10 tháng, hơn 500 người xin nghỉ
Theo số liệu tổng hợp từ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, từ ngày 1/1 đến 31/10, có 514 công chức, viên chức thôi việc. Trong đó, ngành giáo dục 290 trường hợp (chiếm 56,4%); ngành y tế 127 trường hợp (24,7%), còn lại thuộc lĩnh vực khác. Phân loại theo cấp, 12 công chức ở sở, ban, ngành tỉnh; 18 trường hợp ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Đối với viên chức, 275 trường hợp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; 13 trường hợp lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; 127 trường hợp lĩnh vực y tế… Những con số ấy nói lên bất cập trong đời sống, việc làm, buộc người trong cuộc chọn cách đau xót nhất!
Khảo sát nhóm đối tượng nghỉ việc, nguyên nhân được đưa ra phần lớn do hoàn cảnh gia đình (công tác xa nhà, gia đình khó khăn, chăm sóc con nhỏ, người thân già, bệnh...). Một số tự nhận thấy sức khỏe không bảo đảm nên nghỉ việc để chữa bệnh.
Nguyên nhân sâu xa hơn, tại một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên, nguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị. Nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, nguồn thu cũng bị giảm đi, dẫn đến thu nhập viên chức y tế giảm mạnh. Thậm chí, nhiều đơn vị chậm chi trả lương. Đây là nguyên nhân lớn dẫn đến việc viên chức y tế xin nghỉ việc.
Mặt khác, viên chức y tế làm việc với cường độ cao trong thời gian dài, hầu như không có ngày nghỉ (đặc biệt từ khi có dịch bệnh COVID-19). Phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể ảnh hưởng tính mạng… ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức y tế.
Nguyên nhân nhiều giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ trang trải cuộc sống. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống khá cao. Điều này khiến một số giáo viên chuyển sang làm công việc thu nhập cao hơn.
Ngoài lương thấp, giáo viên còn phải “gồng gánh” thêm hàng loạt chứng chỉ, hồ sơ sổ sách mang tính hình thức, gây tốn kém, thiếu hiệu quả thực tế. Thời gian dịch COVID-19 bùng phát, đội ngũ nhà giáo phải thay đổi phương thức dạy - học, trong khi trang thiết bị và cơ sở vật chất thiếu thốn…
Một nguyên nhân khác, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giảm biên chế, nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng do yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Điều đó đồng nghĩa với việc công chức, viên chức bị quá tải, áp lực lớn.
Gỡ nút thắt bằng tư duy đổi mới
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ An Giang Lê Kim Bình, để khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc ở địa phương, cần thực hiện 4 giải pháp quan trọng. Thứ nhất, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tạo cơ hội phát triển, gắn bó, ổn định của đội ngũ này. Thứ hai, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo tư tưởng yên tâm làm việc trong khu vực nhà nước. Quan tâm hỗ trợ kịp thời về điều kiện vật chất đối với công chức, viên chức có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để tạo niềm tin, động lực cho họ gắn bó với công việc.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Cuối cùng là tập trung đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; chú trọng đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tạo điều kiện để cải thiện thu nhập cho đội ngũ viên chức, nhất là sự nghiệp y tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
“Tiền lương là chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần kiến nghị Trung ương chuẩn bị nguồn lực, ưu tiên thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018. Phải để tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội” - bà Lê Kim Bình khẳng định.
Theo Sở Nội vụ An Giang, hàng năm, trên cơ sở tổng hợp kế hoạch biên chế của các cơ quan, đơn vị, căn cứ biên chế được Trung ương giao, đơn vị tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh giao biên chế đối với sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cơ bản theo đề án vị trí việc làm và định mức biên chế sự nghiệp. Đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp y tế, cơ bản giao theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, bảo đảm biên chế cho 2 ngành, đáp ứng yêu cầu dạy - học và chăm sóc sức khỏe nhân dân. |
VẠN LỘC