Làm chủ “trận địa” chống buôn lậu

19/01/2024 - 05:15

 - “Lúc 2 giờ 10 phút, ngày 14/1, tổ công tác phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển 1.000 gói thuốc lá ngoại…”. Đằng sau những dòng báo cáo ngắn gọn của Đội đặc nhiệm - Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, là công sức của từng trinh sát, thành viên đội trải dài trên tuyến biên giới An Giang cả ngày lẫn đêm.

Đội Đặc nhiệm kiểm kê tang vật thu giữ

Đối mặt với “cáo già”

Gần 100km biên giới An Giang tiếp giáp Vương quốc Campuchia có đặc điểm đồng bằng, nhiều đường mòn, kênh rạch thông qua biên giới. Có nơi, Nhân dân 2 bên sinh sống sát biên giới, có mối quan hệ thân tộc lâu đời. Từ đó, các loại tội phạm nói chung, buôn lậu nói riêng lợi dụng hoạt động.

Điều này đồng nghĩa với việc đấu tranh, phòng, chống tội phạm của lực lượng chức năng càng thêm khó khăn, gian khổ. Chưa kể, đối tượng buôn lậu đều rất “cáo già”, “chuyên nghiệp”, hoạt động lâu năm, thông thạo địa hình. Chúng cấu kết, thường xuyên thông tin cho nhau, cắt cử người theo dõi mọi động tĩnh của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm nhiệm vụ.

Liều lĩnh đến mức đó, cũng vì lợi nhuận “khủng”. Cứ 1 thùng (500 gói) thuốc lá ngoại nhập lậu, chủ hàng buôn lậu bỏ túi 500.000 đồng (đã trừ mọi chi phí), 1 bao đường cát (50kg) lời được 50.000 đồng. Nếu trót lọt tuồn hàng vào nội địa, chúng bỏ túi vài triệu đồng mỗi đêm là chuyện bình thường. Cuối năm, nhu cầu hàng hóa tăng cao đột biến, bằng mọi giá chúng phải hoạt động tích cực, đa dạng mặt hàng. Cách thức vận chuyển hàng lậu được thay đổi liên tục.

Một điểm tinh vi khác của đối tượng buôn lậu là… hiểu biết pháp luật ngày càng cao. Biết rõ vận chuyển 1.500 gói thuốc lá nhập lậu sẽ bị xử lý hình sự, bọn chúng không để “vượt khung”. Không may bị bắt thì chỉ nằm trong mức xử lý vi phạm hành chính. Hoặc chúng chia số lượng hàng cho nhiều đối tượng vận chuyển cùng lúc. Gặp tình huống bất lợi, cả nhóm sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” về phía biên giới đối diện.

“Phòng” cùng với “chống”

14 tháng giữ vai trò Đội trưởng Đội Đặc nhiệm, đại úy Nguyễn Phước Tới biến áp lực ban đầu thành quyết tâm tổ chức lực lượng, trở thành “Quả đấm thép” theo tinh thần mong muốn của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang. “Chúng thay đổi cách hoạt động thì chúng tôi cũng linh hoạt phương án đánh bắt. Thành viên trong đội chia ca trực, từ trưa đã triển khai lực lượng mật phục, tìm mọi cách che mắt đối tượng buôn lậu để tiếp cận hiện trường. Đối với địa bàn khó đánh bắt, chúng tôi một mặt tuần tra, kiểm soát công khai, một mặt dồn đối tượng vào “trận địa” chuẩn bị sẵn.

Trinh sát đều phải đảm bảo sức khỏe, cơ động nhanh. Quan điểm của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang là bắt giữ cho bằng được đối tượng vận chuyển, từ đó khai thác ra kẻ chủ mưu, cầm đầu và đồng phạm. Nửa năm gần đây, hầu hết vụ buôn lậu đều bắt giữ được đối tượng cùng tang vật, chuyển biến rất lớn so với trước, được Bộ Tư lệnh BĐBP đánh giá cao” - đại úy Nguyễn Phước Tới thông tin.

Điển hình như vụ bắt giữ 1.000 gói thuốc lá ngày 14/1, tại phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc). Đội đặc nhiệm chủ trì, phối hợp Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn triển khai lực lượng “đánh án”. Trước đó, lực lượng làm nhiệm vụ đánh giá các đối tượng có thể chia thành 3 hướng hoạt động, nhưng 2 vị trí rất khó “tóm” được chúng.

Vì thế, CBCS công khai ra mặt tuần tra tại 2 vị trí này. Không thể không hoạt động, đối tượng đành di chuyển về hướng duy nhất còn lại, chọn khung giờ “ngủ say” nhất (1 - 2 giờ sáng). Dĩ nhiên, đối tượng sa lưới trước kiên nhẫn mật phục, phương án “đón lõng” của tổ công tác. Đối  tượng L.V.T (sinh năm 2003, ngụ phường Vĩnh Nguơn) bị bắt giữ cùng tang vật (trị giá 30 triệu đồng).

Bất kỳ lúc nào có thông tin trinh sát gửi về, đơn vị cũng ra quân mật phục, đánh bắt; có mặt ở nhiều địa bàn. Từ tinh thần triển khai quyết liệt, liên tục, không dừng nghỉ của Đội đặc nhiệm nói riêng, toàn lực lượng biên phòng nói chung, trên tuyến biên giới An Giang gần như không còn điểm nóng về buôn lậu. Có chăng, chỉ là những vụ nhỏ lẻ, trị giá hàng hóa vài chục triệu đồng, vài đối tượng hoạt động… Cám dỗ luôn thường trực, do đó từng CBCS đều được nhắc nhở “giữ mình”, không để đối tượng xấu mua chuộc, dụ dỗ, không mờ mắt trước lòng tham.

Thượng tá Lê An (Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm) cho biết: “Để giữ vững và phát huy thành tích, đơn vị sẽ nắm tình hình địa bàn, đối tượng; phân tích, dự báo sát, đúng tình hình hoạt động của đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đưa ra chủ trương, biện pháp phòng ngừa, đánh bắt hiệu quả nhất.

Cùng với đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, đường tắt, sông, kênh, rạch qua lại biên giới trong thời gian trọng điểm, địa bàn trọng điểm. Tăng cường phối hợp lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường, chung tay đấu tranh tội phạm hiệu quả; trao đổi thông tin, tình hình liên quan với lực lượng chức năng Campuchia. Thường xuyên cung cấp số điện thoại của Bộ Chỉ huy và đồn biên phòng để quần chúng nhân dân tố giác, báo tin buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Phối hợp ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động Nhân dân tham gia tích cực vào công tác này…”.

Đầu tháng 12/2023, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch 3178/KH-BCH, triển khai đợt cao điểm phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Gần 1,5 tháng thực hiện, toàn đơn vị độc lập bắt 2 vụ, 1 đối tượng liên quan ma túy, thu giữ hơn 5gr ma túy và 4kg cần sa; bắt 13 vụ, 10 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, tổng giá trị hàng hóa trên 270 triệu đồng; bắt, xử lý 13 vụ, 15 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép…

GIA KHÁNH