Tâm huyết của 2 giáo viên trẻ
Mô hình DL mang tên OTuksa Camp - Lều trại núi Cấm (ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) được ra mắt chưa đầy 1 tháng, do 2 giáo viên trẻ của Trường THCS Núi Cấm (thầy Nguyễn Chí Tâm và cô Lâm Thị Diệu) đồng hành phát triển. Cô Diệu là người lên ý tưởng khởi nghiệp, kế hoạch kinh doanh, còn thầy Tâm đồng hành cùng người bạn “nối khố” của mình.
Theo cô Diệu, bên cạnh việc kinh doanh thu lợi nhuận, điều mong muốn nhất là có thể mang đến phiên bản DL núi Cấm của những ngày còn hoang sơ, không ồn ào, náo nhiệt, mang màu sắc của thiên nhiên, tách biệt hẳn với không khí tất bật chốn thị thành.
Khác với thầy Tâm, cô Diệu không phải là người địa phương. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn (Trường Đại học An Giang), cô được phân công dạy học và gắn bó với ngôi trường miền núi này. Những năm đầu đến trường, không riêng cô Diệu, tất cả giáo viên của trường tiểu học, THCS trên núi Cấm đều gặp phải những khó khăn nhất định trong sinh hoạt. Không điện, đường sá không thông thoáng, di chuyển chủ yếu là đi bộ, tiền lương ít ỏi. Để bám trụ với nghề, thầy cô giáo nào cũng có thêm "nghề tay trái" bên cạnh việc đứng lớp hàng ngày, như: Bán trái cây, chạy “xe ôm”, bán nước giải khát…
“Cuộc sống sinh hoạt thiếu thốn, nhưng đồng nghiệp luôn hỗ trợ nhau, học sinh thì ngoan ngoãn. Thương nhất là phụ huynh coi mình như con em trong gia đình, nhà có măng, dâu, rau rừng… cũng để dành phần cho thầy cô, dù cuộc sống của bà con khó khăn không thua gì mình. Những thứ tưởng chừng như đơn giản như vậy lại níu chân mình, tạo động lực để bản thân gắn bó với vùng đất này trong một thời gian dài” - cô Diệu chia sẻ.
Hiện giờ, dù đã lập gia đình, chuyển về TX. Tân Châu công tác, nhưng kỷ niệm về vùng đất, xứ sở này vẫn là một phần ký ức khó quên đối với cô Diệu. Ở xa, cô Diệu không ngừng liên lạc với đồng nghiệp, thường xuyên ghé thăm trường khi có dịp, rồi ấp ủ ý tưởng phát triển mô hình DL hòa mình vào thiên nhiên.
Bốn bề rừng núi
Vốn liếng khởi nghiệp của 2 giáo viên trẻ không có gì ngoài trải nghiệm gắn bó với vùng đất này 16 năm. Thay vì đầu tư cơ sở vật chất hoành tráng, mang quá nhiều dấu ấn của bàn tay con người, OTuksa Camp có được màu sắc của sự bình dị, “dựa” mình hoàn toàn vào thiên nhiên.
Khi tìm và thuê được mảnh đất phù hợp, ngoài việc dọn trống vài khoảng đất để dựng lều, gia cố tre ở những khu có vực sâu, hầu như thầy Tâm và cô Diệu giữ nguyên hiện trạng của khu vườn. Các loại cây ăn trái đặc thù ở xứ núi, như: Bơ sáp, dâu vàng, xoài, sầu riêng… được giữ lại, tái hiện cuộc sống của cư dân núi Cấm trước đây.
Do chưa thực sự hoàn chỉnh công trình, nên OTuksa Camp chưa triển khai chiến lược kinh doanh cụ thể, phần lớn khách DL đến đây là người trẻ. Các bạn tự tìm đến qua giới thiệu trên mạng xã hội. Nhóm khách DL của bạn Lê Bích Thủy (từ TP. Hồ Chí Minh) tìm được OTuksa Camp thông qua một số lượt “check-in” trên mạng xã hội facebook. Sau khi đọc bình luận, xem hình ảnh, chi phí về OTuksa Camp, Thủy và nhóm bạn không ngần ngại liên hệ đặt chỗ ngay.
“Chúng tôi đi DL ở nhiều nơi trên cả nước, nhưng riêng ở đây, tôi thấy anh chị lựa chọn, thiết kế địa điểm rất thoải mái và gần gũi với thiên nhiên. Ở thành phố ồn ào, tất bật quá, bởi vậy sắp xếp được thời gian rảnh là chúng tôi “trốn” cùng nhau vài ngày. Sau đó, mang nguồn năng lượng mới này quay về làm việc, hiệu quả hơn rất nhiều. Thực sự đây là một trải nghiệm rất thú vị” - Thủy chia sẻ.
Dịch vụ của OTuksa Camp bao gồm đưa, rước khách, ngủ đêm trong lều, một phần nướng BBQ, đốt lửa trại vào ban đêm. Sáng hôm sau, họ sẽ được thêm phần ăn sáng, uống trà sớm trong không gian mát mẻ, trong lành ở lưng chừng núi.
Anh Trần Trọng Đạt (du khách TP. Cần Thơ) cùng gia đình của mình thường tìm đến đây để nghỉ dưỡng, hòa mình vào thiên nhiên những vào dịp cuối tuần. “Được cắm trại ở trong khu vườn đầy cây ăn trái, vươn tầm mắt ở phía xa là phong cảnh ruộng đồng bao la, bát ngát, không khí chẳng thua kém Đà Lạt, mà lại dễ di chuyển, thuận tiện cho gia đình có những chuyến DL ngắn vào dịp cuối tuần. Đồ ăn ở đây rất ngon, chủ cơ sở rất thân thiện, nhiệt tình tạo sự ấm cúng. Buổi tối, mọi người cùng nướng đồ ăn, trò chuyện, thăm hỏi như đã quen biết từ lâu, gần gũi lắm” - anh Đạt bày tỏ.
ÁNH NGUYÊN