Kỳ vĩ giếng bậc thang ở Ấn Độ

19/07/2018 - 10:26

Hiếm có kiến trúc nào lại kỳ lạ và hoành tráng như giếng bậc thang ở Ấn Độ. Là nơi chứa nước, chúng cũng là mê cung của những bậc thang, cột kèo, lâu đài với nhiều hành lang, gian phòng để mọi người nghỉ ngơi - thư giãn, vui chơi trong lúc lấy nước.

Những cái giếng đầu tiên đã ra đời ở Ấn Độ ít nhất từ hàng nghìn năm trước tại các vùng khô cằn, nhất là hai bang Gujarat và Rajasthan nằm phía Tây Bắc. Ở hai bang này, lúc nào cũng khô hạn. Để có nước, người dân phải đào giếng mỗi lúc một sâu như một cái hố không đáy. Công việc cực nhọc nên nhằm dưỡng sức, dân gian đã xây quanh lòng giếng những hành lang nghỉ tạm. Dưới sự che chắn của mái bằng, mái vòm, nhiệt độ dưới giếng cũng giảm hẳn so với mặt đất 5 - 6 độ, thành thử không khí mát dịu.  

Gujarat, bang cực tây Ấn Độ, là một nơi gìn giữ được nhiều giếng bậc thang mỹ lệ nhất cả nước. Trong đó lâu đời và lộng lẫy nhất là giếng Rani Ki Vav, vào năm 2014 đã được UNESCO công nhận là Di sản của nhân loại.

Đặc sắc không kém là giếng nước Adalaj Vav ở Gandhinagar - Ahmedabad. Ra đời năm 1499, đây là một công trình xinh đẹp, gắn liền với một câu chuyện bi thương của nàng Rudabai đầu thời Mughal. Công trình gồm năm tầng, hình bát giác và ba cửa ở ba hướng nam, đông, tây. Từ tầng ba trở đi, xuất hiện nhiều hình voi, chim, cá, dây hoa, phụ nữ đang đun sữa, trang điểm, nhảy múa, và đặc biệt có một nơi trạm trổ bình nước trường sinh, cây giữ sự sống và vẽ tranh tường chín hành tinh ảnh hưởng đến sinh hoạt. Tuy nhiên, khi công trình vừa xong, Rudabai đã bất ngờ nhảy xuống giếng, tự vẫn để giữ lòng chung thủy. Tên của nàng sau đó được đặt cho giếng, và mới đây đổi thành Aladaj theo địa danh hành chính.

Giếng Adalaj Vav 

Tuy không phải ở cực tây như Gujarat, song Rajasthan cũng nóng đổ lửa và có nhiều giếng nhất cả nước. Và lớn nhất, đi vào phim ảnh Bollywood lẫn Hollywood là giếng Chand Baori ở làng Abhaneri, Jaipur. Nó cũng là giếng hoàng gia do vua Maharaja Chanda kiến thiết, làm một đền thờ nữ thần vui vẻ và hạnh phúc Harshat Mata.Đó là một tòa nhà hình chữ nhật, bốn mặt, cao 30 m, trong đó một mặt là đại đền, và ba mặt kia gồm những bậc thang trùng điệp, gồm 3.500 bậc được xếp theo kiểu hình kim tự tháp. Công trình được làm từ sa thạch nên có màu sắc nâu đỏ bắt mắt, ngoài ra là những vòm cổng hình cánh hoa và cột trổ hình voi và rắn đỡ mái vừa mạnh mẽ, vừa uyển chuyển. Vì sự đồ sộ, chỉ cần đi một vòng từ mặt đất xuống dưới giếng đã mất cả ngày.

Giếng Panna Meena Ki Baori 

Giếng Agrasen Ki Baoli cũng là một cảnh đẹp ngoạn mục lọt trong nhiều cuốn sách du lịch, và công trình đại diện của Hailey - New Dehli, cũng như Bắc Ấn thế kỷ XII. Điểm thu hút của nó là một chiều sâu đến 30 m, dài 60 m và rộng 15 m, cùng bốn tầng nhà với cả trăm vòm cửa, cổng hình cánh sen tao nhã. Vì sen tượng trưng cho sự thanh tịnh và hạnh phúc, nên nơi này lúc nào cũng đông người tới tọa thiền và hò hẹn. Ai nấy đều thích dạo bước trên 103 bậc đá đỏ để tới mặt nước trong xanh của giếng. Ngoài ngắm hình của những vòm cửa soi vào mặt nước, nhiều người còn thấy bóng dáng của những nhà cửa hiện đại quanh đường Hailey.

Lấy cảm hứng từ một nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 1730 một tù trưởng ở Haryana đã làm ra một giếng bậc thang nổi tiếng kết hợp cùng nhà tắm là giếng Baoli Ghaus Ali Shah. Công trình có bốn tầng, hình bát giác, bằng đá, gạch, vôi và có một bể nhỏ hình tròn nằm ở chính giữa, đóng vai trò như một đài phun và những bục dài xung quanh là chỗ tựa lưng và kỳ cọ.  

Theo CHU MẠNH CƯỜNG (Giáo dục và Thời đại)