Kỳ vọng năm mới 2023

02/02/2023 - 07:00

 - Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm (2021-2025). Khởi đầu với nhiều dấu hiệu khởi sắc, kỳ vọng năm mới sẽ đạt nhiều thành tựu mới, thắng lợi mới.

An Giang xác định du lịch (DL) là một trong những lĩnh vực mũi nhọn phát triển kinh tế. Từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, DL có nhiều dấu hiệu khởi sắc ngay đầu năm 2023, đặc biệt sôi động trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Lợi thế của DL An Giang là địa hình vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, sở hữu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên. Không chỉ có dãy Thất Sơn huyền bí, sông nước hữu tình, An Giang còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng được xếp hạng, nhiều điểm đến kỳ thú với hệ sinh thái phong phú, nhiều địa điểm DL văn hóa, di tích lịch sử nổi tiếng. Cùng với những sản phẩm DL đặc trưng thì DL tham quan, nghỉ dưỡng, DL sinh thái, homestay, DL cộng đồng, DL nông nghiệp... đang phát triển rất mạnh mẽ.

Du lịch khởi sắc ngay từ đầu năm

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách tham quan tại các khu, điểm tham quan, DL trên địa bàn tỉnh trong kỳ nghỉ Tết vừa qua đạt khoảng 500.000 lượt. Những nơi có lượng khách tăng cao, như: Khu du lịch núi Sam (105.000 lượt, tăng 8.000 lượt), Khu du lịch núi Cấm (87.000 lượt, tăng 16.000 lượt), Điểm du lịch đồi Tức Dụp (30.000 lượt, tăng 8.000 lượt), các điểm tham quan cù lao Giêng (9.000 lượt, tăng 5.000 lượt), các điểm tham quan ở huyện Tri Tôn (93.000 lượt, tăng 23.000 lượt)… Tổng lượt khách lữ hành trong dịp Tết Quý Mão trên 1.300 lượt; khách lưu trú khoảng 5.400 lượt, tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2022; có gần 400 lượt khách quốc tế…

An Giang để lại dấu ấn năm 2022 với nhiều kết quả nổi bật: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,87% (kế hoạch 5,2%); GRDP bình quân đầu người gần 53,18 triệu đồng (kế hoạch 52,66 triệu đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33.378 tỷ đồng (kế hoạch 30.127 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu hơn 1,15 tỷ USD (đạt 100% kế hoạch); trên 7 triệu lượt khách đến tham quan, DL (đạt 152% kế hoạch)… Đây là những chỉ báo quan trọng làm nền tảng để An Giang tiếp tục phát triển.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh phát huy tối đa bài học kinh nghiệm và những kết quả đạt được của năm qua; phát huy hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; không ngừng đổi mới tư duy; khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát huy sức mạnh nội sinh; tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023. Phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ… Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; cải thiện hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần duy trì ổn định xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước…

An Giang triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”. Tỉnh triển khai tốt nhiệm vụ ngay từ đầu năm để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 theo các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Theo đó, tỉnh khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và đề cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện hiệu quả. Tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững). Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh trên các lĩnh vực; thúc đẩy tiến độ triển khai các đề án, dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Đối với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc (trong đó có An Giang với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc, hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công các dự án, đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính và đổi mới việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, số hóa, thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử…

HỮU HUYNH