Kỳ vọng hồi phục ngành du lịch Việt Nam trong năm 2023

04/01/2023 - 19:23

Sự trở lại của khách Trung Quốc được kỳ vọng giúp ổn định dòng khách quốc tế đến Việt Nam, song song với loạt nỗ lực trong nước nhằm phục hồi ngành công nghiệp không khói này cho năm Quý Mão.

Du khách quốc tế tham quan đình cổ Hùng Lô ở làng Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) trong năm 2022. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Năm 2023, ngành du lịch đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.

Sau năm 2022 "đi trước về sau," ngành du lịch Việt Nam đang có nhiều động thái nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi trong năm mới. Việc Trung Quốc - một thị trường cung cấp lượng lớn khách du lịch tới Việt Nam - cũng sắp mở lại cũng là một thông tin lạc quan cho quá trình này.

Ổn định dòng khách quốc tế

Trung Quốc hạ mức độ kiểm soát dịch từ mức A xuống mức B, sẽ mở cửa biên giới và du lịch từ ngày 8/1/2023. Đây là một tín hiệu tốt với đà phục hồi của du lịch Việt.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết toàn ngành đang rất vui và nhận xét đây chính là tín hiệu giúp ổn định dòng khách quốc tế. Trên thực tế, Trung Quốc luôn luôn là thị trường khách lớn của Việt Nam (chiếm 1/3 thị trường).

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong giai đoạn từ 2015-2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần, tăng bình quân 34,4% mỗi năm. Năm 2019, Trung Quốc vẫn là dòng khách du lịch lớn nhất với 5,8 triệu lượt.

Du khách tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)

Với sự trở lại của khách Trung Quốc, toàn ngành đặt chung kỳ vọng đạt chỉ tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế.

Thêm vào đó hiện nay, do lo ngại về tình hình dịch bệnh mà một số nước như Morocco lại cấm hoàn toàn khách từ Trung Quốc, Triều Tiên cấm tạm thời. Một số quốc gia khác như Anh, Pháp, Ấn Độ yêu cầu test PCR âm tính, tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên và có yêu cầu cách ly... Việc này có thể khiến khách Trung Quốc chưa vội trở lại các thị trường trên.

Đây có thể coi là tín hiệu lạc quan đưa nhiều khách Trung Quốc hơn đến với Việt Nam nhờ chính sách du lịch cởi mở, song thực tế này cũng có điểm hạn chế.

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty du lịch BestPrice nhận xét: "Đây có thể vừa là thuận lợi vừa là khó khăn. Khi du khách Trung Quốc bị giới hạn về vấn đề du lịch ở các nước khác thì Việt Nam sẽ có cơ hội đón dòng khách này. Nhưng tôi thực sự mong chúng ta sẽ đón những đoàn khách du lịch cao cấp chứ không phải là những đoàn du lịch 0 đồng," đại diện Best Price nhận định.

Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam chưa có những hướng dẫn cụ thể về phòng chống dịch COVID-19 trong việc đón khách Trung Quốc. Các doanh nghiệp về du lịch tại Việt Nam (đặc biệt là các nơi được yêu thích như Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Nam...) đều đang nghe ngóng tình hình, rà soát lại các dịch vụ trong nước và giữ liên hệ với các đối tác tại Trung Quốc để cập nhật các diễn biến.

"Hiện nay các công ty lữ hành ở cả hai nước đều thăm dò thị trường nước còn lại vì chưa có các quy định cụ thể. Tôi dự đoán đến quý 2/2023, khoảng cuối tháng Ba, đầu tháng Tư thì lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam mới dần trở lại bình thường như trước dịch," ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty du lịch và dịch vụ Hòn Gai, chi nhánh Quảng Ninh nhận xét.

Như vậy ở chiều outbound (đưa khách Việt đi nước ngoài), các đơn vị tổ chức tour đi du lịch Trung Quốc cũng đang chờ những tín hiệu khả quan và hướng dẫn mới nhất.

Tính đến thời điểm hiện tại, các đường bay nước ngoài với các châu lục và nhiều chuyến du lịch quốc tế đường biển gần như đã mở bình thường như thời điểm trước dịch. "Chúng tôi kỳ vọng 2023 sẽ là năm phục hồi của du lịch quốc tế khi lượng khách đến Việt Nam bằng đường bay và đường tàu biển tăng trở lại," bà Quỳnh Như, người đại diện Saigontourist nhận xét.

Hiện nay, nhiều hãng lữ hành đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến cho mảng du lịch quốc tế bằng nhiều cách như tham gia các hội chợ quốc tế và gặp gỡ, ký kết hợp tác với nhiều bên nhằm tìm hiểu khách hàng, xu hướng phát triển thị trường và mở rộng hợp tác, định hình sản phẩm chủ lực trong năm hồi phục du lịch này.

Nhiều chính sách thúc đẩy phục hồi

Một nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam năm 2022 "đi trước về sau," chưa đạt được mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế là chính sách visa kém cạnh tranh. Lý do này đã được chỉ ra trong Hội nghị thúc đẩy du lịch quốc tế vào Việt Nam, diễn ra cuối năm 2022 vừa qua.

Trước thực trạng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các hãng lữ hành đã đề xuất nhiều chính sách cụ thể để thu hút khách quốc tế, trong đó có đề xuất áp dụng cấp visa điện tử cho khách nước ngoài, tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp và tăng cường ứng dụng công nghệ.

Cùng lúc, Bộ cũng có đề nghị kéo dài thời gian tạm trú với khách quốc tế từ 15-30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi và đi lại khi tới Việt Nam đồng thời mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Du khách trải nghiệm phố cổ Hội An. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh việc cung cấp đúng sản phẩm mà khách du lịch cần. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo và khác biệt, dựa trên các giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc... đồng thời bổ sung các giá trị mang tính sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... trong ngành du lịch.

Tổng cục Du lịch cho biết toàn ngành tập trung để công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng triển khai chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, các đề án về ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam.

Trước mắt trong quý 1/2023, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến tổ chức các hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hội nghị chuyên sâu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.

Công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tiến hành tích cực trong cả năm. Cụ thể, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện quốc tế về du lịch ASEAN, các hội chợ du lịch quốc tế tại London (Anh), Berlin (Đức)... truyền thông, quảng bá trên các kênh CNN và các kênh truyền thông lớn khác.

Tổng cục Du lịch cũng phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các địa phương, doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện chương trình giới thiệu du lịch Việt tại các thị trường trọng điểm như ASEAN, Đông Bắc Á, Australia, châu Âu, Bắc Mỹ.

Trong năm 2023, Tổng cục Du lịch cũng phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 tại tỉnh này với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh.”

Trong năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,66 triệu lượt người. Con số này giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19 đồng thời đạt dưới mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế được đề ra cho năm 2022. Ngược lại, du lịch trong nước đạt hơn 101 triệu lượt, tăng hơn gấp 1,5 lần so với kế hoạch đề ra.

Theo MINH ANH (Vietnam+)