Nỗ lực vượt khó
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020, đặc biệt làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm, giai đoạn theo diễn biến của dịch bệnh, tỉnh đã chủ động đề ra những biện pháp và giải pháp phù hợp, vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, vừa phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Nhờ công tác điều hành chủ động, linh hoạt, kinh tế An Giang tăng trưởng hợp lý, GRDP cả năm đạt 2,15%, thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra. Theo ông Thư, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển khó khăn đầy thách thức như hiện nay. Ước tính tăng trưởng năm 2021 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,22%, cao hơn mức tăng năm 2020. Trong khi đó, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, đặc biệt các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 kịp thời. Đến ngày 16-11-2021, đã thực hiện hỗ trợ cho 212.784 trường hợp, trong đó có 143.047 lao động tự do với số tiền 255,9 tỷ đồng, đạt 56,7% kế hoạch. Các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Ngay khi khởi đầu năm mới 2022, nhiều động lực tăng trưởng mới cho An Giang đã xuất hiện. Bộ Giao thông - Vận tải đã khởi công xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên - công trình được chờ đợi hơn 20 năm qua.
Tại xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn), Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy gạo Hạnh Phúc - nhà máy gạo có quy mô lớn nhất Châu Á. Trong khi đó, UBND huyện Tri Tôn đã tổ chức khởi công công trình nâng cấp, mở rộng đường kênh T4, kết nối nhà máy chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH với tuyến Quốc lộ N1 (xã Vĩnh Gia). Công trình có chiều dài trên 3,6km, tổng mức đầu tư hơn 34,4 tỷ đồng, khi hoàn thành, sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tập đoàn TH và các doanh nghiệp (DN) khác thuận lợi vận chuyển hàng hóa tải trọng lớn, tạo động lực tăng trưởng cho huyện Tri Tôn cũng như vùng Tứ giác Long Xuyên. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, sắp tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cấp Tỉnh lộ 958, mở mới thêm làn đường của Tỉnh lộ 941 (từ cầu 16 vào nội ô thị trấn Tri Tôn) nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thông, thu hút đầu tư phát triển.
Động lực phát triển mới
Vừa sau Tết Nguyên đán 2022, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình và và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã cùng ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần NovaGroup Bùi Thành Nhơn về xây dựng “siêu dự án” Thành phố thông minh Mekong (Mekong Smart City), thuộc TX. Tân Châu (tỉnh An Giang), huyện Hồng Ngự và TP. Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp). Đây được xem là động lực phát triển mới cho vùng biên giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021 – 2025). Đây là năm An Giang tập trung mọi nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,2%;
Theo ông Thư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với kết quả cao nhất. Trong đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ; tạo môi trường thuận lợi cho DN sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; khai thác lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh An Giang trên 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.
Cùng với khởi động, khánh thành các dự án trọng điểm ngay từ đầu năm 2022, đến giữa năm, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, tạo mọi điều kiện để các tập đoàn, DN đầu tư vào An Giang, tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh
|
HOÀNG XUÂN