Quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm
Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Để kịp thời chỉnh đốn Đảng, sửa chữa những khuyết điểm, đồng thời giáo dục đạo đức cách mạng, rèn luyện tư cách, lối làm việc cho cán bộ, đảng viên, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”.
“Kế thừa kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của các nhiệm kỳ trước, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội X Đảng bộ tỉnh đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xác định công tác kiểm tra, giám sát cần lựa chọn đúng, trúng những nhiệm vụ trọng tâm, những khâu, lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, còn tồn tại, hạn chế, dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm để kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, phải kết luận kịp thời, chính xác, khách quan sau kiểm tra, giám sát, với phương châm “lấy xây để chống, lấy chống để xây” nhằm ngăn ngừa vi phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên trong Đảng bộ tỉnh”- Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Văn Răng cho biết.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát những lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, còn tồn tại, hạn chế, dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm
Với tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, từ năm 2015 đến nay, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã kiểm tra, giám sát 4.713 tổ chức Đảng và trên 133.000 lượt đảng viên. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung việc lãnh đạo, chỉ đạo chấp hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch… của Đảng và của tỉnh về xây dựng nông thôn mới; phòng, chống tham nhũng; cải cách thủ tục hành chính; công tác cán bộ; việc kê khai tài sản, thu nhập; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Quy định 101, Quy định 08… Qua các cuộc kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ cấp ủy đã chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 14 tổ chức Đảng, 299 đảng viên. Đã kết luận và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời một số tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm, cụ thể: thi hành kỷ luật 208 đảng viên và 5 tổ chức Đảng. Tiến hành kiểm tra 201 tổ chức Đảng về thu, chi ngân sách và tài chính Đảng. Qua kết luận, hầu hết cấp ủy thực hiện tốt nhưng còn hạn chế trong công tác quản lý xăng xe, chi tiếp khách nhiều… Phát hiện 6 tổ chức Đảng và 8 đảng viên vi phạm, thu hồi số tiền trên 188 triệu đồng.
Một trong những vụ việc giữa năm 2019, được dư luận quan tâm là việc thi hành kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền đối với ông Trần Đặng Đức do liên quan đến những vi phạm trong quá trình giữ chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, từ năm 2013 - 2017, với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Đặng Đức đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, chủ quan, buông lỏng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành để xảy ra những vi phạm khuyết điểm, như: không tham mưu UBND tỉnh bổ sung quy định thời gian hoạt động khai thác cát đối với giấy phép đã cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Thái Bình; thực hiện quy định về kê khai, công khai tài thu nhập không đúng quy định; không trung thực trong giải trình về biến động tài sản, nguồn gốc tài sản…
Những sai phạm khuyết điểm của ông Trần Đặng Đức đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín cá nhân, tổ chức Đảng, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh, làm phát sinh đơn tố cáo gửi nhiều ngành, nhiều cấp và dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Sau khi bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, chính quyền, Tỉnh ủy suy xét thấu đáo, cân nhắc trong việc luân chuyển ông Trần Đặng Đức...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Văn Răng: “Triệt để, nghiêm minh trong xử lý kỷ luật tập thể, đảng viên vi phạm thời gian qua đã được đảng viên, nhân dân đồng thuận cao, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân tỉnh nhà. Đây là một bước đột phá lớn trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí của tỉnh trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)”.
“Thanh lọc”, làm trong sạch nội bộ
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ, trực tiếp là Thường trực Tỉnh ủy đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan pháp luật sớm kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đoàn thể cũng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị.
Khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Lưu Vĩnh Nguyên cho biết: “Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, bài bản, nền nếp, có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, theo nguyên tắc làm bước nào chắc bước đó, dễ trước, khó sau, rõ đến đâu xử lý đến đó, kỷ luật Đảng trước, kỷ luật hành chính, hình sự sau. Các bước, các khâu làm chặt chẽ, các cơ quan chức năng phối hợp nhịp nhàng, theo đúng chức năng nhiệm vụ, đúng vai. Sự phối hợp giữa các cơ quan, nhất là giữa Ủy ban Kiểm tra các cấp và các cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án có sự gắn kết chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Nhờ đó, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến trên nhiều mặt, đã điều tra làm rõ 22 vụ việc, khởi tố 18 vụ tham nhũng, với 22 bị can; thanh tra phát hiện 7 vụ việc tham nhũng kinh tế, đất đai… góp phần nâng cao lòng tin trong nội bộ và nhân dân.”
Theo Chánh Thanh tra tỉnh Võ Thanh Tráng: “Trong 9 tháng của năm 2019, toàn ngành đã thực hiện 71 cuộc thanh tra hành chính, qua đó phát hiện 40/140 đơn vị sai phạm, đã thu nộp ngân sách hơn 1,5 tỷ đồng và 31.501 m2 đất. Tổ chức 220 cuộc thanh tra chuyên ngành, trong đó 114 cuộc có thành lập đoàn, 106 cuộc thanh, kiểm tra độc lập. Qua đó, phát hiện 5.333 tổ chức cá nhân vi phạm, thu nộp hơn 5,56 tỷ đồng”.
Điển hình, tháng 9-2019, qua thanh tra trách nhiệm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề An Giang và theo đơn khiếu nại, tố cáo đã phát hiện nhiều sai phạm. Thanh tra tỉnh kiến nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với Đảng ủy Trường Cao đẳng Nghề và các cá nhân liên quan giai đoạn 2014 - 2018. Đề nghị trường kiểm điểm rút kinh nghiệm, xử lý tập thể và cá nhân; xử lý về kinh tế đối với tổng số tiền các khoản thực hiện chưa đúng quy định trên 26,8 tỷ đồng (trong đó, thu hồi 302 triệu đồng, xử lý khác 26,518 tỷ đồng)…
Với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương trong tỉnh đối với công tác phòng, chống tham nhũng đã mang lại những kết quả hết sức tích cực. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ công bố chỉ số đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017 (PACA Index 2017), An Giang đạt điểm cao nhất cả nước với 77,96 điểm. Kết quả trên cho thấy sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Song song đó, trong quá trình xử lý sai phạm, tỉnh rất nghiêm khắc, nhân văn, có lý có tình, kết hợp nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống, lấy “chống” để “xây”, làm quyết liệt nhưng giữ được ổn định, ngăn chặn, phòng ngừa, mở đường cho đối tượng sai phạm sửa chữa, tiến bộ, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị, Việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc sai phạm, vụ án tham nhũng đảm báo đúng quy định của Đảng, pháp luật, đã góp phần giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung, làm hạn chế việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, làm giàu bất chính, được dư luận đồng tình ủng hộ cao. Qua đó, góp phần “thanh lọc”, làm “trong sạch” nội bộ Đảng bộ, củng cố niềm tin của nhân dân, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
THU THẢO