
Về công tác lập hiến, lập pháp, kỳ họp xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 30 luật và 7 nghị quyết. Một số luật đáng chú ý, như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn và Luật Thanh niên; Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi); dự án luật, dự thảo nghị quyết khác phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Kỳ họp tập trung xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát… Điển hình, xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tình hình triển khai năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023; báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; thông qua nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; chất vấn và trả lời chất vấn…
Theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang Trình Lam Sinh, trước đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 (từ ngày 12 - 19/2/2025), Đoàn ĐBQH tỉnh phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, tham gia biểu quyết thông qua 4 dự án luật, 5 nghị quyết; xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan, quyết định các vấn đề liên quan đến công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước; xem xét, thông qua 6 nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, cấp bách, cần thiết đối với một số dự án, công trình quan trọng.
“Trước khi bước vào kỳ họp thứ 9, Đoàn ĐBQH đã tổ chức hàng loạt hội thảo lấy ý kiến dự án luật; hoàn thành tiếp xúc cử tri tại 11 huyện, thị xã, thành phố và tiếp xúc chuyên đề; gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo tỉnh để nắm rõ kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của các cấp chính quyền địa phương, cử tri, Nhân dân. Đoàn ĐBQH và từng vị ĐBQH sẽ tiếp tục phát huy tinh trần trách nhiệm của đại biểu dân cử, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và biểu quyết những vấn đề trọng đại trong kỳ họp” - ĐBQH Trình Lam Sinh cho biết.
Mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nội dung vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11, kỳ họp thứ 9 đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Qua đó, hướng tới tháo gỡ triệt để rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển, khơi thông điểm nghẽn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh gọn bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới cho các địa phương. Thời gian qua, Đảng ủy Quốc hội phối hợp Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo khẩn trương, triển khai rất nhiều công việc quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9; báo cáo Bộ Chính trị về dự kiến nội dung, chương trình, cách thức tổ chức kỳ họp; các nội dung lớn, trọng tâm trình tại kỳ họp đều được xin ý kiến Bộ Chính trị.
Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã họp liên tịch, thống nhất về dự kiến chương trình kỳ họp và các nội dung báo cáo Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tình hình thực tiễn, phối hợp chặt chẽ, làm việc ngày, đêm để chuẩn bị tài liệu trình Quốc hội; tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách, thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên chỉ đạo rà soát, đôn đốc tiến độ gửi tài liệu kỳ họp để đại biểu tiếp cận trước nội dung.
“Kỳ họp lần này là lịch sử của lịch sử, nhiều vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Chưa bao giờ chúng ta làm cách mạng về tinh gọn bộ máy lớn như thế. Giai đoạn 1, chúng ta sáp nhập cơ quan của Đảng, cơ quan của Quốc hội, cơ quan Chính phủ, ở các địa phương. Nhưng giai đoạn 2 này là giai đoạn cực kỳ khó khăn, không đơn giản, đòi hỏi phải lãnh đạo cả về chính trị, tư tưởng, để thực hiện cuộc cách mạng thành công, thần tốc. Mỗi ĐBQH phải thực sự đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, dành thời gian tối đa cho hoạt động của Quốc hội. Mỗi ý kiến đóng góp phải xuất phát từ tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao nhất với đất nước và cử tri” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
GIA KHÁNH