Một người bạn thân chào đón tôi - vị khách từ miền Tây xa xôi ra thăm thủ đô - bằng món quà rất Hà Nội: mứt sấu. Anh bảo, mứt này của một nhà kinh doanh gia truyền ở Hà Nội sản xuất. Tuy bao bì nhãn mác không bắt mắt bằng các sản phẩm bày bán trong cửa hàng lưu niệm, nhưng “ngon đúng điệu”. Thật ra, sấu là món đặc sản luôn được bán quanh năm, muốn bao nhiêu cũng có. Tuy nhiên, mùa thu mới thật sự là mùa sấu chín. Trên con đường Nguyễn Tri Phương tôi ở, hàng sấu to cao che mát mắt, che mát cả cuộc sống của con người. Mùa này, sấu trở thành “lộc” của đất trời, mang đến thu nhập cao cho đội ngũ hái sấu.
“Hái sấu phải có kỹ năng, vì cành sấu khá giòn, sơ sẩy một tí sẽ té ngã từ trên cao xuống, rất nguy hiểm. Nhưng bù lại, đến khi sấu chín rộ, người hái sấu “chuyên nghiệp” có thể hái được hàng trăm kg/ngày, mỗi kg vài chục ngàn đồng, thu nhập khá ổn” - anh bạn tôi chia sẻ. Vị mứt sấu trong miệng tôi chợt đậm đà hơn thường lệ…
Có người nói rằng, ngẫm nghĩ một cách khách quan thì mùa thu Hà Nội cũng giống mùa thu ở nhiều nơi khác, tức là đều đẹp cả. Người ta rất dễ yêu thời tiết giao mùa, nằm khoảng giữa những tháng oi bức và tháng lạnh lẽo mưa dầm. Mùa thu trở thành đề tài bất hủ của nghệ thuật và trở thành mùa đẹp nhất trong lòng người. Nhưng để cảm nhận chính xác mùa thu được yêu mến thế nào thì phải đến Hà Nội. Bác tài xế “Honda đầu” vừa khéo léo chen vào những khoảng trống trên đường nội ô, vừa nhiệt tình “thuyết minh”: “Tôi lớn tuổi rồi, thời tiết thay đổi là cơ thể báo hiệu ngay. Thời điểm này mát mẻ, tôi chạy xe chở khách cũng nhàn hơn nhiều, cứ theo ý khách thủng thỉnh chở đi dọc mấy đoạn đường đẹp để khách ngắm cảnh. Họ muốn tìm hiểu địa danh hoặc thắc mắc gì, tôi giải thích cho họ nghe trong khả năng hiểu biết của mình. Nhiều khi với mình, những thứ ấy quen thuộc đến mức hiển nhiên, nhưng khách ở xa lại cảm thấy mới mẻ, thú vị. Họ yêu thích nơi này, mình là người dân địa phương cũng tự hào lắm chứ!”.
Nhiều hoạt động văn hóa ở phố đi bộ quanh Hồ Gươm
Bác mỉm cười, nhìn 2 bên đường Phan Đình Phùng, nhiều bạn trẻ đang chụp ảnh. Áo dài thướt tha có, váy áo xúng xính có. Những bó hoa cúc họa mi trắng tinh khôi trên tay họ, điểm xuyết vào màu trời chiều nhạt nắng, vào khung cảnh cổ xưa của góc phố. Người đứng lấp kín cả con đường dài, nhưng không hề mang đến cảm giác ồn ã, tục tằn. Họ tự tìm khoảng không riêng cho bức ảnh của mình, tìm ra nét đẹp mùa thu Hà Nội bằng rung cảm nghệ thuật tự trong lòng. Và điều đó hoàn toàn không trùng lắp, va chạm với bất kỳ ai khác đang yêu mùa thu như họ.
Quá ngột ngạt với phòng kín máy lạnh, với nụ cười xã giao không chạm đến đáy mắt, các bạn đồng nghiệp rủ tôi bia hơi vỉa hè, tận hưởng không khí tuyệt đẹp của đêm thu Hà Nội. Khi các món ăn chính chưa được đem ra, chỉ với dĩa đậu phộng luộc, chúng tôi đã kịp uống mềm môi. Cốc bia không ngập nước đá, cũng không được chất thùng thùng kết kết gây “áp lực” như “văn hóa nhậu” xứ mình. Giữa những lần nâng ly, chúng tôi kể chuyện đời, chuyện nghề, chia sẻ những khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Mấy cơn gió chộn rộn bên Hồ Tây, phả vào mặt chút hơi lạnh. Chẳng ai nói ra, nhưng chúng tôi ngầm hiểu nhiều điều. Nghề báo khiến ai nấy đều “đi mây về gió”, bận rộn cuốn theo dòng thời sự bộn bề. Kẻ Bắc người Nam, muốn gặp lại nhau thảnh thơi, an nhàn bên cốc bia, cũng phải đủ duyên, đủ thân. Vậy nên, sẽ chẳng có mùa nào đẹp bằng mùa gặp được bạn cũ…
Sau những ngày cao điểm COVID-19 hoành hành, phố đi bộ quanh Hồ Gươm nhộn nhịp trở lại. Tôi hòa cùng dòng người đông đúc, thích thú trải nghiệm từng giây phút ở đây, một mình nhưng không hề cô đơn. Đã đến rất nhiều lần, nhưng tôi tin chắc rằng, mỗi lần đến chốn cũ, vẫn sẽ mang lại cảm giác rất mới mẻ. Mùa này, ở phố đi bộ, chỉ cần bạn mở lòng một chút xíu, mạnh dạn một chút xíu, sẽ không hề buồn chán tẹo nào. Xung quanh tôi, chẳng ai quen ai, vẫn cứ háo hức cùng nhau chơi trò chơi dân gian như nhảy dây (dây đơn dây đôi đều có), đá cầu… ai mắc lỗi tự giác bước ra hít đất 10 cái. Bên này xập xình các điệu nhảy La tinh nóng bỏng, bên kia lại đầy cổ điển với điệu Valse. Xa xa là đám trẻ con ngồi chăm chú xem tuồng chèo, y y nha nha vui tai, vui mắt. Bên bờ hồ, một ông lão ngồi thả hồn vào từng nét chữ thư pháp, không hề bị chi phối bởi người qua kẻ lại. Không gian xung quanh tôi đặc quánh nét văn hóa cộng đồng, trong một đêm thu trở gió.
Sẽ còn hàng loạt dòng suy nghĩ thứ 5, 6, 7… về mùa thu Hà Nội, chắt mót từ trải nghiệm ít ỏi của tôi và của những người từng gắn bó với Hà Nội. Có những ký ức không thể diễn tả lưu loát bằng lời, như rung động của sợi dây đàn sau động tác cuối cùng của người nghệ sĩ. Như tác giả Nguyệt Sương bật thốt: “Hà Nội ơi ta nhớ không quên/ Tất cả những mảnh ghép của những điều giản dị/ Từ góc phố, hàng cây, ngôi nhà bao thế kỷ/ Đã góp thành một mùa thu Hà Nội rất riêng!” (Mùa thu Hà Nội trong tôi).
Bài, ảnh: GIA KHÁNH