cán bộ đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, hướng dẫn của Trung ương. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tổ chức để quần chúng tham gia góp ý vào công tác cán bộ, nhất là ở cơ sở…
Để có đội ngũ cán bộ tốt, trong quá trình thực hiện công tác cán bộ được triển khai bài bản, có kế hoạch, lộ trình nhằm đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ các cấp theo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn, chức danh quy định. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải có trí tuệ, năng lực tư duy khoa học, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; có phong cách quần chúng, gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân… Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện công tác cán bộ thường xuyên trên 600 trường hợp thuộc diện quản lý.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thực hiện công tác cán bộ trên 600 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý
Thực hiện phân cấp quản lý cán bộ gắn với quy trình công tác cán bộ đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch. Tập trung khắc phục tình trạng cục bộ, hẫng hụt cán bộ; củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Công tác đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm đi vào nền nếp. Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên được nâng lên và ngày càng đi vào thực chất tổ chức cơ sở Đảng được xếp loại trong sạch vững mạnh đạt gần 80%, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 90% trở lên.
Song song đó, tỉnh rất chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị cho cán bộ. Tăng cường đào tạo sau đại học và bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ đương chức và thuộc diện quy hoạch. Đến nay, toàn tỉnh có 4 Phó Giáo sư, 83 tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa II, gần 1.400 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có trên 9.200 lượt cán bộ được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức (đạt 66,5%).
Chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị cho cán bộ
Hiện công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đang được các cấp ủy khẩn trương thực hiện. Ban Tổ chức cấp ủy đã tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy rà soát nguồn quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhằm tập trung phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có năng lực, uy tín để chuẩn bị xây dựng phương án nhân sự nhiệm kỳ tới. Chủ động bổ sung, kiện toàn Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện (nhiệm kỳ 2015-2020) và hoàn chỉnh quy hoạch nhân sự (nhiệm kỳ 2020-2025), cơ bản đảm bảo về số lượng, trình độ, đáp ứng tiêu chuẩn quy định (tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ được quy hoạch nhiều hơn so với nhiệm kỳ trước).
Kết hợp hài hòa giữa chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bộ máy vừa tinh, vừa gọn
Để đổi mới phương thức, phong cách, tác phong công tác và nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động thành lập Ban soạn thảo xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh”.
Đoàn Kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Tỉnh ủy An Giang về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 26 và Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Trên tinh thần: “Những vấn đề gì đã rõ thì thực hiện ngay, những việc mới thì cho chủ trương thí điểm, rút kinh nghiệm nếu phù hợp thì nhân rộng, không cầu toàn, không nóng vội”, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của tỉnh bước đầu đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, cấp tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ tỉnh. Tiến hành sắp xếp tổ chức lại bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy (Văn phòng Tỉnh ủy từ 6 phòng còn 4 phòng; Ban Tuyên giáo từ 6 phòng còn 4 phòng; Ban Tổ chức từ 5 phòng còn 4 phòng...). Đầu năm 2019, đã hợp nhất Đảng bộ Khối Dân chính Đảng và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.
Cấp huyện, mô hình “Bí thư cấp ủy, đồng thời là Chủ tịch UBND” đã triển khai thực hiện ở 4/11 huyện, thị xã, thành phố; hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cùng cấp. 11/11 địa phương thực hiện mô hình Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị. 5/11 địa phương thực hiện Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ. 2/11 địa phương thực hiện mô hình Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ. 1/11 địa phương thực hiện mô hình Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đồng thời là Chánh Thanh tra.
Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, 11/11 địa phương trong tỉnh sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng và Bệnh viện Đa khoa cấp huyện thành Trung tâm Y tế; Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể dục - Thể thao cấp huyện thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao.
Hiện toàn tỉnh có 125/156 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình “Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã”. Mô hình “Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khóm/ấp” đã triển khai thực hiện thành công ở 888/888 khóm/ấp trên địa bàn tỉnh (đạt 100%).
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh đã tiến hành hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế và thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 882 đơn vị sự nghiệp công lập đã sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất (giảm 70 đơn vị sự nghiệp so với năm 2015).
Nhìn chung, trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy, các cấp ủy đã phân công, bố trí cán bộ phù hợp, gắn kết chặt chẽ với củng cố, kiện toàn cấp ủy và tổ chức Đảng ở cơ sở; các đơn vị sau khi sắp xếp hợp nhất đã giảm cấp phó và biên chế theo đúng lộ trình. Qua sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, khắc phục dần tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị được đồng bộ, thống nhất, hiệu quả hơn do không còn khâu trung gian và tập trung được nguồn lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ. - đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 26 gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) của Tỉnh ủy An Giang. |
THU THẢO