Tôi là đứa trẻ quê nghèo lớn lên từ vành nôi của mẹ
Tuổi thơ bên cha là giọng cười nắc nẻ
Hồn nhiên ôm cả cánh đồng rơm!
Tôi sinh ra ở một làng quê trung du đất Tổ. Quê tôi bình yên sau lũy tre làng, ký ức về quê là những ngày tháng đầy thơ mộng và ngọt ngào.
Tuổi thơ tôi là những tháng năm bình yên mà sau này đi xa mỗi khi nghĩ về tôi vẫn thường nhớ nhung. Trong ký ức của tuổi thơ, không thể thiếu đi ký ức về Đền Hùng! Những mùa Giỗ Tổ Hùng Vương!
Đền Hùng là khu di tích nằm trong quần thể núi Nghĩa Lĩnh, địa phận thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP. Việt Trì (Phú Thọ). Nơi thờ cúng các đời vua Hùng – những người có công dựng nước và là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đó là bài học vỡ lòng ba mẹ dạy chúng tôi khi chúng tôi còn rất nhỏ. Sau này lớn lên, được đọc nhiều, biết nhiều nhưng bài học đó tôi không bao giờ quên. Tôi nhớ năm tôi 10 tuổi, mùa cái rét nàng Bân vừa đi qua tê tái, mùa giỗ Tổ đầu tiên tôi được cùng mẹ tham gia. Đám con nít chúng tôi gọi đó là mùa hội, lên lớp sẽ khoe nhau: Năm nay tao được đi hội! Tao nhặt được quả trò này ở hội! Hôm qua đi hội tao suýt lạc mẹ, đông ơi là đông!... Ý niệm về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương của đám trẻ con chúng tôi rực rỡ màu sắc và lung linh như những chiếc vòng hạt đá hạt nhựa xinh xinh được bày bán ở hội. Những đứa trẻ nghèo như chúng tôi đi theo mẹ, theo cha chỉ để ngắm nhìn và thèm thuồng. Nếu được mua một chiếc là sẽ hạnh phúc lắm. Hội còn thân quen với những cây chò chỉ lâu đời, gốc to thiệt to hai ba đứa trẻ chúng tôi vòng tay ôm không hết. Đồ chơi từ chúng là những quả chò chỉ có hai cánh màu nâu, nhặt được ở bên đường, chỉ cần tung lên trời là hai cánh quay tít trong gió.
Mười tuổi đi hội, chưa có ý thức thắp nén nhang thơm, cúi đầu trước đền Thượng, đền Trung, đền Hạ… Chỉ biết là hồ hởi lắm, vui lắm, háo hức lắm. Nụ cười lúc nào cũng an nhiên lạ lùng.
Mười hai tuổi, vẫn trẩy hội cùng cả nhà. Mẹ dạy sớm chuẩn bị cơm nắm muối vừng, bố xem lại chiếc xe đạp cho chắc chắn. Cả nhà đạp xe từ nhà đến hội hết khoảng hơn 1 tiếng. Xe đạp bon bon qua những con đường làng này, đi hết cánh đồng lúa là sẽ đến những con đường làng khác. Những con đường làng rợp bóng tre, lá đã ngả màu vàng và ru êm trước gió, thoai thoải dốc.
Tháng 4 dương lịch đã cấn sang hè, có khi để đi được đến hội phải nghỉ giữa đường vài chặng vì trời nắng. Ngồi dưới tán của một cây to, đồ ăn thức uống dùng những thứ mẹ đã chuẩn bị - chẳng có gì ngoài cơm nắm muối vừng, ngon hơn thì có thêm hũ thịt kho mặn.
Đến hội, mặc cha xách nách, mặc mẹ khản giọng nhắc nhở chị em phải đi chậm, tránh xô đẩy người đi hội, làm lễ dâng nén tâm nhang…, đám trẻ chúng tôi háo hức nhìn ngó, leo đền, đếm bậc đá trong những bộ quần áo gọn gàng xinh xắn chỉ dành mặc vào dịp hội hè, tết nhất. Mai về lên lớp chỉ khoe: Năm nay tao leo được đến đền này, đền này… Tao đếm được từ đền này đến đền kia có bao nhiêu bậc…
Mười hai tuổi đi hội, biết nhìn ngược nhìn xuôi coi có gặp chúng bạn cùng lớp hay không. Biết ngại ngùng khi ai đó nhìn vào bữa ăn trưa của gia đình vẫn chỉ là cơm nắm muối vừng bọc trong lá cọ non xanh mát mắt. Nhưng, mười hai tuổi, ý thức hơn cái hồn của chốn linh thiêng, biết cúi đầu dâng hương trước đền thờ đất Tổ, biết cầu xin những điều tốt đẹp cho mẹ cha, gia đình… Mười hai tuổi, cảm thấy nơi đó bình yên vô cùng.
Đền Hùng sau này được công nhận di tích quốc gia, ngày hội Đền Hùng 10/3 âm lịch hàng năm trở thành ngày quốc lễ. Hội Đền Hùng trở thành chốn hò hẹn của non sông trong ngày trọng đại. Cả nước tề tựu, cứ đến mùa hội là đông những dòng người tứ phương về trẩy hội, lễ bái. Đến mùa hội, bố lại đưa chúng tôi lên chân đền – dúi vào tay mấy đồng tiền lẻ rồi quay xe chạy quanh quanh “làm mấy chuyến xe ôm”. Hội lớn, nhu cầu kiếm sống của những người dân quê tôi cũng lớn. Họ không còn thong dong cùng gia đình đi hội nữa mà tìm mọi cách để kiếm thêm chút tiền. Người thì buôn bán mấy thứ đồ lưu niệm, đồ ăn; người thì nhận mang vác lễ lộc lên các đền cho những đoàn khách hành hương từ phương xa tới; người thì làm xe ôm như bố tôi. Hội Đền Hùng những mùa này góp thêm giọt mồ hôi của bố.
Khi trở thành thiếu nữ mười bảy, tôi đi hội Đền Hùng đã không phải theo chân mẹ chân cha, còn biết ngượng ngùng bên cậu bạn thân nếu vô tình bước hụt bậc đá lên đền. Thắp nén tâm nhang cúi đầu đã biết nguyện cầu những điều rất riêng tư.
Năm nay, tôi trở về thăm lại quê hương sau bao năm lần lữa, quê hương đã thay da đổi thịt. Chỉ còn nửa tháng nữa là đến hội Đền Hùng nhưng lác đác trong tiết trời xuân hạ dòng người kéo về chân núi Nghĩa Lĩnh. Cảnh quan khu di tích lịch sử Đền Hùng đã nhộn nhịp tưng bừng, trang trí cờ hoa, chẳng kém gì ngày hội mở.
Tôi đến với Đền Hùng trong tâm thế của một đứa con xa quê lâu ngày về thăm lại, vừa lạ vừa quen, cảm nhận về sự đổi thay đến ngỡ ngàng của khu di tích. Đường đi lối lại tươm tất, sạch sẽ, chăm sóc tỉ mỉ. Những bác lao công cần mẫn quét rác từ các khu vực đền chùa, các tuyến đường, bãi đỗ xe trong khu di tích. Hàng quán gọn gàng, xếp đặt ngăn nắp, quy củ. Những ki ốt hàng lưu niệm khu ngã 5 đền Giếng lung linh sắc màu, quầy bán hàng đặc sản người mua, người bán tấp nập.
Một điều bất ngờ hơn cả với tôi là không còn nhìn thấy cảnh bán hàng rong, níu kéo khách, không có người ăn xin, ăn mày nằm vạ vật giữa đường... Mọi thứ tươm tất lịch sự ngăn nắp gọn gàng. Tôi bước đi giữa con đường rợp bóng chò chỉ, nhớ như in những tháng ngày xưa cũ...
Theo TRẦN NGỌC KHÁNH DƯ (Báo Đắk Nông)