Cần tạo môi trường để các em nhỏ tham gia trải nghiệm, học tập.
Có mặt tại Cơ sở y học cổ truyền Toàn Thắng (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), chị L.T.T (ngụ phường Bình Khánh) suy nghĩ rất nhiều khi nghe câu chuyện vượt khó của nhân viên của cơ sở. Họ cố gắng tích cóp thu nhập từ những suất massage, trang trải chi phí phòng trọ, ăn uống, học hành của con cái. Để động viên con học tốt, họ đặt mục tiêu: Nếu đạt kết quả học tập tốt mỗi học kỳ, các bé sẽ được dẫn đi ăn gà rán 1 lần.
Nhờ vậy, các bé nỗ lực đạt thành tích tốt để được khen thưởng. Chị T. bày tỏ: “Phải chăng, từ sự thiếu thốn, con trẻ mới có động lực phấn đấu? Trong khi đó, sáng tôi phải hỏi con muốn ăn gì, cuối tuần này mình đi chơi đâu… Con muốn mua đồ chơi, quần áo hay bất cứ thứ gì, tôi đều cố gắng đáp ứng. Do vậy, con không còn thấy hứng thú với món quà nào, không còn ham học để được nhận quà”.
Đó là một trong những băn khoăn của bậc phụ huynh khi thấy con trẻ ngày nay rơi vào cảnh sống hưởng thụ, đầy đủ điều kiện vật chất đến đời sống tinh thần, ngày càng mất dần mục tiêu và động lực phấn đấu. Trẻ không thể thích nghi với điều kiện khác ngoài gia đình, hạn chế khả năng tiếp xúc và tìm hiểu thế giới xung quanh.
Những “cậu ấm, cô chiêu” về đến nhà là nhốt mình trong phòng lạnh, miệt mài với trò chơi điện tử, mạng xã hội. Đến giờ chơi, đáng lẽ tung tăng chơi đá bóng, chạy nhảy trong sân trường với bạn bè, ngược lại nhiều học sinh tiểu học tiếp tục “ôm điện thoại”. Hay khi tham gia học kỳ quân đội, công an, những “chiến sĩ nhí” khóc sướt mướt vì không được ngủ máy lạnh. Ngày nắng nóng, các em nhỏ thích tắm hồ bơi, nhưng không thể vận động lâu với một cơ thể thừa cân đầy mệt mỏi…
Càng lớn lên, nhu cầu hưởng thụ vật chất của học sinh ngày càng tăng. Tan trường, hình ảnh các em áo trắng chạy xe tay ga xịn xò; trong quán cà-phê, trà sữa, mỗi bạn cầm 1 chiếc điện thoại di động đời mới nhất, lướt mạng xã hội, vui chơi, ca hát theo xu hướng hiện đại… Chúng ta không phê phán sự phát triển của xã hội, không thể bắt con trẻ sống trong khó khăn, thiếu thốn như các thế hệ trước đây. Vấn đề là sự nuông chiều con cần có giới hạn. Đôi khi cha mẹ cần tạo nên hoàn cảnh để con rèn luyện tính cách, phẩm chất, trải nghiệm để khôn lớn.
Dã ngoại giúp các em rèn luyện thể chất và kỹ năng xã hội.
Bạn T.C.T (21 tuổi, ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) chia sẻ với chúng tôi: “Tôi sống rất khổ tâm, không phải vì lo toan cuộc sống, mà vì quá đầy đủ. Từ nhỏ đến lớn, tôi không phải đụng đến việc nhà, tất cả đều có người giúp việc. Xe cộ, quần áo, điện thoại loại nào mới nhất, cha mẹ đều mua cho, với điều kiện phải học theo ngành cha mong muốn.
Tôi cố gắng đi học nghề 3 năm cho cha vui lòng, sau đó dọn ra ở riêng, tìm việc làm khác để thỏa đam mê. Công việc đầu tiên là phục vụ quán ăn. Có đi làm, tôi mới biết kiếm tiền quá vất vả, vậy mà bấy lâu nay tôi cứ tiêu tiền như nước. Ngoài xã hội, nhiều bạn rất chịu khó. Hoàn cảnh khó khăn tạo động lực để các bạn phấn đấu. Do vậy, tôi chọn lại “vạch xuất phát”, tự tạo động lực phấn đấu cho mình”.
Thật hiếm hoi khi “cậu ấm” như T. lại chọn con đường khó khăn để bước chân vào đời. Bởi, đa phần các bạn trẻ đã quen sung sướng thì khó lòng chịu khổ. Tuy nhiên, nếu không tự nhận thức và chuyển đổi mạnh mẽ, chắc chắn các bạn trầy trật lắm mới có thể trưởng thành.
Trong diễn đàn khơi gợi ước mơ khởi nghiệp cho sinh viên tại Trường Cao đẳng Nghề An Giang, chị Phan Trần Ngọc Duy (chủ doanh nghiệp kinh doanh trà sữa Misa, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Ngày nào còn “cái tôi” là sinh viên đại học, không thể bán trà sữa lề đường thì các bạn sẽ không thể thành công. Ngày nào các bạn còn mải mê với chiếc điện thoại một cách vô bổ thì cũng khó lòng “vượt sướng”. Khởi nghiệp trong giới trẻ hiện nay là chịu vượt qua những thói quen hưởng thụ cuộc sống dễ dàng, chịu làm khác hơn, dành thời gian cho công việc nhiều hơn, thì mới có cơ hội thành công trong tương lai”.
Ngạn ngữ có câu “Gieo hành động, bạn sẽ gặt thói quen, gieo thói quen bạn sẽ gặt tính cách, gieo tính cách bạn sẽ gặt số phận”, đáng cho chúng ta phải suy ngẫm. Ngay từ bây giờ, cần tạo thói quen tốt cho con trẻ, tạo môi trường và động lực cho trẻ vượt khó, “vượt sướng”, để trẻ sớm trưởng thành.
NGỌC GIANG