Năm 2023, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động theo chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhưng nếu nhìn lại mặt bằng lãi suất hồi đầu năm, khó có thể ngờ giảm sâu như vậy.
Cuối năm 2022, giữa bối cảnh các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi để giải cơn “khát vốn” của doanh nghiệp, kỳ hạn từ 12 tháng phổ biến ở mức trên 10%.
Các ngân hàng thương mại, thông qua Hiệp hội ngân hàng, thống nhất khống chế lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm kể từ ngày 15/12/2022.
Tuy nhiên, cuộc đua lãi suất huy động tiếp tục “nóng” đầu năm 2023. Bất chấp việc thỏa thuận như trên, không ít ngân hàng mặc dù niêm yết chỉ từ 9-9,3%/năm, nhưng thực tế lại ngầm trả lãi lên tới 10,5%, thậm chí 12,5%/năm.
Thời điểm đầu năm 2023, lãi suất trần theo quy định của NHNN đối với huy động tiền gửi có kỳ hạn từ 1-6 tháng là 6%/năm. 100% các ngân hàng thương mại cổ phần đều niêm yết mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Nhóm Big4 cũng để kỳ hạn này lên đến 5,7%/năm vào quý I/2023.
Sau 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành từ tháng 3-6/2023, lãi suất tối đa theo quy định của NHNN đối với tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng là 4,75%. Hiện, không còn ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất tối đa đối với các kỳ hạn này, chỉ phổ biến từ 3-3,8%/năm.
Thậm chí, nhóm Big4 cũng như một số ngân hàng TMCP đưa lãi suất các kỳ hạn này về dưới 3%/năm. Tại Vietcombank, kỳ hạn này về chỉ còn từ 1,9-2,2%/năm.
Với diễn biến như trên, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-6 tháng giảm bình quân khoảng từ 2,5-3%/năm trong năm 2023.
Đáng chú ý là kỳ hạn từ 6-12 tháng. Như đã nói ở trên, cơn khát tiền mặt thời điểm đầu năm 2023 khiến một số nhà băng phải “phá rào” lãi suất.
Có ngân hàng thương mại cổ phần, dù niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng từ 8,5-9,3%/năm, nhưng thực tế trả lên tới 11,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 12,5%/năm kỳ hạn 12 tháng. Tới 31/12, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng còn lần lượt là 5,3-5,4%/năm.
Như vậy, lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng tại nhà băng này giảm lần lượt từ 6,2 đến 7,1%/năm. Đây là mức giảm khó ai có thể tưởng tượng nổi tại thời điểm một năm trước.
Cũng tại tháng 1/2023, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại Sacombank là 9,6%/năm và VietBank là 11%. Đến 31/12, lãi suất cùng kỳ hạn tại hai ngân hàng này lần lượt là 5% và 5,7%/năm, tương đương mức giảm lần lượt 4,6-5,3%/năm.
Điều tương tự cũng diễn ra với các ngân hàng còn lại, mức chênh lệch lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại Techcombank giữa hai thời điểm tháng 1 và tháng 12/2023 lên đến 5,05%. Còn tại ACB, chênh lệch lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 3,5%/năm.
Một số ngân hàng có lãi suất tương đồng với Techcombank và ACB là VPBank, TPBank, Sacombank, mức chênh lệch giữa thời điểm đầu năm và cuối năm cũng diễn ra theo kịch bản tương tự.
Thực tế, nếu so với hồi đầu năm, lãi suất huy động giảm khoảng 3-3,5% trong năm 2023.
Còn nếu so với mức ngân hàng “ngầm thỏa thuận” thời điểm đầu năm, lãi suất huy động giảm khoảng trên dưới 5%/năm.
Bên cạnh việc tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay, việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống mức thấp chưa từng có cũng là một trong những giải pháp “chữa bệnh thừa tiền” trong gần một năm qua.
Trong các cuộc họp của NHNN về hoạt động tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú không ít lần nhắc lại thực trạng toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như tác động của đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản…
Theo TUÂN NGUYỄN (Vietnamnet)