Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay khó giảm

22/03/2018 - 08:54

Từ đầu tháng 3-2018, hàng loạt các ngân hàng đã thông báo tăng lãi suất huy động. Trong khi đó, lãi suất cho vay được các chuyên gia kinh tế cho biết sẽ khó giảm bởi lạm phát năm 2018 có thể tăng hơn năm 2017.


“Chóng mặt” với lãi suất tiền gửi

Theo chuyên gia kinh tế - tài chính, LS.TS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân Bizlight, lãi suất huy động của các ngân hàng thay đổi liên tục. Nhiều khách hàng như bị lạc giữa "ma trận" lãi suất và “chóng mặt” bởi tốc độ thay đổi lãi suất của các nhà băng hiện nay.

Lãi suất huy động cao nhất của Techcombank ở kỳ hạn dài là 7%/năm.

Cụ thể, mới một tháng trước, khách hàng gửi tiền 6 tháng được lãi suất 7,4%/năm nhưng đến nay chỉ còn 6,7%. Có ngân hàng nhận tiền gửi trả lãi suất 4,1%/năm cho 1 tháng nhưng có nơi lại nhận tới 5,5%. Tuy nhiên, phần lớn là các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động và chủ yếu áp dụng kỳ hạn dài, có số tiền gửi lớn. Trong đó, các ngân hàng Techcombank,Vietinbank, MB, ACB… tăng lãi suất cao nhất.

Điển hình, tại ngân hàng MB, lãi suất tiết kiệm cao nhất áp dụng từ tháng 3-2018 với kỳ hạn 24 tháng là 7,5%/năm, nhưng điều kiện để được lãi suất này khách hàng phải gửi từ 200 tỷ đồng trở lên. Đối với khách hàng gửi tiền trong kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm bằng 7,2%/năm; còn kỳ hạn từ 4 – 11 tháng, lãi suất dao động từ 5,2% - 5,8%/năm.

Tại ngân hàng Techcombank, lãi suất huy động cao nhất áp dụng từ tháng 3-2018 lên đến 7%/năm đối với kỳ hạn 18, 24 tháng; với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tiết kiệm nhận được là 6,9%/năm; từ 11- 15 tháng, lãi suất dao động từ 6,5% - 6,8%/năm; kỳ hạn từ 1 – 10 tháng, lãi suất dao động từ 4,9% - 6,3%/năm. 

Tương tự, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng Vietinbank lên đến 7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn trên 36 tháng; từ 13 – dưới 36 tháng là 6,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng lãi suất là 6,8%/năm; từ 1- 11 tháng lãi suất dao động từ 4,3% - 5,5%/năm.

Bên cạnh lãi suất thay đổi, các ngân hàng cũng áp dụng các chính sách khuyến mãi cho người gửi tiền. Nhờ vậy, khách hàng gửi tiền có lãi suất cao hơn so với biểu mẫu lãi suất đang áp dụng, thậm chí là lớn nhất kể từ khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) quy định trần lãi suất cách đây 7 năm.

Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, nguyên nhân lãi suất thay đổi và tăng từ tháng 3 trở lại đây là do thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá dồi dào, bằng chứng là lãi suất liên ngân hàng giảm liên tục. Tuy nhiên, có một số ngân hàng hạ lãi suất do ngoài việc thanh khoản nội bộ tốt, khả năng các các ngân hàng không cho vay được nên phải tính toán hạ bớt lãi suất để giảm chi phí.

Lãi suất cho vay khó giảm

Trong khi lãi suất huy động có sự thay đổi “chóng mặt” thì theo các chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ khó giảm như kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay khó giảm như kỳ vọng. Ảnh Vietinbank

Tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018 được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho biết nguyên nhân lãi suất cho vay khó giảm vì sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức không chỉ trong năm 2018 mà cả trung hạn. Theo đó, khả năng lạm phát năm 2018 sẽ cao hơn năm 2017, nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát tốt. 

“Nguyên nhân là giá dầu lửa sẽ quanh mức 60 USD/thùng, thấp hơn mức trước đó là 65 USD/thùng. Tiếp đến là yếu tố công nghệ sẽ giúp giảm chi phí giá thành sản xuất… Còn giá hàng hóa thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa Việt Nam. Trong đó, thị trường tài chính thế giới cũng tác động tới thị trường tài chính Việt Nam. Lĩnh vực bất động sản đã khởi sắc, phần nào giúp cho sản xuất nguyên vật liệu xây dựng tăng trưởng. Tuy nhiên, sự phấn khích quá mức có thể dẫn đến đột biến trong ngắn hạn”, TS. Vũ Viết Ngoạn - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chia sẻ. 

Dù vậy, theo TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, những ảnh hưởng trên cũng tác động không nhỏ đến lãi suất suất cho vay. Nhất là hiện nay, nền kinh tế Việt Nam kinh doanh trên vay nợ (Nhà nước muốn đầu tư phải đi vay trái phiếu, doanh nghiệp phải vay ngân hàng...). 

“Muốn giảm lãi suất, ngân hàng phải tăng tái chiết khấu, tăng cho vay, nhưng ngân hàng còn nhiệm vụ quan trọng là không để xảy ra lạm phát. Vì thế, nếu năm 2018 không giảm được lãi suất thì giữ được như cuối năm 2017 là tương đối tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nên cơ cấu lại tài chính để giảm tỷ lệ nợ vay”, TS. Trần Du Lịch chia sẻ thêm.

Bàn thêm vấn đề này, TS. Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh, điều kiện giảm lãi suất so với năm 2017 khó khăn hơn. Bởi ngoài yếu tố sức ép lạm phát, còn vấn đề lãi suất USD có xu hướng tăng hơn. Trong khi đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, phải quan tâm rất nhiều cho ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để thu hút dân gửi tiết kiệm đồng Việt Nam. Nếu giảm được lãi suất thì chỉ có cách hạ lãi suất huy động, nhưng có hạ được không còn phụ thuộc vào việc này có làm thay đổi nguồn huy động của ngân hàng.

“Một điểm nữa là hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn nên phải giữ đầu vào, đầu ra hợp lý để ngân hàng có mức lợi nhuận hợp lý, có dự phòng trang trải nợ xấu. Hiện chênh lệch lãi suất 2% giữa các ngân hàng là quá cao trên thị trường. Vì vậy, để cải thiện tình hình giảm lãi suất thì thực là bài toán khó đối với NHNN. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp vẫn có thể giảm được một chút lãi suất, nhưng khó hơn nhiều so với năm 2017”, TS. Vũ Viết Ngoạn cho hay.

Theo HẢI YẾN (Báo Tin tức)