Kỳ vọng sân đua bò chuyên nghiệp vùng Bảy Núi

12/04/2019 - 07:32

 - Dự kiến tháng 10-2019, huyện Tri Tôn sẽ đăng cai tổ chức Hội đua bò truyền thống Bảy Núi tranh Cúp truyền hình An Giang lần thứ 26. Đây là lần đầu tiên, một sân đua bò chuyên nghiệp, khuôn viên rộng rãi được đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi để du khách thưởng ngoạn loại hình văn hóa - thể thao độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Lễ hội hấp dẫn

Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc ra đời hội đua bò bắt nguồn từ đặc thù sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer vùng Bảy Núi. Do canh tác chủ yếu ở ruộng trên, vùng đất pha cát nên nông dân Khmer tận dụng các đôi bò để cày bừa, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Họ xem chùa Khmer là trung tâm trong đời sống tinh thần nên người thân sau khi mất, phần lớn đều gửi tro cốt vào chùa. Cứ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 (âm lịch) hàng năm, mọi người lại cùng nhau tổ chức lễ báo hiếu Sene Dolta. Thời điểm này cũng trùng khớp với dịp xuống giống vụ lúa thu đông (thời điểm giao mùa mưa - nắng) nên bà con Khmer thường mang bò đến cày bừa cho thửa ruộng của chùa trong phum, sóc, gọi là “bừa công quả”. Cày bừa xong, họ tự thúc bò “bừa đua” xem đôi bò nào nhanh, khỏe. Các sư sãi thấy vậy đứng ra tổ chức (kiểu trọng tài), treo thưởng đôi bò nào cày giỏi, chạy nhanh sẽ hưởng phần thắng là những sợi dây nài khớp bạc hoặc những vòng lục lạc đẹp mắt (dây “cà tha”). Đây là phần thưởng danh giá gắn với niềm tin về một vụ mùa bội thu nên các chủ bò ngày càng quan tâm chăm sóc đôi bò quý của mình. Dần dà, việc tổ chức “bừa đua” được mở rộng quy mô, trở thành ngày hội của đồng bào DTTS Khmer trong dịp lễ Sene Dolta.

Đua bò luôn là hoạt động hấp dẫn người xem

Sau năm 1992, hoạt động văn hóa- thể thao độc đáo của đồng bào DTTS Khmer được nâng cấp lên thành Hội đua bò Bảy Núi, do 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên luân phiên đăng cai tổ chức hàng năm. Không chỉ những đôi bò vùng Bảy Núi mà các địa phương có người Khmer sinh sống ở An Giang, những huyện giáp ranh ở tỉnh Kiên Giang, phía biên giới Campuchia cũng được mời tham gia. Đây không chỉ là ngày vui của đồng bào DTTS Khmer, mà còn trở thành hoạt động thu hút hàng chục ngàn lượt du khách, người dân trong nước đến xem, kể cả du khách nước ngoài. Đối với các nhà báo, nhiếp ảnh gia, đây là cơ hội sáng tác ảnh đẹp, cơ hội bắt lại cảm xúc tuyệt vời về cuộc sống đời thường.

Qua hơn 20 năm tổ chức, chùa Tà Miệt (xã Lương Phi, Tri Tôn) và chùa Thơ Mít (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) trở thành địa điểm quen thuộc của vòng loại ở từng huyện cũng như vòng chung kết Hội đua bò Bảy Núi. Trong đợt đăng cai tổ chức Hội đua bò Bảy Núi lần thứ 24 (năm 2017), do sân đua bò chùa Tà Miệt gặp khó khăn nên huyện Tri Tôn đã chuyển sang thi đấu ở địa điểm mới là sân đua bò chùa núi Tà Pạ (thị trấn Tri Tôn). Tuy nhiên, do đây là sân đua tạm, khuôn viên nhỏ nên việc tổ chức chưa thuận lợi, nhất là tiêu chuẩn đường đua, nơi đứng xem của khán giả…

Gắn với phát triển du lịch

Mặc dù Hội đua bò Bảy Núi gắn với việc “bừa công quả” cho chùa Khmer nhưng qua thời gian, đây trở thành ngày hội lớn của đông đảo người dân, hoạt động thu hút du lịch hấp dẫn. Do vậy, việc tổ chức trong khuôn viên nhỏ của chùa không đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của hàng chục ngàn người dân, du khách. Công tác sắp xếp chỗ để xe, lễ tân, tổ chức đua, bố trí các dịch vụ đi kèm gặp khó khăn. Do các bờ bao quanh sân đua bò nhỏ hẹp nên khán giả phải chen nhau đứng xem, có nhiều người trèo lên cành cây nguy hiểm…

Sân đua bò mới đang được xây dựng

Trước thực tế này, UBND huyện Tri Tôn đã đề xuất và được UBND tỉnh chấp nhận đầu tư dự án sân đua bò theo hướng chuyên nghiệp. Ông Huỳnh Minh Phương, Trưởng ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng khu vực huyện Tri Tôn cho biết, theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, tổng mức đầu tư sân đua bò gần 48,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ giải phóng mặt bằng 4,5 tỷ đồng, còn lại là nguồn ngân sách huyện và vận động xã hội hóa. “Huyện đã quyết định chọn khu đất rộng 5,5ha nằm cặp hồ Soài Chek (xã Núi Tô) để xây dựng sân đua bò mới. Qua công tác tuyên truyền, vận động, tất cả các hộ dân có đất trong khu vực dự án (phần lớn là đất ruộng trên của đồng bào DTTS Khmer) đều thống nhất phương án bồi hoàn, bàn giao mặt bằng. Huyện đã tạm ứng 6,1 tỷ đồng để bồi hoàn 100% diện tích đất dự án. Hiện nay, đã vận động được nguồn xã hội hóa san ủi mặt bằng, xây dựng đường đua, làm mái che khán đài A (phục vụ Ban Tổ chức, khách mời và trao thưởng), đắp mái ta-luy khán đài B và D (phục vụ khán giả), bố trí chỗ giữ xe, điểm tập kết bò… đảm bảo kịp đưa vào phục vụ Hội đua bò truyền thống Bảy Núi tranh Cúp truyền hình An Giang lần thứ 26 do huyện Tri Tôn đăng cai tổ chức (dự kiến tháng 10-2019)” - ông Phương nhấn mạnh.

Theo ghi nhận, địa điểm xây dựng sân đua bò mới vừa có khuôn viên rộng đến 55.000m2, vừa có giao thông thuận lợi, lại kết nối với khu vực hồ Soài Chek, gần khu du lịch Soài So - Suối Vàng, cách không xa khu du lịch đồi Tức Dụp nên được xem là địa điểm lý tưởng tổ chức Hội đua bò Bảy Núi kết hợp phát triển du lịch ở huyện miền núi Tri Tôn. “Trên cơ sở định hình sẵn khuôn mẫu sân đua bò, huyện sẽ cân đối ngân sách từng năm và tiếp tục vận động xã hội hóa để hoàn thành dần các hạng mục còn lại theo dự án được duyệt. Ngoài tổ chức đua bò, nơi đây có thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - thể thao khác để thu hút du khách” - ông Phương khẳng định.

Việc xây dựng sân đua bò chuyên nghiệp cũng là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 180 năm hình thành vùng đất Tri Tôn và 40 năm tái thành lập huyện.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN